Trước khi Adobe xuất hiện, đã từng có một Quantel

Có rất ít người biết rằng trước khi Adobe xuất hiện và thống trị ngành công nghiệp sáng tạo, đã từng có một cái tên khác đứng một mình một cõi tiên phong trong lĩnh vực này. Đó chính là Quantel. Bài viết dưới đây sẽ đem đến cho bạn cái nhìn rõ hơn về lịch sử của Quantel, một câu chuyện kinh điển về sự thăng trầm của một nhà sản xuất cao cấp cùng một sản phẩm đột phá dựa trên phần cứng được chế tạo riêng, cực kỳ đắt tiền nhưng tiếc thay đã không có hướng đi thành công.

Các sản phẩm đầu tiên của Quantel được thiết kế và sản xuất tại vùng Berkshire nước Anh trong một nhà máy chế tạo các bộ phận cho máy bay chiến đấu được dùng trong Thế chiến thứ hai. Đến năm 1981, Quantel chính thức nổi lên với Paintbox, một công cụ được thiết kế chủ yếu cho việc đồ họa truyền hình. Ra mắt 9 năm trước khi Adobe phát hành Photoshop với phần cứng chuyên dụng và một giao diện bằng bút vô cùng trực quan, Paintbox là một bước tiến vượt bậc trong ngành công nghiệp sáng tạo lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, nó lại quá đắt đỏ và cồng kềnh. Với mức giá lên đến 250.000 USD cho một thiết bị (tương đương với hơn 650.000 USD ngày nay), Paintbox chắc hẳn không được thiết kế để dành cho đại chúng. Một kỹ sư của Quantel cũng kể lại rằng ông đã từng tận mắt thấy một chiếc đĩa trong ổ cứng bay ra khỏi vỏ và xuyên thủng bức tường của căn phòng studio!

Mặc dù được sản xuất để phục vụ chủ yếu trong lĩnh vực truyền hình và quảng cáo, Quantel vẫn muốn các nghệ sĩ thử nghiệm công cụ này. Video ca nhạc Money For Nothing phát hành năm 1986 của ban nhạc Dire Straits có thể được xem là tác phẩm mang tính biểu tượng được thực hiện bằng công cụ Paintbox. MV này đánh dấu bước ngoặt trong việc thiết kế đồ hoạ và những gì người ta có thể làm được vào thời điểm đó nhờ vào Paintbox. Nó cũng trở thành một trong những video được phát nhiều nhất trên đài MTV và là album đầu tiên bán được hơn một triệu bản CD.

Paintbox vẫn phát triển mạnh mẽ cho đến những năm 1990. Thế nhưng không lâu sau khi Photoshop chính thức xuất hiện, Paintbox dần bị rơi vào quên lãng. Năm 1997, Quantel khởi kiện Adobe vi phạm bằng sáng chế nhưng thua kiện.

Tuy nhiên về mặt sản xuất hậu kỳ truyền hình, đặc biệt là trong việc tổng hợp (compositing) và hiệu ứng đặc biệt (VFX), Quantel vẫn dẫn đầu trò chơi. Dưới đây là một đoạn quảng cáo hoành tráng cho công nghệ của Quantel vào năm 1996:

Quantel vẫn tiếp tục với các hệ thống chỉnh sửa hình ảnh và video cho đến thế kỷ 21, nhưng thời điểm này đã xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh. Vào năm 2000, Quantel ra mắt hệ thống tổng hợp và chỉnh sửa trực tuyến iQ. Hệ thống này vẫn sử dụng giao diện điều khiển bằng bút đầy tiện lợi và tương thích với bất kỳ định dạng đầu vào nào mà không cần chuyển đổi, đồng thời có khả năng xử lý hình ảnh chất lượng 4K vào thời đó khi mà tiêu chuẩn này còn khá mới mẻ. Thế nhưng, một lần nữa nó lại quá đắt tiền và nhận về nhiều phản hồi là không đáng tin cậy. 

Quantel đạt đến đỉnh cao với Pablo – một công cụ chỉnh sửa màu sắc mà James Cameron đã sử dụng để làm hậu kỳ 3D cho Avatar vào năm 2009. Sau Pablo là Pablo Rio, một hệ thống hoàn thiện và chỉnh sửa màu sắc có thể nói là toàn diện.

Đáng buồn thay, Quantel đã đi theo vết xe của nhiều hệ thống cao cấp dựa trên phần cứng độc quyền khác đó là hoạt động dưới hình thức ký hợp đồng từ năm 2005 trở đi. Vào năm 2015, cái tên Quantel bị loại bỏ và những gì còn lại của công ty bị thay thế bởi SAM (Snell Advanced Media). Sau đó nó được Belden mua lại vào năm 2018 để rồi sau này hợp nhất vào Grass Valley.

Mặc dù đã từng là máy tính đồ họa và sản xuất hậu kỳ tiêu chuẩn công nghiệp với hàng trăm chiếc được bán ra trên khắp thế giới, Quantel đã đánh mất tất cả thị phần của mình trước các hệ thống và phần mềm rẻ hơn. Hiện chỉ có một chiếc Paintbox DPB- 7001 được biết là vẫn còn tồn tại và được khôi phục vào năm ngoái nhân kỷ niệm 40 năm ngày ra mắt.

Theo: redsharknews