Không còn giới hạn trong những thể loại sitcom hài hước, gia đình nhẹ nhàng,… xu hướng phim truyền hình trong những năm gần đây đã chạm đến một tầm cao mới và dần tiệm cận với tiêu chuẩn kỹ xảo của một bom tấn điện ảnh.
Trong những năm gần đây, sự bùng nổ của các nền tảng chiếu phim trực tuyến đã khiến ngành công nghiệp phim truyền hình trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Cuộc cạnh tranh giữa các nền tảng như HBO, Netflix, Amazon hay mới đây nhất là Disney và Apple đã khiến các nhà sản xuất phải đẩy mạnh đầu tư kinh phí để tạo ra những thước phim có chất lượng kỹ xảo vượt bậc. Hãy cùng MAAC điểm qua 10 bộ phim truyền hình có công nghệ kỹ xảo ấn tượng nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nhé!
*Lưu ý: Thứ tự trong bài viết được xếp theo năm phát hành.
10 bộ phim truyền hình có công nghệ kỹ xảo ấn tượng:
- 10. GAME OF THRONES (2011 – 2019)
- 9. BLACK MIRROR (2011 – nay)
- 8. STRANGER THINGS (2016 – nay)
- 7. WESTWORLD (2016 – nay)
- 6. STAR TREK: DISCOVERY (2017 – nay)
- 5. ALTERED CARBON (2018 – 2020)
- 4. WATCHMEN (2019 Mini-Series)
- 3. THE MANDALORIAN (2019 – nay)
- 2. THE WITCHER (2019 – nay)
- 1. WANDAVISION (2021 Mini-Series)
10. GAME OF THRONES (2011 – 2019)
Khi nhắc đến khái niệm phim truyền hình có kinh phí cao, không thể không kể đến loạt phim Game Of Thrones của nhà đài HBO. Kể từ khi ra mắt mùa đầu tiên vào năm 2011, sức hút của series truyền hình giả tưởng này không ngừng gia tăng theo từng season.
Sớm gây được tiếng vang với việc nắm giữ hàng loạt kỷ lục về lượng người xem cũng như thu về hàng loạt giải thưởng truyền hình danh giá, HBO đã không ngần ngại chi tiền trong nỗ lực đưa thế giới giả tưởng khổng lồ của nhà văn George R. R. Martin – Tác giả của loạt tiểu thuyết nguyên tác A Song of Ice and Fire lên màn ảnh nhỏ một cách đầy đủ và chân thực nhất.
Cụ thể, kinh phí trung bình cho mỗi tập phim của Game Of Thrones là từ 5 đến 6 triệu USD, thậm chí chạm mức 8 triệu USD đối với những tập phim tâm điểm của từng mùa phim. Với mức kinh phí như vậy, những cảnh hành động trong Game Of Thrones được tái hiện một cách hoành tráng và đã mắt nhất. Không những vậy, từng lâu đài, thành quách, những con rồng cho đến đoàn quân xác sống,… ở mỗi tập đều được tạo nên rất chi tiết và chân thật, vượt xa tiêu chuẩn vốn có của một bộ phim truyền hình trước đây.
9. BLACK MIRROR (2011 – nay)
Black Mirror là một trong những series truyền hình đầu tiên của Netflix. Với mỗi tập là một nội dung khác nhau, Black Mirror được đánh giá cao ngay từ những mùa đầu tiên bởi sự độc đáo và khác biệt mà series truyền hình này mang lại.
Khai thác những chủ đề xoay quanh mặt tối của sự phát triển công nghệ, Black Mirror thể hiện một góc nhìn mới mẻ, mang đậm tính thời sự mà ít người nghĩ đến, chẳng hạn như lối sống phụ thuộc vào mạng xã hội hay những mặt tiêu cực trong một thời đại mà công nghệ chiếm lĩnh hoàn toàn cuộc sống của con người,…
Chính vì việc bám sát vào công nghệ và những ứng dụng thực tiễn của nó, mỗi tập phim trong Black Mirror mang một sắc thái và phong cách kỹ xảo khác nhau. Người xem sẽ đi từ cảm giác thân thuộc của những công nghệ gần gũi với thực tại cho đến cảm giác lạ lẫm khi bước vào một thế giới tương lai xa với những thiết bị máy móc được khắc họa đầy sinh động.
