Nghệ sĩ digital art Ướt Mi chia sẻ về sự tưởng tượng, thực tại, và bối cảnh của nghệ thuật Việt Nam
Những chú heo mỉm cười mặc trang phục siêu nhân bay ngang bầu trời. Một thiên thần sa ngã nhìn chăm chăm qua cơn bão với đôi mắt xanh dữ dội. Trong căn phòng nhá nhem tối, ghế lơ lửng bay và hoa nở giữa không trung. Chào mừng bạn đến với thế giới của Ướt Mi.
Nghệ sĩ có thể miêu tả thực tế hoặc ngược lại. Ướt Mi chọn điều thứ hai. Người nghệ sĩ gốc Sài Gòn này đã bẻ cong thực tại để tạo nên một thế giới giàu kết cấu trong đó những câu chuyện thần tiên và trí tưởng tượng lên ngôi.
Bạn có thể kể cho chúng tôi biết con đường bạn trở thành nghệ sĩ digital art như thế nào không?
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, tôi thi rớt Mỹ Thuật và phải học nguyện vọng hai là Đại học Kinh tế. Tôi học được hai năm thì cảm thấy lạc lõng và nhận ra rằng đây không phải là sở trường của mình. Nên tôi vào học trường Cao đẳng Hoa Sen, giống như một trường dạy nghề lúc bấy giờ – không được “hay ho” như đại học nhưng kệ, sao cũng được. Tôi học ngành Graphic Design. [Cười lớn]. Tôi vẽ cũng không đẹp lắm đâu.
Thực tế là lúc đó không có trường nào ở Việt Nam dạy digital art cả. Tất cả những gì tôi được học ở môn Graphic Design là Photoshop và Illustration căn bản. Còn về ý tưởng và khái niệm thì bạn phải tự tìm kiếm rất nhiều từ xung quanh, đặc biệt là Internet, để tạo nên phong cách cho riêng mình. Hầu như chính bạn là người vạch ra con đường cho mình.
Tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của bạn là khi nào? Bạn có thể mô tả nó cho chúng tôi được không?
Năm 2004. Đó là bức tranh cô gái ngồi một mình trong căn phòng. Cô ta trông rất cô đơn. Thực ra tác phẩm đó là một bài tập của tôi lúc tôi còn học trong trường.
Hồi còn đi học, tôi chẳng có ràng buộc hay giới hạn gì cả. Mọi thứ đều bắt nguồn từ cảm nhận của chính tôi, từ trực giác. Mỗi chi tiết hay thành phần của tác phẩm tôi đều làm theo ý muốn của mình. Màu sắc cũng là do tôi chọn. Bây giờ các tác phẩm đó là công việc nên tôi phải làm theo ý khách hàng.
Tác phẩm của bạn mang tính siêu thực, vượt qua ranh giới thực tại để đi vào sự tưởng tượng. Có phương diện cá tính nào của bạn được chuyển tải vào trong tác phẩm không?
Tôi là kẻ hay mơ mộng. Ví như khi tôi cảm thấy buồn bã thì tôi cho rằng bức tường, cái bàn, cái ghế, mọi thứ xung quanh tôi cũng cảm thấy buồn như vậy. Và thế là chúng xuất hiện trong các tác phẩm của tôi.
Bạn tìm nguồn cảm hứng ở đâu?
Hầu hết là từ cảm nhận trong cuộc sống cá nhân tôi, khi tôi cảm thấy vui hay buồn trong mối quan hệ giữa người với người, từ tình bạn cho đến tình yêu hay gia đình. Các tác phẩm bắt nguồn từ những cảm xúc riêng tư/cá nhân đó của tôi. Bạn có thể nhìn vào màu sắc trong một tác phẩm mà biết được cảm xúc của tôi lúc tạo ra nó.
Những nghệ sĩ nào ảnh hưởng đến tác phẩm của bạn?
