Chên Chên là nhà thiết kế đồ họa từ xa cho một agency và cũng là một họa sĩ minh họa tự do. Tốt nghiệp ngành Thiết kế Đồ họa tại Đại học Kiến Trúc TPHCM. “Sau đó mình đã sống và làm việc tại thành phố này với nhiều trải nghiệm quý giá tại các công ty khác nhau. Sau dịch Covid 19 mình đã quyết định lựa chọn một cuộc sống phù hợp hơn với bản thân, Chên chuyển về Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk – cũng là quê nhà của mình để sống, làm việc và sáng tác”. Các tác phẩm của Chên diễn hoạt con người với những câu chuyện cảm xúc cá nhân trên nền phong cảnh đơn giản. Chất liệu màu sắc được sử dụng không quá nhiều, nhấn mạnh chủ thể cần thiết.
Kể về quá trình bắt đầu với ngành sáng tạo, Chên kể, khi học cấp ba, mình đã âm thầm đi học và luyện thi vẽ cùng với một người bạn thân, lúc đó bố mẹ mình chỉ nghĩ mình sẽ thi các khối A hay B như các bạn khác. Lúc ấy, mình đã cảm thấy bản thân không hề phù hợp với các khối Khoa học tự nhiên và từ đó cái duyên đến với sáng tạo bắt đầu, mình đậu vào Đại Học Kiến Trúc ngành thiết kế đồ hoạ. Sau bốn năm, khi chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp mình đã chọn minh hoạ, quyết định chọn minh hoạ lúc bấy giờ là điều khá rủi ro, nhưng vì mình muốn được làm điều gì đó mình thực sự thích trước khi ra trường và đó cũng là quyết định đúng đắn làm cuộc sống của mình trở nên thú vị hơn rất nhiều kể từ đó.
Bạn có thể kể với chúng tôi về những trải nghiệm thú vị hoặc khó khăn của bạn về công việc này?
Khi bắt đầu với một điều khi đó mới mẻ lúc nào ta cũng sẽ rất bỡ ngỡ không biết nên bắt đầu từ đâu, những ngày đầu khi lựa chọn mình hoạ là một con đường nuôi dưỡng tinh thần cho bản thân mình đã bị bối rối về nhiều thứ: “Mình sẽ vẽ về chủ đề gì đây? Mình sử dụng chất liệu gì? Màu sắc như thế nào? Làm sao để có một phong cách riêng?”
Có rất nhiều câu hỏi như vậy xuyên suốt một khoảng thời gian dài, và khi mình đặt câu hỏi thì dần dần những câu trả lời đã xuất hiện một cách từ từ và rất tự nhiên. Mình nghĩ rằng có rất nhiều hoạ sĩ giống mình như vậy lúc ban đầu và điều đúng đắn nhất để làm trong giai đoạn ấy là cứ “vẽ và vẽ thật nhiều” thả lỏng bản thân và vẽ bất cứ điều gì mình nghĩ mà không sợ xấu hay sợ người khác phán xét. Đó là giai đoạn khó khăn nhất và cũng thú vị nhất, mình đã gần như tìm thấy chính mình trong khi đi tìm đáp án cho các câu hỏi trên.
Nguồn cảm hứng trong tranh minh họa của bạn đến từ đâu?
Cảm hứng của mình xuất phát từ nhiều thứ trong cuộc sống, có thể là khi nghe một bài hát, xem một bộ phim, đôi khi cảm hứng đến từ những điều bình thường hơn như khoảnh khắc nhìn ánh nắng rọi vào cửa phòng hoặc khi đang nằm chẳng làm gì trên bãi cỏ. Nguồn cảm hứng đến theo kiểu rất bất thình lình như vậy, thật thú vị nhưng mình cũng nhiều lần mình chủ động đi tìm nguồn cảm hứng từ những hoạt động, hay trải nghiệm mới lạ hơn như đến nơi khác sống trong một thời gian ngắn, hoặc thử học một thứ gì đó mà mình chưa bao giờ nghĩ đến trước đây.
Bạn đã làm thế nào để luôn giữ cho mình luôn dồi dào và đa dạng cảm xúc khi thực hành sáng tạo?
