Phỏng vấn Christopher Wong: hành trình với nhạc phim Việt Nam và lời khuyên dành cho sinh viên MAAC

Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC đã có cơ duyên được phỏng vấn Nhạc sĩ Christopher Wong – Nhà soạn nhạc nổi tiếng cho những bộ phim Việt Nam đình đám về hành trình đến với biên soạn nhạc nền cho các bộ phim của Việt Nam, những trải nghiệm, học hỏi của ông trong quá trình làm việc với các đạo diễn nổi tiếng như Victor Vũ, Charlie Nguyễn hay các đạo diễn trẻ như Namcito và Bảo Nhân cũng như chia sẻ kinh nghiệm và lời khuyên dành cho các bạn trẻ muốn bước trên con đường làm phim hay âm nhạc.

Christopher Wong là người gốc Á, ông từng theo học nhà soạn nhạc phim lừng danh Jerry Goldsmith nhưng công việc chính của ông hiện tại lại là viết nhạc và làm việc tại dàn giao hưởng của trường đại học Irvine, California. Thụ hưởng nền văn hóa Tây phương, âm nhạc của Christopher Wong mang âm hưởng huyền bí, phù hợp cho dòng phim tâm lý – trinh thám. Đứng sau hào quang, dường như người ta nhận ra ông không phải là người của thảm đỏ, hệt như những đạo diễn mà anh cộng tác.

Tuy nhiên Christopher Wong lại là người cởi mở với thế hệ trẻ, rất quan tâm đến chia sẻ và truyền cảm hứng cho sinh viên. MAAC cũng xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Nhạc sĩ đã đã dành thời gian cùng chúng tôi thực hiện bài phỏng vấn này.

1. Xin chào ông Christopher Wong, cảm ơn ông rất nhiều đã dành thời gian quý báu trả lời các câu hỏi hỏi của sinh viên Học viện MAAC. Ông có thể giới thiệu một chút về sự nghiệp âm nhạc của mình được không? Ông là bậc thầy về nhạc phim, vậy đây có phải là con đường sự nghiệp rõ ràng mà ông đã chọn khi còn là một sinh viên?

Từ khi còn nhỏ, khoảng 15 tuổi, tôi đã biết khá chắc chắn là tôi muốn kiến tạo một cuộc sống luôn gắn bó với âm nhạc, nhưng tôi thực sự chưa đặc biệt có hứng thú với nhạc phim mãi cho đến sau này. Tôi học piano cổ điển từ năm 8 tuổi. Ở trường trung học, tôi đã chơi piano, guitar trong các ban nhạc rock và jazz. Khi học đại học tại UCLA (1), tôi nghĩ tôi muốn trở thành một nhà soạn nhạc cổ điển.

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi tôi rất may mắn được tiếp xúc với nhà soạn nhạc Hollywood – Jerry Goldsmith vào năm cuối ở trường đại học. Vào thời điểm đó, ông ấy đang làm việc trong Star Trek Insurrection và tôi đã được chứng kiến ông ấy chỉ huy một dàn nhạc lớn của Hollywood tại sân khấu thu âm Paramount khi họ thực hiện việc thu âm nhạc phim cho tác phẩm điện ảnh này. Tôi nghĩ đó chính là thời điểm tôi nhận ra mình thật sự muốn làm nhạc phim.

Tôi gặp Hàm Trần vào năm 2002 khi một người bạn chung giới thiệu tôi đến làm âm thanh cho phim tốt nghiệp của anh ấy thời sinh viên. Khi Victor Vũ xem sản phẩm tôi đã làm cho bộ phim của Hàm và hỏi liệu Hàm có thể giới thiệu chúng tôi với nhau không, vì anh ấy cần một nhà soạn nhạc cho bộ phim đầu tiên của mình ở Mỹ. Vài năm sau tôi gặp Charlie Nguyễn để làm nhạc phim cho Dòng Máu Anh Hùng, tôi đã biết em trai của anh ấy – Johnny khi còn làm với Victor, vì vậy việc hợp tác với Charlie cũng khá dễ dàng. Sau đó, khi họ đều quyết định làm phim ở Việt Nam, chúng tôi tiếp tục hợp tác làm việc từ xa, điều này rất dễ dàng vì chúng tôi đã từng gặp mặt và làm việc cùng nhau ở Mỹ.

