Trong tâm trí ngây thơ của một đứa trẻ, ước mơ trở thành hoạ sĩ từ lâu đã dẫn lối cho Quyên Thái, được biết đến với cái tên “Chít”. Với tình yêu vô tận đối với nét vẽ, Chít đã trải qua hành trình khám phá nghệ thuật minh họa từ những bước đầu tiên.Vẽ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Chít, đi kèm với sự phát triển từ tuổi thơ đến hiện tại. Trên các tập sách và bàn học, Chít vẽ không ngừng, tràn đầy sáng tạo. Nhưng khi bước vào đại học mỹ thuật, Chít bắt đầu có cái nhìn nghiêm túc hơn về việc theo đuổi đam mê của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực minh họa sách.
Với môn minh họa sách, Chít đã bắt đầu khám phá sâu hơn về nghệ thuật này và càng ngày càng trở nên say mê hơn. Thực tế, việc trở thành một họa sĩ minh họa sách cũng là một cơ duyên đầy may mắn. Một lần được mời vẽ cho một cuốn sách thiếu nhi đã mở ra cánh cửa đầu tiên cho Chít và đánh dấu bước chân đầu tiên vào thế giới minh họa sách. Từ đó, Chít đã nghiêm túc suy nghĩ về con đường nghề nghiệp này và nhận ra rằng đây chính là niềm đam mê sâu thẳm của mình. “Với mình, minh họa sách không chỉ là công việc mà còn là một hành trình sáng tạo đầy màu sắc. Những ý tưởng sáng tạo được khai thác tự do, đưa người ta đến một thế giới màu sắc sống động trên giấy. Sự tự do trong việc phân tích vấn đề, khám phá, và truyền cảm hứng cho các tác phẩm là những giá trị chính mà Chít mang đến cho ngành minh họa sách.”
Dự án nào trong quá trình làm việc của bạn đã mang lại cho bạn nhiều học hỏi nhất?
Dự án mình được học hỏi nhiều nhất cũng là bộ sách đầu tiên mình được mời vẽ cho bộ thơ thiếu nhi, và cũng là lần đầu mình được vẽ nhiều tranh đến như vậy, mình được sự động viên từ biên tập, đồng hành và hỗ trợ rất nhiều từ nhà xuất bản để bộ sách được xuất bản thành công. Và đến giờ nó vẫn là bộ sách ý nghĩa và tâm đắc nhất của mình, thật may mắn là tranh trong bộ sách này được gửi tham dự triển lãm Asian Festival of Children’s Content tổ chức tại Singapore và tháng 5/2023 này.
Chất liệu mà bạn yêu thích là gì?
Các tranh minh hoạ mình phần nhiều vẽ bằng digital, để tạo nét riêng cho các tranh minh hoạ thì mình dùng hiệu ứng chất liệu chì màu để tạo cảm xúc gần gũi với chất liệu thật hơn cho người xem. Các tác phẩm minh hoạ của mình thường được lấy cảm hứng từ chất liệu ‘đời sống’, mình thích quan sát và miêu tả lại những khoảnh khắc đời sống thường nhật, những điều gần gũi hằng ngày. Nhằm sáng tạo ra những sản phẩm minh hoạ gần gũi và dễ cảm nhận nhất đến với người xem tranh.
Trong giai đoạn trước khi thực hành vẽ, bạn có “nghi thức” gì không?
Thực ra mình làm việc khá cảm xúc, nghĩa là trước khi mình bắt đầu công việc mình sẽ điều chỉnh tâm trạng một chút để tâm trạng thoải mái hơn khi bắt đầu công việc vẽ chứ không phải một nghi thức kiểu như rèn luyện kĩ năng vẽ.
Cách bạn đi từ những suy nghĩ “thoải mái” trong tâm trí bạn và sau đó tiến hành sáng tạo để đưa đến tác phẩm cho người xem, bạn đã học hỏi và nhận ra những gì? Bạn sử dụng tư duy thử nghiệm này như thế nào?
