Tác phẩm ‘Chân dung Madam Phương’ của họa sĩ Mai Trung Thứ được gõ búa với mức giá 3,1 triệu USD trên sàn đấu giá Sotheby’s, phá kỷ lục cách đây hai năm của danh họa Lê Phổ. Tính đến hiện tại, đây là tác phẩm có giá công khai cao nhất của nền mỹ thuật Việt Nam.
Theo Tuổi Trẻ Online đưa tin, Tác phẩm ‘Chân dung Madam Phương’ của họa sĩ Mai Trung Thứ được gõ búa với mức giá 3,1 triệu USD, phá kỷ lục cách đây hai năm của danh họa Lê Phổ.
Bức tranh xuất hiện trong phiên đấu giá mang tên Beyond Legends: Modern Art Evening Sale của Sotheby’s Hong Kong diễn ra lúc 17h30 ngày 18-4.
Ngay từ khi được nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong ước tính tác phẩm sẽ đạt mức giá từ 900.000 – 1,2 triệu USD, giới nghệ thuật Việt Nam đã rúng động bởi đây là bức tranh Việt có mức giá ước chừng cao nhất từ trước đến nay. Tín hiệu này cho thấy giá sẽ được đẩy lên rất cao, nếu tính thêm cả thuế phí thì bức tranh sẽ nhận về mức giá kỷ lục.
Đúng 18h28, bức tranh Chân dung Madam Phương bắt đầu được bỏ giá với khởi điểm khá thấp, 500.000 USD. Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó đã khiến nhiều người choáng váng. Chỉ trong vòng 2 phút, mức giá được đẩy lên mức 1,9 triệu USD. Đây là mốc vượt qua bức tranh “Khoa-than” của Lê Phổ năm 2019 (1,4 triệu USD). Điện thoại trong phòng đấu giá rung lên liên tục. Hầu hết người mua đều bỏ giá qua điện thoại.
5 phút sau, phòng đấu giá chỉ còn lại hai đối thủ. Giấu mặt qua chiếc điện thoại, hai bên giằng co từng chút một. 2 triệu USD. 2,1 triệu USD. Cuối cùng mốc 2,5 triệu USD bị xuyên thủng. Ngay mốc 2,573 triệu USD, người điều khiển đã gõ xuống chiếc búa chung cuộc. Sau khi tính thuế phí, mức giá cuối cùng cho bức tranh là 3,1 triệu USD.
Theo kinh nghiệm của nhà nghiên cứu Phạm Long, Chân dung Madam Phương có thể do một nhà sưu tập Việt Nam mua. “Đây là một tác phẩm đẹp và hiếm hoi trong thời kỳ đầu của Mai Trung Thứ. Bức tranh có giá trị sưu tập hơn là giá trị đầu cơ. Vậy nên giới sưu tầm trong nước sẽ có hứng thú với tác phẩm này. Tôi hi vọng một ngày không xa, bức tranh sẽ được trưng bày tại Việt Nam”.
Họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 – 1980) hay Mai Thứ, là một trong những họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên (1925 – 1930) của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Hầu hết cuộc đời ông sống ở Pháp. Ông được xếp vào nhóm “Việt Nam tứ kiệt” ở châu Âu cùng 3 danh họa Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm.
Họa sĩ Mai Trung Thứ là người có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hình thành nên những bản hòa sắc phong phú cho tranh lụa Việt Nam. Đề tài của ông thường xoay quanh phụ nữ, trẻ em và cuộc sống thường ngày.
Chân dung Madam Phương trưng bày lần đầu tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1930. Sau đó, tác phẩm được tuyển chọn để tham dự Triển lãm quốc tế thuộc địa năm 1931 ở Paris.
Đây là một cuộc triển lãm kéo dài 6 tháng, thu hút hơn 33 triệu lượt tham quan từ Pháp và quốc tế. Chương trình đã mở cánh cửa quan trọng cho họa sĩ Việt Nam sang châu Âu.
Từ đó đến nay, tác phẩm Chân dung Madam Phương thuộc sở hữu của bà Đỗ Thị Lan (hay còn được biết đến với cái tên Madam Dothi Dumonteil). Bà cùng với chồng mình Pierre Dumonteil – một nhà sưu tập nghệ thuật có tiếng – đã sở hữu nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam.
Bức tranh vẽ Madam Phương nằm trong bộ sưu tập Les Souvenirs d’Indochine: The Madame Dothi Dumonteil Collection (tạm dịch: Ký ức Đông Dương: bộ sưu tập của Madam Dothi Dumonteil). Tác phẩm này từng xuất hiện trong nhiều phân cảnh của bộ phim Mùi đu đủ xanh (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng. Hiện tác phẩm vẫn đang ở trong tình trạng tốt.
Sau 90 năm đằng đẵng, cuối cùng người Việt Nam lại có cơ hội nhìn thấy tác phẩm Portrait de Mademoiselle Phuong (Chân dung Madam Phương) của danh họa Mai Trung Thứ, dù chỉ là qua phiên đấu giá quốc tế.
Sotheby’s miêu tả bức tranh “là một tác phẩm hoành tráng nhưng rất dịu dàng và gần gũi. Bức tranh lôi cuốn này còn thể hiện sự ngưỡng mộ sâu sắc của Mai Thứ đối với người mẫu, một quý cô được đồn đại là người yêu của nghệ sĩ”.
“Người mẫu – Madam Phương – là một phụ nữ trẻ thuộc tầng lớp quý tộc Hà Nội, nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên và duyên dáng. Người ta cho rằng họ đã yêu nhau. Tuy nhiên, do sự ngăn trở của giai cấp xã hội và các chuẩn mực đạo đức, mối quan hệ lãng mạn của họ đã bị cấm” – Sotheby thông tin thêm về nhân vật Madam Phương.
Trong phiên đấu giá lần này, ngoài Chân dung Madam Phương (Lô 126), 8 bức tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Lê Thị Lựu cũng được các nhà sưu tập đặc biệt chú ý.
Theo Mai Thụy / Tuổi Trẻ Online
Để lại đánh giá