Hàm Trần và Christopher Wong vào năm 2005

2. Được biết ông chưa từng đến Việt Nam, nhưng ông đã viết nhạc phim cho rất nhiều tác phẩm như: Mắt Biếc, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, Dòng Máu Anh Hùng, Chuyện Tình Xa Xứ, Giao Lộ Định Mệnh, Scandal,… Làm thế nào mà ông có thể mang văn hóa Việt Nam vào trong âm nhạc của mình?

Thành thật mà nói, tôi không phải là một chuyên gia về văn hóa Việt Nam, và nếu một bộ phim cần âm nhạc truyền thống Việt Nam đích thực, có lẽ có nhiều nhà soạn nhạc khác sẽ làm điều đó tốt hơn tôi nhiều. Những điều tôi học được về văn hóa Việt Nam là hãy tin tưởng vào những đạo diễn mà tôi làm việc cùng. Lần đầu tiên tôi nghe đàn tranh, đó là vì Victor Vũ muốn sử dụng một cảnh trong bộ phim thứ 2 của anh ấy làm ở Mỹ, và anh ấy giới thiệu cho tôi một người bạn chơi nhạc cụ này.

Tôi cũng nhớ khi làm việc với Charlie Nguyen trong phim Dòng Máu Anh Hùng và anh ấy đã đưa cho tôi một số bản ghi âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tôi tìm thấy một bản nhạc dường như đã có thể mang lại cảm xúc ở một cảnh nào đó. Nhưng sau đó Charlie giải thích cho tôi rằng âm nhạc truyền thống Việt Nam rất đa dạng, có những giai điệu và thể loại cụ thể cho mỗi vùng miền và chúng ta có thể sử dụng không chính xác. Vì vậy, tôi nhận ra rằng cần tin tưởng hoàn toàn vào các đạo diễn mà tôi hợp tác cùng khi gặp bất kỳ vấn đề văn hóa nào và luôn đi theo lời khuyên của họ.

Điều tôi nhận thấy qua những bộ phim là để truyền tải đúng cảm xúc cho khán giả, bạn có thể giao thoa các nền văn hóa trong âm nhạc, và đôi khi nó mang lại hiệu quả. Tôi đã thấy các nhà biên tập phim từ Việt Nam đưa âm nhạc Trung Đông hoặc Ấn Độ vào bản nhạc phim của họ. Nó thường phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể và các vấn đề sáng tạo mà bạn gặp phải trong bất kỳ bộ phim nào. Một số phim sẽ phải cần tham khảo nhiều hơn về văn hóa Việt Nam so với các phim khác.

Trailer Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

3. Hãy nói về âm nhạc trong phim – tất cả các lớp âm thanh khác nhau được sử dụng trong phim, bao gồm âm thanh vị trí, lời thoại, âm thanh hiệu ứng (FX), âm thanh Foley (2) và nhạc phim. Làm thế nào ông có thể kết hợp nhạc phim của mình hài hòa với các loại âm thanh khác? Có phải nhạc nền của phim sẽ dẫn dắt tất cả các loại âm thanh khác phải theo nó?

Đây chắc chắn là một trong những thử thách độc đáo trong việc làm nhạc phim mà các nhà soạn nhạc thuộc các lĩnh vực khác thường không cần phải bận tâm. Tôi đã phải trải nghiệm qua một số bộ phim để thực sự học cách kiểm soát điều này. Tôi nghĩ một trong những thách thức cho người làm nhạc phim là bộ phận âm thanh vận hành cùng lúc với nhà soạn nhạc dẫn đến bản chỉnh sửa bộ phim bạn được cung cấp sẽ không có ngay tất cả các hiệu ứng âm thanh trong đó.