8. STRANGER THINGS (2016 – nay)
Tương tự với Black Mirror, Stranger Things là một trong những cái tên đầu tiên tạo nên tiếng vang cho Netflix trong việc sản xuất ra những tác phẩm truyền hình gốc chất lượng (Netflix Original). Sức hút của show truyền hình lấy bối cảnh thập niên 80 lớn đến mức toàn bộ dàn cast của bộ phim đều đã trở thành những ngôi sao tầm cỡ Hollywood.
Mang hơi hướng cổ điển hoài niệm, mỗi một mùa phim của Stranger Things là một giai đoạn của xã hội nước Mỹ trong những năm 80, 90 và được dựng lên vô cùng tỉ mỉ và chi tiết. Không những vậy, cái hay của Stranger Things còn nằm ở chỗ kết hợp độc đáo giữa thể loại học đường, gia đình với thể loại kỳ bí, kinh dị.
Chính vì điều đó, yếu tố kỹ xảo trong Stranger Things rất độc đáo khi lai trộn giữa nét cổ điển và hiện đại. Cụ thể, những con quái vật trong bộ phim mặc dù được tạo nên rất tỉ mỉ với texture thuộc hàng điện ảnh, thế nhưng tạo hình tổng thể lại mang đến một cảm giác thân thuộc, rất giống với những con quái vật xuất hiện từ thế kỉ trước, như Aliens trong loạt phim Aliens, hay khủng long T-Rex trong Jurassic Park,..
7. WESTWORLD (2016 – nay)
Sau khi Game Of Thrones mùa cuối cùng kết thúc trong sự thất vọng của khán giả, sự kỳ vọng của khán giả đã đổ dồn vào Westworld, một bom tấn truyền hình đầy tâm huyết khác của HBO.
Vẫn giữ tinh thần bạo lực vốn có trong các tác phẩm truyền hình của HBO, Westworld không những mang đến cho khán giả một thế giới viễn Tây bụi bặm mà còn khéo léo đưa ra những triết lý nhân sinh đầy sâu sắc, rằng đâu là giới hạn của đạo đức cũng như điều gì tạo nên khác biệt giữa máy và người.
Không dừng lại ở đó, càng về sau, quy mô câu chuyện trong Westworld ngày càng được mở rộng. Đỉnh điểm là khi tuyến truyện chạm đến thế giới thực trong mùa 3, mở ra một thế giới viễn tưởng, mang hơi hướm “cyberpunk” nhưng lại không quá hầm hố và khoa trương. Điều đó phần nào thể hiện đúng với tinh thần chủ đạo của bộ phim, vừa thật nhưng lại không kém phần kỳ ảo.
Chuẩn bị hành trang gia nhập thế giới Điện ảnh sống động cùng MAAC VIETNAM
Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam
Đứng trước những phát triển tiềm tàng của ngành VFX, điều bạn cần làm chính là nắm bắt cơ hội ngay lúc này để gia nhập cộng đồng mới và trẻ của nền điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, trước tiên, bạn cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng phù hợp để có thể đi con đường dài cùng ngành. Việc học hỏi ở một môi trường chuyên nghiệp với khóa học chuyên biệt dành cho các nghệ sĩ VFX tương lai là điều cần thiết mà bạn nên xem xét nếu muốn phát triển bản thân một cách nghiêm túc ở lĩnh vực Kỹ xảo Điện ảnh.
Tại Học viện Kỹ xảo Điện ảnh và Hoạt hình MAAC, bạn không chỉ được học tập những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao mà còn được tiếp cận sớm với thị trường màu mỡ này thông qua các buổi workshop, sự kiện do MAAC phối hợp cùng các chuyên gia đầu ngành tổ chức. Bên cạnh đó, Học viện còn có sự kết nối với các Studio hàng đầu Việt Nam, đem đến nguồn cơ hội việc làm dồi dào cho các học viên.
Khóa đào tạo Kỹ xảo điện ảnh tại Học viện MAAC mang đến cho bạn:
- Lộ trình học tập bài bản, từng bước từ cơ bản đến chuyên sâu.
- Bằng cấp quốc tế sau khi ra trường.
- Xây dựng Portfolio chuyên nghiệp với những dự án chất lượng giúp nâng cao cơ hội trúng tuyển vào các studio game hàng đầu tại Việt Nam và quốc tế.