Mình nghĩ rằng để có được đa dạng cảm xúc thì mình đã tự đưa mình đến những trải nghiệm mới lạ hơn so với cái vòng tròn an toàn mà mình hiện có. Giống như khi ta ngắm hoàng hôn quá nhiều lần và cái cảm xúc của hoàng hôn mang lại dù nó có đặc biệt và đẹp đẽ đến đâu thì nếu xuất hiện nhiều lần nó cũng dần trở nên nhạt đi và bỗng nhiên bạn quyết định một ngày nọ dậy sớm đón bình minh, lúc đó cảm xúc mới xuất hiện. Khoảnh khắc bắt được cảm xúc ấy từ buổi bình minh là lúc mình tận hưởng, cảm nhận và gói ghém chúng lại để đưa nó vào trong những tác phẩm rồi lưu trữ theo một thứ ngôn ngữ của riêng mình.
Bạn đã sử dụng sự đa dạng trong cảm xúc khi sáng tạo như thế nào?
Hầu hết cảm xúc mà mình thể hiện qua những tác phẩm nó không hiện lên trực tiếp qua nét mặt của nhân vật mà cảm xúc được thể hiện gián tiếp bằng không gian, cảnh vật, màu sắc hay âm thanh. Mình nghĩ rằng chính sự gián tiếp này đã tạo nên nhiều cảm xúc khác nhau đối với mỗi người xem, có người xem cảm thấy buồn nhưng người khác cảm thấy bình yên.
Chên có thể kể 01 tác phẩm liên quan không?
Có lẽ đây là tác phẩm đầu tiên mình thực hành liên quan đến cảm xúc nói chung và đa dạng cảm xúc nói riêng, đó là các tranh theo dạng Storytelling bằng hình ảnh về hai nhân vật một khổng lồ và một tí hon đồng hành cùng nhau trong một hành trình nào đó, sử dụng mặt trăng (cũng như đôi mắt của người khổng lồ) như một sợi dây ẩn dụ xuyên suốt cho các tranh này, có lúc yêu thương, có lúc cô đơn dù bên cạnh nhau, lúc cảm thấy trống rỗng, lúc thì tự do… Mình đã học được cách thể hiện cảm xúc không chỉ bằng nét mặt của nhân vật kể từ đây, và cách xây dựng sự tương phản mang tính hơi trừu tượng trong tác phẩm này.
Quy trình sáng tạo vẽ của bạn là gì? Điều gì bạn hứng thú nhất từ quy trình đó & tại sao?
Quy trình sáng tạo của mình trung bình thường có 04 bước: Đầu tiên, mình thường suy nghĩ về ý tưởng và hình dung tổng quát chúng trong đầu một khoảng thời gian, đây là bước mà thường sẽ quyết định rằng có khả thi để thực hiện hay không. Tiếp theo, sau khi quyết định sẽ thực hiện ý tưởng đó mình bắt đầu phác thảo các bố cục khác nhau và lựa chọn một trong số chúng cho bước tiếp. Thứ ba thường mình sẽ tạo 1-2 bảng màu phù hợp với chủ đề cũng như cảm xúc của tác phẩm để chuẩn bị cho bước hoàn thiện. Cuối cùng là mình sẽ tổng hợp lại hai bước trên và hoàn thiện tác phẩm.
Bạn có thể kể về dòng chảy cảm xúc khi bạn sáng tác không?
Dòng chảy cảm xúc lúc sáng tác như là một cuộc dạo chơi với tâm hồn của chính mình vậy, và những tác phẩm chính là ngôn ngữ để giao tiếp với tâm hồn, những lúc ấy Chên càng hiểu bản thân mình hơn một chút qua những tác phẩm. Nếu tìm một cái tên cho điều ấy có lẽ là “Soi chiếu”, lúc mà mình thấy mình qua tranh, thấy mình trong những thứ mình tạo ra.
Những dự định của bạn trong thời gian tới?
Những ngày tới có lẽ mình sẽ tận hưởng khoảng thời gian bình dị ở quê nhà bên cạnh những người thân của mình và bên cạnh đó sẽ lại tự đẩy mình vào những trải nghiệm mới song song để “sưu tầm” thêm các cảm xúc và hiểu bản thân mình hơn từng ngày.
Biên tập: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi Chên Chên!
Để lại đánh giá