Xu hướng mới tại Trung Quốc: thuê người ảo làm đại sứ thương hiệu để tránh scandal

Framestock Footages | Dreamstime.com

Các avatar phiên bản kỹ thuật số không phải là một khái niệm gì mới, thế nhưng có vẻ nó đang trở thành xu hướng khi ngày càng có nhiều công ty ở Trung Quốc chọn “người ảo” để làm việc cho mình. Các nhân viên ảo này được hiện thực hoá thông qua sự kỳ diệu của công nghệ đồ hoạ máy tính, máy học (machine learning) và hiệu ứng âm thanh. Họ có thể được đào tạo về dịch vụ khách hàng và thậm chí trở thành các ngôi sao với tư cách là ca sĩ hoặc dẫn các buổi livestream.

Công ty công nghệ Trung Quốc Baidu cho biết lượng mua người ảo đã tăng gấp đôi kể từ năm 2021 và các công ty nước này đang trả từ 20.000 đến 100.000 nhân dân tệ (2.800 USD đến 14.300 USD) mỗi năm cho mỗi nhân viên ảo. Theo Li Shiyan, trưởng nhóm người ảo và người máy của Baidu, một số lĩnh vực đang tuyển dụng nhiều nhân viên ảo dạng avatar là các công ty dịch vụ tài chính, du lịch và truyền thông của nhà nước.

Đã có trường hợp người ảo với một sự nghiệp vô cùng thành công ở Trung Quốc đó là Luo Tianyi. Được giới thiệu vào năm 2012, ca sĩ ảo này kể từ đó đã biểu diễn tại một số buổi hòa nhạc và thậm chí là tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh vào năm 2022.

Mức lương 14.300 đô la Mỹ một năm được xem là một món hời so với chi phí đắt đỏ trước đó khi avatar kỹ thuật số lần đầu tiên xuất hiện. Theo báo cáo, chi phí sản xuất người ảo đã được cắt giảm 80% kể từ năm ngoái và có thể sẽ tiếp tục giảm khi công nghệ tạo ra chúng phát triển. Mức giá trên là dành cho nhân viên ảo 3D, với nhân viên ảo dạng 2D  thì mức lương sẽ rơi vào chỉ khoảng 2.800 đô la Mỹ.

Theo Li, ngành công nghiệp người ảo được dự đoán sẽ tăng trưởng 50% mỗi năm cho đến năm 2025.

Câu hỏi thường gặp là tại sao lại chọn một người có thể vừa mới “ra đời” vào ngày hôm trước theo đúng nghĩa đen, thay vì một nhân viên thực sự với kinh nghiệm dày dặn được tích luỹ qua nhiều năm? Sirius Wang, giám đốc sản phẩm và người đứng đầu chợ ảo Greater China của công ty tư vấn và dữ liệu Kantar, cho biết ít nhất là ở Trung Quốc, nhiều công ty cảm thấy mệt mỏi với việc những phát ngôn viên vướng vào các vụ bê bối liên quan đến đời sống cá nhân hoặc trốn thuế.

Các thương hiệu ưa chuộng các nhân vật có nguồn gốc “sạch sẽ” và rõ ràng để làm đại sứ cho hình ảnh của mình, tránh được những scandal ngoài ý muốn điều mà những người nổi tiếng ngoài đời thực hay vướng phải.

Mặc dù nghe có vẻ viễn tưởng, người ảo lại góp phần khuyến khích một số lực lượng lao động tiềm năng trở lại thị trường. Đơn cử tại Nhật Bản, một cửa hàng tiện lợi đang được điều hành bởi những người khuyết tật giao tiếp với khách hàng thông qua các nhân vật hoạt hình được điều khiển từ xa.

Theo: CNBC & DesignTaxi