Vì vậy, trong những bộ phim đầu tiên của tôi, tôi đã xem và rất ngạc nhiên rằng “Tôi không biết những hiệu ứng âm thanh ấy sẽ xuất hiện ở đó!” Điều bạn học được là dự đoán những gì sẽ xảy ra dựa trên điều bạn đang thấy trên màn hình. Ví dụ, có thể bạn đang làm nhạc cho một cảnh hành động và có một vụ nổ ở cuối cảnh. Nhưng âm thanh họ đưa cho bạn trong bản chỉnh sửa không hề ấn tượng lắm. Bạn phải biết rằng họ sẽ thay thế nó bằng một vụ nổ âm thanh rất lớn nhờ vào hiệu ứng, và vì vậy bạn có lẽ nên dừng âm nhạc trong giây lát để nhường chỗ cho vụ nổ, và sau đó bắt đầu lại âm nhạc sau khi vụ nổ xảy ra đã kết thúc.

Bài học chính đúc kết lại là thay vì viết nhạc để kết hợp với những gì bạn đang nghe trong bản chỉnh sửa của mình, bạn nên viết nhạc dựa trên những gì bạn nghĩ nó sẽ nghe như thế nào khi âm thanh hiệu ứng được thêm vào, diễn giải âm thanh nên được dựa trên hình ảnh. Và hãy nhớ rằng, nếu bạn không chắc chắn, bạn luôn có thể hỏi đạo diễn bao nhiêu âm thanh sẽ được thêm vào trong một cảnh. Người Đạo diễn luôn có mặt để hỗ trợ mọi người, bởi vậy hãy hỏi anh ấy khi bạn cảm thấy không chắc chắn một điều gì đó.

Ngoài ra, bạn nên hiểu rằng trong một cảnh phim, khi các loại âm thanh pha trộn sẽ luôn có sự thay đổi. Đôi khi họ sẽ nhấn mạnh nhạc phim hơn âm thanh hiệu ứng (FX) và Foley; đôi khi họ lại nhấn mạnh âm thanh hiệu ứng (FX) hơn nhạc phim và điều này sẽ thay đổi qua lại từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác tùy thuộc vào cái gì phục vụ câu chuyện hay nhất.

Quy tắc hàng đầu là cuộc đối thoại luôn luôn quan trọng nhất. Vì vậy, thường thì bạn sẽ phải soạn nhạc nền hơi chìm so với volume của cuộc hội thoại và nếu cần soạn nhạc nền cho cuộc hội thoại để điều đó trở nên thú vị hơn, bạn vẫn có thể sáng tác những đoạn nhạc nhiều năng lượng và bộ phận âm thanh sẽ cố gắng kéo âm lượng của nhạc đủ thấp để cuộc đối thoại nổi bật. Hiểu tất cả những điều này trong khi bạn đang sáng tác sẽ giúp các bộ phận âm thanh khác và mọi thứ sẽ rõ ràng hơn khi tất cả được kết hợp.

4. Ông có nghĩ rằng ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam chỉ cần một vài bậc thầy như ông thực hiện tất cả nhạc phim không hay nên mở cơ hội cho những người trẻ tuổi tham gia? Các bạn trẻ cảm thấy nó có quá nhiều thách thức.

Tôi chắc chắn nghĩ rằng những người trẻ tuổi nên tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam, bởi vì đó là cách duy nhất ngành công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển. Tôi đã từng trẻ khi tôi bắt đầu làm phim ngắn. Bây giờ tôi không còn trẻ nữa, một ngày nào đó tôi sẽ quá già và không đủ sức để tiếp tục làm việc và sẽ cần có những nhà soạn nhạc phim trẻ khác ở Việt Nam – có lẽ đó là bạn! Nghiêm túc mà nói, khi chúng tôi làm Dòng Máu Anh Hùng, tôi nghĩ chỉ có 5 – 10 bộ phim được làm mỗi năm tại Việt Nam, đúng không? Bây giờ khoảng 13 năm sau, có rất nhiều bộ phim được sản xuất tại Việt Nam mỗi năm, đó là sự tăng trưởng đáng kinh ngạc trong ngành.

