Là một trong những bức tranh tấm (tranh được vẽ trên những tấm gỗ hoặc kim loại, được sử dụng chủ yếu vào trước thế kỷ 16, phổ biến như toan vào những năm 1600) thuộc thời kỳ Phục Hưng Hà Lan, chứa đầy những chi tiết mê hoặc và những hình ảnh ẩn dụ sâu sắc, bức Chân dung ngài Arnolfini (còn có tên Hôn lễ ngài Arnolfini) là một bức tranh trang trọng khắc họa hình ảnh một cặp vợ chồng giàu có đang nắm tay nhau trong phòng ngủ tại căn nhà của họ ở Flanders (miền Bắc nước Bỉ ngày nay). Bức tranh được vẽ vào năm 1434 bởi Jan van Eyck (~1390-1441). Ông, cùng với Robert Campin (1380-1444) và Roger van der Weyden (1400-1464), là một trong những người tiên phong sáng tác tranh sơn dầu ở vùng Flanders.
Bức tranh được sáng tác tại Bruges, có lẽ là trung tâm giao thương trọng điểm nhất vùng Lãnh địa Công tước Burgundy thời đó, nhưng hình ảnh không đề cập thông tin gì về danh tính của cặp đôi được vẽ. Phải đến một thế kỷ sau, thông tin sổ sách mới được xác định, qua đó các nhà sử học cho rằng bức chân dung cặp đôi này có thể đang khắc họa Giovanni di Nicolao Arnolfini, một thương nhân thành đạt đến từ Lucca, có văn phòng làm việc tại Bruges, cùng với vợ ông Giovanna Cenami, con gái một người thợ làm bánh đến từ Ý. Đến nay, thông tin này được cho là không đáng tin cậy. Cùng với kiệt tác nghệ thuật tín ngưỡng, bức tranh đa tấm khổng lồ Tranh điện thờ Ghent (1432, Nhà thờ Bavo), và bức tự họa Người đàn ông quấn khăn đỏ (1433, Phòng tranh Quốc gia, London), bức Chân dung ngài Arnolfini là tiêu biểu cho những đóng góp của Van Eyck vào phong cách tự nhiên thuộc Trường phái Phục Hưng phương Bắc, đồng thời thể hiện trình độ sử dụng sơn dầu đáng kinh ngạc của những nghệ sĩ thuộc Trường phái này.
Địa vị xã hội
Bức Chân dung ngài Arnolfini cho ta thấy một tư liệu hình ảnh vô cùng sắc nét về tầng lớp xã hội cũng như địa vị của hai nhân vật trong tranh. Bộ áo của người phụ nữ được may bằng viền lông chồn và rất nhiều thước vải. Hẳn cô gái phải có một người hầu gái đi cùng, chỉ để giữ cho chân váy cô không chạm đất. Người đàn ông đầu đội mũ rơm đan, vai choàng áo nhung viền lông thú. Phong cách ăn mặc cho thấy cặp vợ chồng trong tranh thuộc tầng lớp giàu có ở thành phố Bruges, tuy chưa tới tầm thượng lưu. Kích cỡ khiêm tốn của căn phòng, đôi guốc gỗ đi trong nhà tránh bụi bẩn, và sự thiếu vắng những món trang sức vàng xa hoa, tất cả đều chỉ đến tầng lớp tư sản có của cải, không phải quý tộc. Tuy vậy, khung cửa sổ lồng kính màu, chiếc đèn chùm, khung gương tinh xảo và thảm dệt nhập từ phương Đông, cùng bàn tay gọn gàng, sạch sẽ của người chồng và những quả cam đắt đỏ đặt trên tủ ngăn kéo gỗ bên cạnh, những chi tiết này ám chỉ một khối tài sản khá lớn.
Hợp đồng hôn nhân
Nhìn vào chiếc gương lồi nằm chính giữa bức tường cuối phòng, được chạm khắc tinh xảo cảnh Chúa bị đóng đinh trên cây Thập tự và những chi tiết khác đến từ câu chuyện xoay quanh sự kiện này, ta thấy được nhiều chi tiết khác trong căn phòng. Đứng sau người họa sĩ là hai vị khách đang đứng chờ ở khung cửa mở, qua chiếc gương ta còn thấy thêm 1 khung cửa sổ nữa, cùng những thanh rầm gỗ trên trần nhà. Hai thế kỷ sau, danh họa Velazquez đã noi theo chiếc gương của Van Eyck trong kiệt tác mang tên Las Meninas (1656, Prado).
Theo đường thẳng từ chiếc gương, về trung tâm bức tranh, ta thấy cặp đôi chủ thể tranh đang nắm tay nhau: chí ít cũng là người đàn ông đang nắm bàn tay buông lỏng của người vợ một cách chiếu lệ, hình thức. Tính nghi lễ trong tư thế này càng được nhấn mạnh ở bàn tay đang giơ lên của người chồng – ngụ ý rằng ông đang nói lời tuyên thệ – và bộ váy áo chỉnh tề của người phụ nữ. Giờ ta đã hiểu ý nghĩa của hai người đừng ở cửa: họ là nhân chứng cho hôn lễ của Arnolfini và vợ ông. Nhưng ý nghĩa của đám cưới này không chỉ nằm ở bề nổi bức tranh.