Sự thoải mái đem lại cho mình sự tự do về mặt cảm xúc , đó là điều cần thiết để tạo không gian cho sự sáng tạo được bay bổng nhất có thể cho việc sáng tác. Giống như cây cối muốn xanh tươi nở hoa thì cần chăm bón tưới nước, cần không gian trong lành, cần khí hậu ôn hoà, cũng như người vẽ, cũng cần môi trường phù hợp như sự thoải mái tự do để nuôi dưỡng không gian sáng tác và sáng tạo cho riêng mình thì mới tạo ra những tác phẩm tốt. Trong khi sáng tác , có một vài yếu tố tác động tiêu cực đến người sáng tác sẽ dễ làm họ mất đi cảm hứng, do đó người vẽ cần không gian sáng tạo thoải mái để đắm chìm và tạo ra những tác phẩm hay.
Liệu sự thoải mái có thể tạo ra việc không kiểm soát chứ? Trong công tác sáng tạo để giải quyết vấn đề, bạn nghĩ sự thoải mái nên có điều kiện ràng buộc không?
Tuy nhiên, để sự thoải mái mang đến giá trị tốt cho các tác phẩm của mình thì vẫn cần có sự điều chỉnh nhất định, trong mức kiểm soát để không bị thả trôi mà cần tập trung vào tác phẩm hơn là quá chú tâm vào sự thoải mái cảm xúc cá nhân. Mình nghĩ sự thoải mái nên có điều kiện ràng buộc ,vì không phải khi nào người vẽ cũng có được hoàn cảnh thoải mái tự do đó mà còn phụ thuộc vào những yếu tố khác nhưng deadline, teamwork… và điều kiện ràng buộc ở đây là sự kiểm soát.
Quy trình sáng tạo vẽ của bạn là gì? Điều gì bạn tâm đắc nhất từ quy trình đó & tại sao?
Quy trình vẽ của mình bắt đầu từ việc tìm nguồn cảm hứng từ các tư liệu như đời sống hay từ mạng xã hội và từ cả những trải nghiệm cá nhân trong đời sống để tìm thấy những đề tài mình cảm thấy hứng thú và thôi thúc mình vẽ. Sau khi tìm thấy đề tài, mình bắt đầu từ việc phát thảo cơ bản và sau đó lên màu hoàn chỉnh và điều chỉnh đến khi hoàn thiện nhất và vừa ý nhất với tác phẩm. Điều mình tâm đắc từ quy trình này là việc đi tìm nguồn cảm hứng và ý tưởng cho tác phẩm, đó là giai đoạn mình nghĩ là quan trọng nhất quyết định việc mình có tạo ra một tác phẩm tốt hay không.
Bạn có thể mô tả về cách bạn sử dụng màu hay chơi với vector/shape không? Nếu có 01 tên gọi, bạn sẽ gọi nó là gì & tại sao?
Mình sử dụng màu một cách khá thoải mái, tự nhiên và cả ngẫu hứng chứ không quá nhiều tính toán về màu sắc hay sắc độ cho các bức tranh, thường mình sẽ luôn chọn màu sắc tươi sáng và dịu ngọt như cam, tím, hồng, xanh lá, mình thích màu sắc của rau củ và thường các tranh mình luôn có những tone màu đặc trưng đó. Mình thích việc này vì nó hẳn sẽ mang đến những bức tranh gần gũi và chân thực nhất về cả màu sắc lẫn hình hoạ. Đó là điều mình muốn mang đến cho những tác phẩm của mình và những người xem tranh.
Khi sáng tác, bạn đã làm những việc song song với nó không?
Mình thường chuẩn bị một chút nhạc hay podcast, mình có thói quen nghe podcast khi làm việc (nó được hiểu đơn giản như việc mình thường làm việc một mình trong phòng nên rất muốn nghe những cuộc trò chuyện kiểu như podcast). Còn nếu không nghe podcast thì mình sẽ nghe nhạc của Ghibli, mình thích tất cả các bộ phim hoạt hình của Ghibli Studio và mình hẳn là một fan chân chính của Ghibli, mình có thể nghe Ghibli mỗi ngày ngay cả khi không làm việc. Âm nhạc của nó mang lại cho mình nhiều năng lượng tích cực và tươi sáng, làm cho tâm trí mình dễ chịu hơn cho việc suy nghĩ và sáng tạo.
Viết dẫn & Biên tập: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi Chít!
Để lại đánh giá