Nhưng vâng, bạn phải chấp nhận rằng nó rất thách thức. Không phải ai cũng cố gắng sẽ thành công. Tôi nghĩ điều này đúng với tất cả bộ phận trong đoàn làm phim – là một đạo diễn, biên kịch, diễn viên, biên tập viên, nhà quay phim, tất cả đều thách thức chứ không riêng gì nhà soạn nhạc phim, thậm chí có thể khó khăn hơn. Chính những người trẻ có đam mê và đủ can đảm để đối mặt với thử thách sẽ giữ cho ngành công nghiệp Điện ảnh phát triển. Hãy nhìn Namcito và Bảo Nhân, họ còn rất trẻ khi họ làm Gái Già Lắm Chiêu 1, và 5 năm sau Gái Già Lắm Chiêu 3 là một trong những bộ phim thành công nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Không phải ai cũng sẽ được như họ, nhưng bạn sẽ không bao giờ biết mình có thành công hay không trừ khi bạn cố gắng.

Hàm Trần, Dustin Nguyễn, Christopher Wong, Charlie Nguyễn vào năm 2007

5. Mọi người nói rằng âm nhạc của ông đã giúp Mắt Biếc “bán được rất nhiều vé”. Điều đó thật tuyệt vời! Theo ông, nhạc phim đóng góp như thế nào vào sự thành công của một bộ phim?

Thật tuyệt khi nghĩ rằng nhạc phim là một yếu tố có thể giúp Mắt Biếc “bán được nhiều vé”, mặc dù theo kinh nghiệm của tôi để một bộ phim thành công thì cần rất nhiều yếu tố kết hợp lại. Âm nhạc là một trong những điều cuối cùng trong một bộ phim. Vì vậy trước khi bộ phim đến với tôi – một nhà soạn nhạc, bạn đã có các biên kịch, diễn viên, đạo diễn, nhà quay phim, biên tập viên, và nhiều bộ phận khác đã hoàn thành công việc của họ.

Âm nhạc có thể trợ giúp thêm, nhưng tất cả những bộ phận khác cũng cực kỳ quan trọng. Vào thời điểm bộ phim đến với tôi, tôi đã có thể biết bộ phim sẽ tuyệt vời như thế nào khi nó hoàn thành. Lần đầu tiên tôi xem một đoạn phim Mắt Biếc, tôi nghĩ đó sẽ là một trong những bộ phim tốt nhất của Victor và nó có cơ hội trở thành phim hay nhất của anh ấy khi chúng tôi hoàn thành nó. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã làm rất tốt với phần nhạc phim, và có thể nhạc phim đã làm cho bộ phim trở nên tuyệt vời hơn. Nhưng đó cũng là vì bộ phim vốn đã rất hay rồi!

6. Ông có gặp phải vấn đề này không: Đó là một số người chỉ thiên về kỹ thuật và hiệu ứng hình ảnh như DOP, đạo diễn. Âm thanh là lĩnh vực khó với họ. Ông có lời khuyên gì cho họ khi làm việc với các nhà soạn nhạc không? Kinh nghiệm của ông với các đạo diễn Việt Nam như thế nào?

Các đạo diễn Việt Nam, cũng như các đạo diễn người Mỹ, tất cả đều khác biệt theo cách riêng của họ. Một số người trong số họ rất giỏi trong việc chỉ đạo âm nhạc, một số thì không như thế. Nhưng cơ bản công việc của nhà soạn nhạc phim là làm cho bộ phim tốt nhất có thể khi âm nhạc được đưa vào, bất kể bạn đang làm việc với đạo diễn nào. Theo tôi thấy, đạo diễn có quá nhiều thứ phải lo toan, vì vậy nhà soạn nhạc nên linh hoạt hợp tác và khiến họ cảm thấy thoải mái, không cảm thấy lo lắng.