Theo dõi fanpage MAAC Vietnam và website maac.edu.vn để trở thành người đầu tiên được nhận thông tin về các khóa học từ MAAC Vietnam bạn nhé!
6. STAR TREK: DISCOVERY (2017 – nay)
Từ lâu, Star Trek luôn là đối thủ của thương hiệu Star Wars trong văn hóa đại chúng của nước Mỹ. Khi Star Wars bắt đầu khởi động lại chuỗi phim điện ảnh của mình cũng là lúc Star Trek lui về phía màn ảnh nhỏ để cho ra đời loạt phim Star Trek: Discovery vào năm 2017.
Rất khó để nhận xét rằng đó là quyết định đúng hay sai của ViacomCBS (tập đoàn sở hữu thương hiệu Star Trek), nhưng có thể nói, sức ảnh hưởng mà Star Trek: Discovery đã và đang tạo ra là đủ để đối thủ Star Wars đổi hướng tiếp cận xuống màn ảnh nhỏ.
Với chất lượng kỹ xảo được chắt lọc từ những bộ phim điện ảnh tiền nhiệm cùng thời lượng không giới hạn dành cho phim truyền hình, Star Trek: Discovery thực sự đã đáp ứng được mong muốn mang đến một thế giới giả tưởng rộng lớn và đầy chiều sâu.
5. ALTERED CARBON (2018 – 2020)
Ngay từ khi công bố những thước phim đầu tiên vào năm 2018, Altered Carbon đã được xem là cái tên tiên phong trong việc mang chất liệu “cyberpunk”, “dystopia” (phản địa đàng) lên màn ảnh nhỏ.
Vẫn bám sát theo lối đi của những tác phẩm có cùng chất liệu, câu chuyện trong Altered Carbon vẫn là việc xoay quanh những vấn đề sống còn của nhân loại, rằng liệu đâu mới là đích đến của một xã hội hoàn hảo trong tương lai.
Mặc dù có nhiều điểm yếu trong khâu biên kịch và dựng phim, thế nhưng, với nội dung mới lạ, độc đáo cùng phần kĩ xảo và âm thanh được đầu tư tuyệt vời, Altered Carbon vẫn là một mảnh ghép nổi bật trong làng phim truyền hình vài năm trở lại đây.
4. WATCHMEN (2019 Mini-Series)
Lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh nổi tiếng của DC Comics, Watchmen phiên bản truyền hình được giới thiệu sẽ kể tiếp những câu chuyện còn dang dở trong thế giới của những trang truyện.
Mặc dù từng có một phiên bản điện ảnh của Zack Snyder vào năm 2009, thế nhưng những diễn biến trong Watchmen lại chịu tác động nhiều bởi các tình tiết trong truyện hơn. Chính vì lẽ đó, đã có một lượng người xem không thực sự hài lòng với hướng khai thác vấn đề chính trị và phân biệt chủng tộc của đạo diễn Damon Lindelof, vốn không được nhắc đến trong nguyên tác truyện tranh.
Xét cho cùng, Watchmen vẫn là một bộ phim truyền hình đáp ứng đủ đặc trưng vốn có của cả nhà đài HBO lẫn DC Comics, đó là đen tối và đẫm máu. Không những sở hữu một cốt truyện chặt chẽ và lôi cuốn, tạo hình nhân vật và kĩ xảo của các cảnh hành động cũng là một yếu tố nổi bật của Watchmen. Người xem sẽ không khỏi phát cuồng trước sự xuất hiện và tung chiêu của loạt người hùng trong phim, đặc biệt là Dr. Manhattan khi được tô điểm bởi kỹ thuật CGI tân tiến, chạm đến ngưỡng của một bom tấn điện ảnh thường thấy.
3. THE MANDALORIAN (2019 – nay)
Là tác phẩm truyền hình đầu tiên đánh dấu cuộc đổ bộ của nền tảng truyền hình Disney+, The Mandalorian đã không làm người hâm mộ Star Wars nói riêng và fan phim truyền hình nói chung phải thất vọng.
Sở hữu nội dung chặt chẽ, kết hợp độc đáo giữa thế giới giả tưởng vốn có của loạt phim Star Wars với phong cách cao bồi miền Viễn Tây, cuộc phiêu lưu của gã thợ săn tiền thưởng người Mandalore trở nên đáng nhớ hơn bao giờ hết.