Cuộc Hôn nhân bất bình đẳng?
Đầu tiên, ta thấy rằng Arnolfini nắm tay vợ bằng tay trái thay vì tay phải. Chi tiết này có thể ám chỉ “hôn nhân tay trái” – mối kết giao giữa hai người chênh lệch địa vị, trong đó người phụ nữ bị buộc phải từ bỏ quyền thừa kế và tài sản: một nghi thức vẫn còn cho tới ngày nay trong những cuộc hôn nhân không đăng đối giữa một vị Hoàng tử trong Hoàng gia Châu Âu và một thường dân. Vậy có khả năng hai người nhân chứng có mặt để xác thực hợp đồng tài chính được soạn cho hôn lễ này. Thực chất một hôn lễ thông thường không cần sự có mặt của họ: Ở Bruges vào thế kỷ 15, đám cưới không cần phải có mặt cả linh mục lẫn nhân chứng. Một cặp đôi hoàn toàn có thể tự cưới nhau, rồi sáng hôm sau cùng nhau đi lễ nhà thờ để xác nhận sau. Một chi tiết phần nào chứng minh cho giả thuyết này: hình ảnh một chiếc nến duy nhất được thắp sáng trên chiếc đèn chùm. Cây nến tượng trưng cho sự hiện diện vô hình của Chúa toàn năng trong căn phòng để chứng kiến lời thề hôn lễ.
Tuy nhiên, nếu chủ thể trong bức tranh thực sự là Giovanni di Nicolao Arnolfini và vợ Giovanna Cenami, giả thuyết rằng cuộc hôn nhân này có sự chênh lệch địa vị là bất khả thi, vì Giovanna đến từ một gia đình ở tầng lớp tương đương chồng bà. Nhưng vào năm 1997, các nhà sử học đã xác định được rằng đến tận năm 1447 họ mới cưới nhau – khoảng 13 năm sau ngày bức tranh hoành thành, và 6 năm sau khi Jan Van Eyck qua đời. Tuy nhiên, anh trai của Giovanni, Michele có khả năng cũng đã có hôn lễ ở Bruges, cùng khoảng thời gian bức tranh được sáng tác. Một số nhà sử học nghệ thuật khác lại cho rằng bức tranh thể hiện đám cưới của Giovanni di Nicolao Arnolfini và người vợ đầu Costanza Trenta.
Khả năng sinh sản
Người phụ nữ trong bức tranh không mang bầu: phần tùng váy bồng lên chỉ là xu hướng thời trang thời đó. Tuy vậy, hình ảnh ẩn dụ về sự sinh sản xuất hiện trên lưng chiếc ghế gỗ chạm khắc được đặt bên dưới đèn chùm. Phần chạm khắc được xoay về phía chiếc giường tân hôn, khắc họa hình ảnh Thánh Margaret, vị thánh bảo hộ sự sinh nở, ý chỉ mong muốn xây dựng một gia đình khỏe mạnh. Hoàn thiện hình ảnh một cuộc hôn nhân thành công là một chú chó nằm dưới chân cặp vợ chồng. Chú chó là biểu tượng cho sự trung thành.
Hình ảnh biểu tượng phức tạp
Qua bài phân tích bức Chân dung ngài Arnolfini ngắn gọn này, ta có thể thấy rằng những phép ẩn dụ và biểu tượng trong bức tranh dường như là vô tận, và rất đa tầng. Ví dụ như đôi guốc gỗ, đây cũng có thể là ngụ ý trích dẫn Kinh thánh Exodus: “Cởi bỏ chiếc giày trên chân ngươi…” ám chỉ tính chất thiêng liêng của sự kiện đang diễn ra trong căn phòng. Chữ ký của tác giả cũng là một chi tiết nổi bật và lạ lùng (“Jan Van Eyck đã có mặt”, thay vì dòng thông thường “Sản phẩm của Jan Van Eyck”), một trong nhiều mảnh ghép chưa có lời giải đáp trong bức tranh.
Dù vậy, một điều luôn sáng tỏ, chính là việc Van Eyck đã sáng tạo nên một tác phẩm có tầm ảnh hưởng đáng kể về mặt tín ngưỡng, mặc dù nội dung tranh không đề cập nhiều đến tôn giáo. Như những kiệt tác khác của ông, bức Chân dung ngài Arnolfini có tác động mạnh tới các họa sĩ cùng thời Phục Hưng phương Bắc khác, cũng như các danh họa Nam Âu trước thế kỷ 19.
Lịch sử sở hữu
Có vẻ bức Chân dung Arnolfini đã rơi vào tay quân Anh vào thời Chiến tranh Napoleon. Sau khi được chuyển về London, bức tranh được dâng tặng Hoàng gia Anh, nhưng bị từ chối nhận, sau đó vào năm 1842 mới được mua lại với giá 600 bảng Anh, vào bộ sưu tập của Phòng tranh Quốc gia mới thành lập khi đó. Định giá ngày nay dự đoán nếu bức tranh được đưa ra đấu giá sẽ dễ dàng đáng giá hơn hơn 100 triệu bảng Anh.
Bài viết gốc Interpretation of Flemish Oil Painting: The Arnolfini Marriage
Bởi Visual Arts Cork
Lược dịch bởi Artplas
Để lại đánh giá