Lời khuyên tôi sẽ đưa ra cho các đạo diễn làm việc với các nhà soạn nhạc là đừng lo lắng về việc phải diễn đạt theo kiểu “chuyên môn kỹ thuật” về âm nhạc, điều đó là không cần thiết. Hầu hết các nhà soạn nhạc, bao gồm cả bản thân tôi, đều thích nếu bạn hướng chúng tôi về mặt cảm xúc, giống như bạn sẽ chỉ đạo một diễn viên. Hãy nói cho chúng tôi biết bạn muốn chúng tôi cảm thấy như thế nào trong thời điểm này của bộ phim, bạn muốn nhân vật này khiến khán giả cảm thấy như thế nào. Đừng lo lắng nhiều về việc đó là đàn violin hay sáo, chỉ cần đảm bảo chúng tôi hiểu cảm xúc chính xác như bạn muốn hay cảm xúc bạn muốn người xem có được. Bởi vì đôi khi cảm xúc có thể được nhìn thấy theo 2-3 cách khác nhau, không phải lúc nào cũng rõ ràng, đặc biệt nếu câu chuyện phức tạp. Các chi tiết có thể được chỉnh sửa sau đó, nhưng nếu cảm xúc không được hiểu chính xác, giải pháp sẽ không thể tìm thấy.

7. Ông hãy kể về trải nghiệm thú vị với các dự án phim Việt Nam được chứ? Cũng như cho các bạn sinh viên biết kinh nghiệm của ông về Mắt Biếc & Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh. Ông đã học được điều gì từ 2 dự án tuyệt vời này?

Thật thú vị khi bạn chọn hai bộ phim này, bởi vì đây thực sự là 2 bộ phim Việt Nam yêu thích mà tôi đã làm. Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh là một khám phá thực sự thú vị trong quá trình sáng tạo của tôi cùng với Victor Vu. Trong các bộ phim trước đó, chúng tôi có xu hướng rất kịch tính, nhưng trong bộ phim này, chúng tôi muốn để bộ phim và âm nhạc trở nên tinh tế và nhẹ nhàng hơn. Bộ phim cần được cảm nhận tự nhiên hơn và có nhiều không gian để “thở” hơn. Vì vậy, chúng tôi đã làm việc để khám phá phong cách của bộ phim và luôn ghi nhớ rằng những gì chúng tôi đã làm trong các bộ phim trước đó có thể không phải là câu trả lời đúng cho Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh.

Phần thực sự thú vị khác khi thực hiện bộ phim là làm quen với bài hát Thằng Cuội, mà tôi đã không biết trước khi thực hiện bộ phim này. Đó là ý tưởng sử dụng bài hát của Victor, anh ấy nói với tôi đây là một bài hát phổ biến cho trẻ em ở Việt Nam. Chúng tôi đã thử sử dụng giai điệu cho bài hát này trong đoạn teaser, và sau khi chúng tôi phát hành đoạn teaser, tôi nhận được một tin nhắn từ một người hâm mộ nói với tôi rằng họ đã rất vui khi nghe bài hát này vì nó gợi cho họ nhớ về thời thơ ấu của họ. Tôi biết rằng Victor đã đúng, và tôi nhận ra bài hát đó có sức mạnh văn hóa đến mức nào. Tôi thấy mình ngày càng yêu thích nó hơn, tôi cảm thấy như thể tôi đã được giao cho đứa con tinh thần quý giá của cố nhạc sĩ Lê Thương và dẫn dắt nó vào trong bộ phim. Tôi ước gì đã có thể gặp ông ấy, nhưng tôi tin rằng Lê Thương sẽ hài lòng nếu như ông ấy có thể xem bộ phim này.

