Nữ họa sĩ trẻ Camelia Phạm khắc họa 10 biểu tượng phụ nữ Việt Nam qua bộ illustration ấn tượng

Là một trong 10 họa sĩ trên khắp thế giới được chọn tham gia 100 Women Project của Daisie.com, nữ họa sĩ Camelia Phạm đã mang đến 10 hình tượng phụ nữ Việt kinh điển từ lịch sử, văn thơ, nghệ thuật… qua phong cách vẽ minh họa đặc trưng của mình.

10 phụ nữ biểu tượng đại diện cho mỗi nước bao gồm những chiến binh quả cảm từ hàng thiên niên kỷ trước, những người có tầm nhìn xa trông rộng về văn chương, hoặc những nhà hoạt động thời hiện đại cho đến những người phụ nữ truyền cảm hứng. Họa sĩ minh họa Camelia Phạm đã được trao cơ hội để đưa ra danh sách 10 phụ nữ Việt mà cô mến mộ, và biến những biểu tượng tuyệt vời này này thành bộ artwork đẹp ấn tượng, đậm tinh thần mà chính những nhân vật này đại diện.

Camelia được mời tham gia vào dự án này từ nghệ sĩ Tara Anand đến từ Ấn Độ, cô đã chọn Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Dương Vân Nga, Nguyên Phi Ỷ Lan, Bùi Thị Xuân, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, và Xuân Quỳnh cho phần thể hiện của mình. Mời bạn cùng thưởng lãm!

Camelia Phạm
Website | Behance | Facebook | Instagram


Hai Bà Trưng

Là tên gọi chung của hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai người phụ nữ được đánh giá là anh hùng dân tộc của người Việt. Trong sử sách, hai bà được biết đến như những thủ lĩnh khởi binh chống lại chính quyền đô hộ của Đông Hán, lập ra một quốc gia với kinh đô tại Mê Linh và Trưng Trắc tự phong là Nữ vương. Hình ảnh hai bà cưỡi voi đi đánh trận đầy hào hùng đã in đậm trong tâm trí mọi người Việt.

Bà Triệu

Hay còn được gọi là Triệu Thị Trinh, là một nữ anh hùng khác của Việt Nam xứng đáng sánh vai với Hai Bà Trưng. Khi còn rất trẻ bà đã cưỡi voi chống lại quân Trung Quốc xâm lược, mặc một chiếc áo dài vàng mang tính biểu tượng và đôi giày mũi lưỡi liềm.

Dương Vân Nga

Hay còn gọi là Đại Thắng Minh Hoàng hậu, là Hoàng hậu của 2 vị Hoàng đế thời kỳ đầu lập quốc trong Lịch sử Việt Nam là Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Bà đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê. Khi vua Đinh qua đời, bà đã quyết định nhường quyền kiểm soát đất nước từ vua con 6 tuổi của mình cho tướng Lê, đặt sự an nguy của quốc gia lên trên huyết thống và nhờ đó mà đảm bảo an toàn trước quân Tống xâm lược.

Nguyên Phi Ỷ Lan

Là phi tần của Hoàng đế Lý Thánh Tông, bà đã hai lần đăng đàn nhiếp chính, khiến đất nước dưới triều triều Lý được hưng thịnh, những đóng góp cho hoàng triều nhà Lý nhất là về Phật giáo và tài năng trị nước của bà đều được sử gia khen ngợi và tán dương.

Bùi Thị Xuân

Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, Bùi Thị Xuân sớm được học văn và học võ. Tương truyền, bà vừa có sức mạnh vừa có sắc đẹp. Nữ công khéo, chữ viết đẹp. Nhưng thích làm con trai, thích múa kiếm đi quyền. Nghe kể chuyện bà Trưng bà Triệu cỡi voi đánh giặc, Bùi Thị Xuân náo nức muốn được theo gương bà Triệu bà Trưng. Là tướng của cuộc Khởi nghĩa Tây Sơn, bà và chồng là Thái phó Trần Quang Diệu đã giành được những danh hiệu cao quý sau nhiều năm chiến thắng, cho đến năm 1802 khi bà cuối cùng thất bại trước phe nhà Nguyễn. Bà trốn vào Nghệ An để theo chồng, nhưng cả hai cùng với đứa con gái nhỏ của mình đã bị bắt và xử tử bằng cách cho voi giày xéo.

Hồ Xuân Hương

Là một thi sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, mà hiện tại vẫn khiến nhiều học giả tranh cãi. Di tác của bà hoàn toàn là thơ và đa số đều được viết bằng chữ Nôm. Bà được nhà thơ hiện đại Xuân Diệu mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Hầu hết thi ca Hồ Xuân Hương theo dòng chảy chung đã thoát được các quan niệm sáng tác cố hữu vốn đề cao niêm luật chặt chẽ để bộc lộ được tiếng nói của thời đại mình, có nhiều người cho rằng đặc sắc của thơ bà là “thanh thanh tục tục”.

Bà Huyện Thanh Quan / Nguyễn Thị Hinh

Cùng với Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan là một nữ thi sĩ nổi tiếng của văn học Việt Nam trong thời cận đại. Thơ của bà điêu luyện, chuẩn mực về niêm luật nhưng cũng hàm súc và giàu nhạc điệu. Sở trường của bà là thơ Nôm với thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Thơ của bà thể hiện lòng yêu mến phong cảnh thiên nhiên và tâm trạng ai hoài trước sự đổi thay của thế sự.

Võ Thị Sáu

Trong thời kháng chiến chống Pháp, Võ Thị Sáu là người nữ tù chính trị đầu tiên và duy nhất mà thực dân Pháp đày ra Côn Đảo và hành hình tại đây. Mỗi khi nhắc tới Côn Đảo người ta không thể không nhắc tới tên tuổi Võ Thị Sáu. Nhiều thế hệ cả nước đều gọi chị bằng hai tiếng rất gần gũi, thân thương là “Chị Sáu”.

Nguyễn Thị Định

Nguyễn Thị Định (1920 – 1992) là nữ tướng duy nhất của Quân đội cách mạng Việt Nam. Nói tới nữ tướng Nguyễn Thị Định là nghĩ ngay tới phong trào Đồng khởi Bến Tre. Cuộc đấu tranh này đã hình thành một đạo quân rất mới, có tổ chức của quần chúng, đông đảo nhất là phụ nữ, được gọi bằng một cái tên trìu mến “Đội quân tóc dài”.

Xuân Quỳnh

Xuân Quỳnh (1942 – 1988) tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, là một nữ thi sĩ rất được hâm mộ với nhiều thành tựu cho nền văn học nước nhà. Những bài thơ của bà, nói về những cảm xúc mãnh liệt của con người thông qua hình ảnh thiên nhiên, được giảng dạy trong các trường học khắp cả nước và mang về cho Xuân Quỳnh một giải thưởng Hồ Chí Minh, danh hiệu nghệ thuật cao nhất của Việt Nam. “Sóng” có lẽ là tác phẩm được biết đến nhiều nhất và yêu thích nhất của bà, nói về sự bền bỉ của gió và đại dương thông qua hình ảnh sóng qua đó miêu tả tình yêu mãnh liệt mà bà dành cho chồng mình, Lưu Quang Vũ.