Không những vậy, sự chăm chút về mặt kỹ xảo của nhà Chuột dành cho The Mandalorian còn cho thấy mong muốn “chuộc lỗi lầm” với người hâm mộ sau sự thất bại của loạt 3 phần phim hậu truyện Star Wars gần đây. Với công nghệ quay dựng Virtual Production (Thực Tế Ảo) không cần sử dụng phông nền xanh, The Mandalorian đã đặt một dấu mốc mới trong công cuộc phát triển kỹ xảo điện ảnh, cả trong truyền hình lẫn điện ảnh.
2. THE WITCHER (2019 – nay)
The Witcher là một dự án đầy tham vọng của Netflix vào năm 2019 khi được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ba Lan Andrzej Sapkowski. Trước sự thành công của loạt game của CD Projekt Red, có lẽ đạo diễn Lauren Schmidt Hissrich biết mình cần phải làm gì hơn ai hết.
Mặc dù không chứa đựng nhiều nội dung trong phần đầu tiên, thế nhưng sức hút và chất lượng của The Witcher phiên bản truyền hình vẫn nằm ở mức khá tốt, đủ để Netflix ngay lập tức “bật đèn xanh” cho những mùa phim tiếp theo.
Với nền tảng thế giới rộng lớn cùng một cốt truyện gốc đồ sộ, series truyền hình The Witcher hứa hẹn sẽ nâng tầm vóc của thương hiệu này lên một tầm cao mới với những gì đã được thể hiện trong mùa đầu tiên. Đặc biệt là sự tâm huyết và chỉn chu về mặt kỹ xảo mà Netflix đã đầu tư vào dự án đầy tham vọng này.
1. WANDAVISION (2021 Mini-Series)
Sau nhiều biến động về lịch chiếu trong năm 2020, WandaVision vô tình trở thành tác phẩm đầu tiên khởi động Phase 4 của Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU).
Mặc dù chỉ được trình chiếu trên nền tảng trực tuyến Disney+, thế nhưng WandaVision vẫn là một cái tên xứng đáng để kế thừa di sản mà Avengers: Endgame đã để lại gần 3 năm về trước. Với cách xây dựng lối kể chuyện mới lạ kết hợp cùng việc lồng ghép khéo léo các yếu tố liên quan đến trong và ngoài Marvel, WandaVision sẽ là một mắt xích quan trọng cho tương lai của MCU.
Với một bộ phim mang nhiều yếu tố “phép thuật” như WandaVision, không khó hiểu khi Marvel một lần nữa xuất sắc thể hiện khả năng sử dụng kĩ xảo bậc thầy của họ. Đỉnh điểm là màn đấu “phép thuật” trong những tập cuối cùng màn tái tạo Vision không thua gì sự xuất hiện của anh trong các bom tấn điện ảnh trước đó.
KẾT
Có thể thấy, với sự bùng nổ của các nền tảng chiếu phim trực tuyến, các nhà làm phim đã có nhiều cơ hội hơn mang sản phẩm của mình đến với công chúng. Trước sự cạnh tranh khốc liệt ấy, yếu tố kỹ xảo điện ảnh chính là thước đo đáng quan tâm nhất khi đánh giá một tác phẩm truyền hình hiện nay.
Vì vậy, đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho những người theo đuổi lĩnh vực CGI nói riêng và VFX nói chung phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm cho chặng đường dài phía trước. Với nhu cầu về ngày càng cao trong những năm gần đây, sự xuất hiện của Học viện MAAC chính là bước đệm quan trọng trong việc phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp Kỹ xảo Điện ảnh, Hoạt hình 3D tại Việt Nam.
Nếu bạn là một người yêu thích và mong muốn phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực Kỹ xảo điện ảnh (VFX) thì bây giờ là thời điểm vô cùng thuận lợi để bạn bắt đầu tìm hiểu, thử nghiệm và hơn hết là đầu tư cho mình một chương trình đào tạo chuyên sâu để trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết trước khi trở thành một VFX Artist chuyên nghiệp.
👉 Khám phá những khóa học yêu thích của bạn tại Học viện MAAC: https://maac.edu.vn/vi/chuong-trinh-dao-tao
Để lại đánh giá