Mắt Biếc lại là một dự án cho tôi cảm xúc vô cùng đặc biệt. Ngay khi Victor nói với tôi bộ phim nói về điều gì, tôi cảm thấy nó chính xác là loại câu chuyện mà tôi đã luôn muốn tìm. Một điều thú vị khác biệt so với quy trình làm các phim trước là Victor yêu cầu tôi làm nhạc cho phần kết trước. Có vẻ như trong các buổi chiếu thử nghiệm đầu tiên, đoạn kết đã không mang lại cấp độ cảm xúc như anh ấy muốn, và Victor hy vọng rằng tôi có thể giải quyết vấn đề bằng cách nào đó với âm nhạc. Chúng tôi đã thử một vài thứ khác nhau mà dường như không giúp được gì, nhưng sau đó Victor nhận ra rằng bài hát của Phan Mạnh Quỳnh trong đoạn teaser đang trở nên rất được yêu thích trong công chúng khi nói về bộ phim, vì vậy chúng tôi quyết định thử sử dụng phiên bản hòa tấu của bài hát cho phần kết thúc phim.

Khi chúng tôi nhận ra rằng điều đó giúp nhóm khán giả thử nghiệm (test audience) cảm thấy xúc động hơn, tôi đã đưa ra một chiến lược về cách sử dụng nó, đó là thiết lập giai điệu bài hát như một phần khoả lấp trong những đoạn đầu của bộ phim. Nếu chúng ta có thể nghe giai điệu từ bài hát này nhiều lần trong các phần trước của bộ phim, sau đó không sử dụng nó một đoạn phim, và rồi nó sẽ quay trở lại một lần nữa trong phần kết thúc với một cao trào, tôi đã hy vọng nó có thể tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của người xem theo cách này. Tôi nhớ sau khi bộ phim ra rạp, tôi đã đọc một bình luận từ người hâm mộ rằng họ bắt đầu khóc khi nghe phiên bản giao hưởng bài hát của Phan Mạnh Quỳnh xuất hiện trong cảnh kết thúc phim. Điều đó khiến tôi tin rằng Victor và tôi đã đưa ra một giải pháp đúng đắn!

Trailer Mắt Biếc
Christopher Wong, Kiều Chinh, Đinh Ngọc Diệp, Victor Vũ vào năm 2016

8. Một sinh viên tên là Quân gửi đến ông câu hỏi: Thưa thầy Christopher Wong, em có niềm đam mê với âm nhạc, đặc biệt là giai điệu và âm thanh xung quanh. Mỗi khi em nghe một bản nhạc, cảm xúc trong em thật sự được gợi mở. Em cảm thấy em có thể viết ngay một câu chuyện sau đó. Em đã có một số nỗ lực để nghiên cứu thiết kế âm thanh cho phim. Nhưng em nhận được rất ít sự khích lệ từ những người xung quanh. Họ đã nói với em rằng triển vọng nghề nghiệp là có hạn và em không thể kiếm được tiền. Em sẽ cảm thấy mình thật may mắn nếu thầy có thể cho em một lời khuyên. Theo thầy, em cần chuẩn bị những gì để theo đuổi đam mê?

Tôi gặp nhiều sinh viên ở Mỹ có cùng nỗi lo. Và tôi đã bị nói những điều tương tự khi tôi còn trẻ, rằng sự nghiệp là quá rủi ro. Khi chuẩn bị bắt đầu học đại học, tôi đã nghĩ về những gì tôi có thể chọn cho cuộc sống của mình, cố gắng làm âm nhạc như một nghề hoặc làm một điều gì đó có dễ dàng và chắc chắn hơn, như trở thành một kỹ sư hoặc bác sĩ. Tôi nhận ra rằng tôi có thể đủ khả năng để làm được những công việc kiếm được nhiều tiền và ổn định hơn.

Và sau đó tôi đã hình dung ra hình ảnh của chính mình, có thể là 60 tuổi vào một ngày nào đó, trong một ngôi nhà đẹp mà tôi có được từ nhiều năm làm công việc tôi không yêu thích để kiếm tiền. Tôi nhận ra rằng nếu đó là cái kết của tôi, và tôi đã không bao giờ cố gắng thử làm công việc soạn nhạc, nó thật sự rất buồn. Tôi sẽ hối tiếc rằng tôi chưa bao giờ thử. Vì vậy tôi đã quyết định rằng ít nhất tôi phải cố gắng, và nếu tôi đã cố gắng và tôi thất bại, tôi phải làm một nghề nghiệp khác sau đó, ít nhất tôi có thể nhìn lại và nói rằng tôi mãn nguyện. Chí ít tôi đã thử một lần theo đuổi sự nghiệp âm nhạc.