Có hai người. Một là họa sĩ theo trường phái siêu thực [Salvador] Dali. Người kia là đạo diễn Tim Burton. Tôi yêu chủ nghĩa siêu thực của Dali và ý tưởng làm đảo lộn cả thế giới trong các tác phẩm của ông ấy. Và tôi thích các nhân vật dễ thương trong các bộ phim của Tim Burton. Cả hai phong cách này đều in dấu trong tác phẩm của tôi
Bạn có nghĩ rằng công nghệ đang có ảnh hưởng tích cực đến nghệ thuật?
Tôi là nghệ sĩ digital art, cho nên tôi chẳng làm được gì nếu không có máy tính. Tôi nghĩ công nghệ là công cụ của nghệ sĩ digital art giống như cọ vẽ là công cụ của họa sĩ. Đầu tiên chúng ta dựa vào công cụ. Sau đó công cụ phải phụ thuộc vào chúng ta để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh.
Digital Art là một khái niệm còn khá mới ở Việt Nam; vậy công chúng phản ứng với tác phẩm của bạn ra sao?
Photo manipulation – đặc biệt là những tác phẩm siêu thực như của tôi – còn khá mới mẻ ở Việt Nam, vì vậy công chúng trong nước thường phản ứng như: “Ôi, nhìn ghê quá. Điên thật. Thôi, thôi, thôi, thôi.” Thực ra thì vào lúc xuất hiện, tác phẩm của tôi được người nước ngoài đón nhận nhiều hơn.
Một số thử thách mà các nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam đang phải đối mặt, đặc biệt là những người làm trong truyền thông kĩ thuật số?
Tôi chưa được biết cũng như thấy nhiều nghệ sĩ chuyên về digital art. Khi người ta nói về nghệ thuật Việt Nam, hầu như người ta nói về những loại hình truyền thống hoặc các nghệ sĩ từ những năm 60 hay đại loại như vậy. Các loại hình nghệ thuật mới – như digital art chẳng hạn – chưa nhận được nhiều sự chú ý.
Về bối cảnh nghệ thuật nói chung, tôi không nghĩ nó quá phát triển tại đây. Tôi thấy nhiều người tài năng có phong cách riêng. Nhiều nghệ sĩ đang cố gắng phát triển, nhưng lại không có sân chơi cho các nghệ sĩ trẻ Việt Nam. Chúng tôi không biết gặp nhau ở đâu và bằng cách nào cũng như gặp những người có hứng thú tài trợ cho các tác phẩm của chúng tôi.
Bạn đối phó với vấn đề đó như thế nào? Bạn gặp các nghệ sĩ digital art khác ở đâu?
Cá nhân tôi thường tổ chức triển lãm hàng năm dành cho các nghệ sĩ digital art. Tôi sắp xếp chương trình, kêu gọi người tham gia, chấm các tác phẩm gửi về, sắp đặt tác phẩm và đi khắp nơi tìm kiếm tài trợ. Tên triển lãm là “Không Thật 99%”
Bên cạnh đó thì tôi gặp các nghệ sĩ khác ở Zideanart – một diễn đàn cho các nghệ sĩ Việt Nam. Hoặc Facebook!
Chúng tôi có thể trông đợi được thấy gì từ bạn trong tương lai?
Tôi sẽ tiếp tục là người hay mơ mộng. Ồ, ý bạn là kế hoạch cụ thể hả? [Cười lớn]. Tôi muốn hàng đống ấy chứ. Tôi tham lam lắm! Tôi muốn mở một phòng trưng bày hoặc một đại lý chuyên cung cấp dịch vụ về nghệ thuật. Hay làm giảng viên. Ôi, tôi muốn làm nhiều thứ lắm. Gần đây tôi bắt đầu làm phim hoạt hình từ các ảnh kĩ thuật số của mình. Tôi còn làm cả búp bê nữa. À, nhưng trước hết là chuẩn bị cho triển lãm “Không Thật 99%” năm nay.
Dịch: Pascal
Nguồn: AnyArena
Để lại đánh giá