Tiếp tục với triển lãm xanh vào cuối năm 2019, một lần nữa, “Nảy Mầm” lại tiếp tục được nuôi nấng với sự trở lại thú vị không kém với sự tham gia của hơn 195 đôi tay nghệ sĩ trẻ underground. Đại diện cho ekip và các nghệ sĩ, Trần Nguyễn Trung Tín – người sáng lập dự án chia sẻ với độc giả RGB về ý tưởng cùng quá trình chăm chút cho triển lãm Nảy Mầm này.
“TRỒNG CÂY KHÓ LẮM AI ƠI”
“Trồng cây khó lắm ai ơi, lơ mơ 2 tháng cây đời chết queo.” Cha đẻ của dự án “Nảy Mầm” , hoạ sĩ trẻ Trần Nguyễn Trung Tín hài hước nói về lần triển lãm thứ 2 trong dự án của mình.
– Tín có thể chia sẻ về ý tưởng ban sơ của dự án?
Tín thích cây.
À hết rồi đó, vậy thôi…
Hồi đợt Tín cũng có làm triển lãm chủ đề xoay quanh các yếu tố Ánh sáng, Đất, Không Khí, Nước.
Ánh Sáng: tình yêu, sự yên bình và sự ấm áp.
Đất: sự sống, sự tái sinh và hy vọng.
Không Khí: trí tưởng tượng và utopia (không tưởng).
Nước: sự bí ẩn, nỗi buồn và tính thuần khiết.…
…nhưng kiểu triển lãm xong rồi thấy bị nhiều quá mà không được tập trung vô một concept nhất định nào nên thôi, Tín thấy cứ tập trung vào cây cối thì tổng thể sẽ tròn trĩnh hơn.
– So với lần I vào tháng 11.2019, Nảy mầm II có gì khác biệt?
Ở lần 1, mọi thứ vẫn còn mới với mọi người nên cũng chưa vô được guồng quay, tuy nhiên, lúc đó mọi người vẫn sẵn sàng chạy cùng Tín nên qua đến lần 2, Tín vẫn tiếp tục làm việc với ekip cũ, và lúc này thì mịn mướt êm ru luôn.
Lần này, Tín cũng bỏ đi 1 trong những yêu cầu từ các bạn nghệ sĩ tham gia là phải trồng và chăm ít nhất 1 cái cây, thực ra yêu cầu mang tính biểu tượng thôi, ai thích cây sẽ trồng rất nhiều, còn không thì các bạn cũng được khuyến khích thử và biết mùi “trồng cây khó lắm ai ơi.”
Bù lại, đợt này Tín có mở thêm hoạt động mua bán tranh của các nghệ sĩ để gây quỹ phủ xanh cho khu bảo tồn Xuân Liên, Thanh Hoá sau sự kiện cháy rừng vào tháng 7 năm nay.
– Có những ai đứng phía sau triển lãm này cùng Tín?
Cũng như lần trước, Tín chọn quán cafe Humming bird làm địa điểm tổ chức. Quán này Tín được bạn bè giới thiệu, và khi vừa bước vào là Tín chọn ngay không chần chừ: không gian đủ phục vụ cho quy mô sự kiện, có giếng trời để phục vụ ánh sáng cho mấy cái cây nhà Tín chăm và của các bạn nghệ sĩ mang qua, dù đợt 2 này không còn hoạt động đó nữa, nhưng cũng là một địa điểm ấm áp phù hợp với chủ đề cây cối.
Bên cạnh đó, Tín còn được mấy anh em trong Monosketch hỗ trợ set up không gian, khung gỗ bên Tạp,… và tất nhiên, linh hồn của triển lãm chính là hơn 195 nghệ sĩ trẻ đã thổi hồn vào từng tác phẩm của mình để cùng nhau Nảy Mầm trong khu vườn nghệ thuật.
– Mất bao lâu hoàn thành set up cho “khu vườn” nghệ thuật này Nảy Mầm?
Vì đã có 500 anh em hỗ trợ nên Tín chỉ mất tầm 2 ngày thôi. He he
TRÍ ÓC BAY BỔNG TRONG MỘT CÁI ĐẦU THỰC TẾ
Một con người duy mỹ đứng giữa một dự án phi lợi nhuận, nhưng Trần Nguyễn Trung Tín vẫn có những quan điểm thực tế nhằm tạo điều kiện cho các bạn nghệ sĩ tham gia biết thêm về quyền lợi để có thể bảo vệ bản thân và tiến xa hơn trong đoạn đường tự gây dựng quy trình làm việc.
“Vì trước đó, Tín cũng tham gia tổ chức rất nhiều khâu trong các triển lãm của Ga.0 – Zero Station, nên các khâu quản lý Tín có thể nắm tốt hơn một số bạn mới, Tín biết được gì Tín sẽ chia sẻ để các bạn biết thêm.” – Tín chia sẻ.
– Tiêu chí chọn tác phẩm triển lãm
Tín không quan trọng nghệ sĩ có tiếng hay không, cũng không sàng lọc quá nhiều, cơ bản, mấy bạn muốn thoả mãn ý tưởng của mình trong chủ đề mà Tín đưa ra thì Tín thực sự khuyến khích, chính vì vậy, Tín chia dự án lần này làm 2 đợt:
“Mầm”: 17/09 – 30/09/2020, gồm những tác phẩm nhấn mạnh tình yêu thiên nhiên.
Chồi”: 02/10 – 17/10/2020, tập hợp những tác phẩm nói nhiều hơn về đề tài trẻ em.