Nghề nghiệp này chắc chắn là thử thách, nó không hề dễ dàng. Ai cũng hy vọng rằng những điều tốt đẹp sẽ xảy ra, nhưng đôi khi khó khăn ập đến và sẽ có khoảnh khắc khiến cho bạn nản lòng. Bạn không nên chọn làm âm nhạc vì tiền, hoặc danh tiếng, bạn chỉ nên làm điều đó vì bạn yêu âm nhạc. Và bạn hãy chọn con đường này nếu bạn không thể nghĩ ra bất cứ điều gì khác sẽ khiến bạn hạnh phúc khi làm, chỉ có âm nhạc mà thôi. Nếu điều đó mô tả con người bạn, hãy cố gắng vì nó. Hãy làm việc chăm chỉ, làm quen với các đạo diễn, trở thành một người thú vị để làm việc cùng và kiên nhẫn. Thường thì sự thành công sẽ đến không theo như cách bạn nghĩ!

9. Ông có nghĩ rằng các bạn sinh viên có thể tự học thiết kế âm thanh hay các em nên đến một trường nào cụ thể?

Tôi không thực sự biết rõ về hệ thống giáo dục ở Việt Nam, vì vậy tôi chỉ có thể nói từ những gì tôi thấy ở Mỹ. Những gì tôi thấy ở Hollywood là có nhiều người thành công đã đến từ những trường dạy nhạc, và cũng có nhiều người tự học vẫn thành công. John Williams (3) đã học tại trường Juilliard danh tiếng ở Mỹ, còn Hans Zimmer (4) là một minh chứng rõ ràng nhất cho việc tự học. Tôi nghĩ có thể rút ra được một số điều. Thứ nhất, không chỉ có một câu trả lời hoặc con đường chính xác để trở thành một chuyên gia, nó có thể khác nhau đối với những người khác nhau. Một số người học tốt nhất trong môi trường học đường, và một số người học nhanh hơn khi cố gắng tự mình tìm ra nó. Thứ hai, học tập là việc không bao giờ có điểm dừng – có lẽ trường học sẽ chuẩn bị cho bạn một số kiến thức kỹ năng nhất định, nhưng bạn cần tìm cách tiếp tục học hỏi nhiều hơn nữa sau khi tốt nghiệp ra trường.

Tôi nghĩ điều vô cùng quan trọng là tìm những người cố vấn (mentor) phù hợp cho cá nhân bạn. Bởi vì tôi đã thấy những ví dụ mà một người nào đó sẽ học được rất nhiều từ một người cố vấn, nhưng với người khác sẽ không học được nhiều như vậy. Tìm ai đó hiểu bạn, và bạn hòa hợp với họ. Điều này có thể ở trường, hoặc nó có thể ở một bối cảnh khác. Có thể bạn đã tìm thấy người cố vấn hoàn hảo của mình tại trường của bạn, điều đó thật tuyệt! Đối với tôi, mọi thứ tôi biết về nhạc giao hưởng là từ một giảng viên tại UCLA khi tôi còn trẻ. Nếu bạn không đi học, hãy tìm một người bạn hoặc một người chuyên nghiệp mà bạn có thể tìm hiểu thêm về âm nhạc, bởi vì chúng ta không bao giờ hoàn toàn tự học những điều tốt nhất, chúng ta có thể học nhanh hơn rất nhiều từ những người khác.

10. Nhiều bạn sinh viên của đặt chung một câu hỏi: Có cơ hội nào để chúng em có thể học tập dưới sự hướng dẫn của thầy Christopher Wong không? Thầy có thể đưa ra lời khuyên về con đường theo đuổi làm nhạc phim, tại Việt Nam cũng như Hoa Kỳ được không? Chúng em thấy một số đạo diễn tốt nghiệp ở Hoa Kỳ rất thành công. Điều đó có tương tự đối với cả nghề làm nhạc phim không?