Tín là người duy mỹ, nên cái gì Tín thấy đẹp là Tín “dễ dãi” lắm, miễn là tác phẩm đủ riêng biệt thì Tín sẽ cho vào “khu vườn” để ươm mầm.
– Cam kết với nghệ sĩ
Các bạn nghệ sĩ đến với Nảy Mầm đều dựa trên tinh thần tự nguyện, các bạn giúp Tín có được nhiều artwork cho triển lãm, Tín giúp các bạn có được cơ hội đưa tranh mình đến nhiều người xem. Tín không hứa sẽ giúp các bạn bán được tranh, dĩ nhiên vì đây là dự án phi lợi nhuận.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà Tín để những khâu giấy tờ lỏng lẻo, Tín không muốn có bất cứ một tai nạn vi phạm bản quyền ở đây, vì thực tế, có nhiều trường hợp những nghệ sĩ trẻ rất hào hứng muốn bán được tác phẩm của mình nhưng lại chưa nghiên cứu kỹ về bản quyền cũng như quyền lợi của mình, bản thân người mua cũng không nghiên cứu về giới hạn bản quyền.
Thế nên, khi nghệ sĩ bán tranh của mình cũng nên thương lượng với người mua về giới hạn sử dụng, điều này để bảo vệ giá trị chất xám của chính mình thôi, nên khi làm việc với nghệ sĩ, Tín cũng đã phổ biến trước trong email guideline hợp tác cả rồi, còn lại như thế nào thì không nằm trong quyền hạn của Tín.
MỘT SÂN CHƠI THOẢ MÃN NHỮNG CÁI TÔI VÀ ĐAM MÊ
Không đặt nặng kết quả của dự án, Trung Tín thẳng thắn mời gọi cá nhân nghệ sĩ đến chơi cùng Nảy Mầm và thoả mãn cái tôi cùng nhau.
Nghệ sĩ Võ Huỳnh Phú chia sẻ: “Tụi mình đều là dân hoạ sĩ vẽ minh hoạ nên có hoạt động gì chung của cộng đồng cũng dễ biết, chính vì thế, khi được biết Tín sẽ “ra đề” để kích cho anh em được dịp “nổi máu nghề” thì ok tụi mình chơi luôn. Chứ nói thật, không có sự kiện này thì chắc mình cũng chỉ ngày ngày hoàn thành nốt công việc thôi chứ cũng lười đi tìm chất liệu, câu chuyện để thoả mãn mình lắm.”
Nghệ sĩ Trần Đường: “Mình quen biết Tín cũng tầm 4 năm trước, trong một đợt workshop ở Ga.0, chị cũng theo dõi các hoạt động của Tín và vì đây là một không gian mở không giới hạn nên mình tham gia dưới hình thức thêu tay, cũng như đợt triển lãm vừa rồi. “Nảy Mầm” mang lại cho mình cảm giác gần gũi và có thể bộc lộ kỹ năng cũng như là nơi gặp lại các bạn bè nghệ sĩ trong giới.”
– Điều tâm đắc nhất trong dự án lần này
Dự án lần này Tín đã nhận được gần 200 tác phẩm với số lượng nghệ sĩ tham gia gần gấp đôi so với triển lãm lần 1 (với 88 nghệ sĩ tham gia và trên dưới 100 tác phẩm), trong đó phần nhiều là digital painting, còn lại là các tác phẩm thêu, làm tượng, làm miniature, truyện tranh, boardgame… càng khiến cho không gian trưng bày thêm phong phú, tăng thêm trải nghiệm cho người xem.
– Hướng phát triển cho dự án
Tương lai nếu có Nảy Mầm III thì Tín cũng sẽ cố gắng duy trì quy mô ở mức độ như thế này thôi, Tín muốn sân chơi này là của chung và phải đạt được độ thân mật nhất định mà không phải lệ thuộc bất cứ sự chi phối nào khác, ban sơ và nguyên bản như cái tên của nó là đã đủ với Tín rồi.
– Điều mà Tín muốn gửi gắm thông qua dự án
Tín không quá đặt nặng về quy mô cũng như tính chất thương mại, ai hứng thú, thích chơi cùng Tín thì đến đây. Nảy Mầm tạo ra để thoả mãn mong ước của Tín là đưa ra một sân chơi có chủ đề rõ ràng và thoả mãn mong ước của các bạn nghệ sĩ là được thể hiện chất riêng, cái tôi của mình thông qua nghệ thuật và sáng tạo. Ngoài ra, tại Nảy Mầm, mỗi nghệ sĩ cũng có dịp thể hiện tiếng nói và thông điệp của mình về tình yêu thiên nhiên, trẻ em bằng những tác phẩm của mình. Bên cạnh việc gây quỹ phủ xanh rừng thì việc các họa sĩ Việt cùng tụ họp trên “khu vườn nghệ thuật”, cùng học hỏi, cùng làm và lan tỏa những điều tốt đẹp đến khán giả là điều tuyệt vời nhất.
Rất cảm ơn Tín đã dành thời gian chia sẻ và mang đến những câu chuyện hậu trường của triển lãm Nảy Mầm. Mong khán giả và những người yêu thích nghệ thuật cùng đến triển lãm, thưởng thức, cảm nhận và trải nghiệm nhiều hơn câu chuyện mà Tín, các họa sĩ và ekip muốn gửi gắm nhé!
Cùng nhìn ngắm một số hình ảnh trong buổi khai mạc triển lãm đã diễn ra vừa qua nhé. Để xem lịch mở cửa và tìm hiểu thêm các thông tin về triển lãm, các bạn có thể ghé thăm: Fanpage Nảy Mầm
Bài & ảnh: Nhi Ng – RGB
Để lại đánh giá