Tôi không có nhiều thời gian trong những ngày này để chính thức dạy sinh viên về sáng tác nhạc phim theo cách thông thường tôi vẫn làm ở trường. Nhưng tôi luôn cố gắng đưa ra lời khuyên hoặc giúp đỡ cho các bạn tìm đến tôi nếu tôi có thời gian. Điều đó thực sự phụ thuộc vào mức độ bận rộn của tôi tại từng thời điểm. Tôi nghĩ sẽ rất thú vị khi thấy một số nhà soạn nhạc và nhà làm phim trẻ đến học tại các trường học ở Mỹ và thử sức tại Hollywood. USC (5) có các lớp dạy làm nhạc phim hay nhất, Berklee School of Music cũng rất xuất sắc về nhạc phim, và có một số trường dạy tốt về đạo diễn phim tại Los Angeles như USC, UCLA, AFI (6).

Đúng là có rất nhiều cơ hội ở Los Angeles, nhưng cần nhớ rằng cũng có rất nhiều sự cạnh tranh. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đang đến Los Angeles để làm phim và nhạc phim. Sẽ có thể rất khó để được chú ý hay ghi nhận bởi giữa một chốn đông đảo các nhà soạn nhạc và nhà làm phim đang tập trung ở nơi đây.

Những gì tôi muốn chia sẻ cho bất cứ ai quan tâm đến Hollywood là hãy phát triển một số mối quan hệ trong ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam trước khi bạn đi qua bên này. Sau đó, khi bạn ở đây, bạn có thể xây dựng các mối quan hệ mới ở Hollywood trong khi bạn vẫn đang duy trì các mối quan hệ của mình tại Việt Nam. Một người bạn tốt của tôi là một nhà soạn nhạc đến từ Israel. Cô ấy đến Mỹ để học làm nhạc phim và đã làm rất tốt ở đây, đồng thời duy trì các mối quan hệ ở Israel. Cô hiện đang làm cho một chương trình truyền hình Mỹ đồng thời cũng có công việc trong các bộ phim của Israel. Mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp với cô ấy!

Biên tập & Thực hiện phỏng vấn: MAAC Vietnam

Ghi chú:
(1) UCLA: University of California Los Angeles
(2) Foley: Âm thanh giả lập tự nhiên như tiếng mưa, vó ngựa, tiếng sóng, sấm,… , lấy tên theo nhà sáng lập ra hình thức giả lập nhóm âm thanh này, Jack Foley (1891 – 1967)
(3) John Williams: Nhà soạn nhạc phim lừng danh người Mỹ với thành tựu 5 giải Oscars, soạn nhạc cho hơn 100 phim, trong đó có các phim tiêu biểu Star Wars, Schidler’s List, Harry Potter,…
(4) Hans Zimmer: Nhà soạn nhạc phim nổi tiếng người Đức, tham gia hơn 150 bộ phim. Các tác phẩm tiêu biểu: The Lions King (Oscar), Pirates of Caribbean, The Last Samurai,…
(5) USC: University of Southern California
(6) AFI: American Film Institute

Bài viết mang đến bởi Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC (Maya Academy of Advanced Cinematics) là thương hiệu đào tạo Truyền thông & Giải trí (Media & Entertainment) của tập đoàn Aptech. MAAC có mạng lưới 160 trung tâm trên toàn thế giới, cung cấp dịch vụ đào tạo nghề bài bản, chuyên sâu, chất lượng cao trong các lĩnh vực:
· Hoạt hình 3D (3D Animation) – 24 tháng
· Kỹ xảo Điện ảnh (VFX – Visual Effects) – 24 tháng
· Thiết kế Truyền hình (Broadcast Design) – 18 tháng

Địa chỉ: 24-26 Phan Liêm, phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM
Hotline: 1900 2096
Website | Tuyển sinh | Fanpage | Youtube | Instagram