“Có những niềm riêng làm sao nói hết…” Giữa chừng cuộc trò chuyện cùng đạo diễn – nghệ sĩ Ái Như ngay trên sân khấu sau tấm màn nhung, giọng ca Tuấn Ngọc bất chợt vang lên ngay câu hát này, và để lại một khoảng lặng thăm thẳm.
Chị Ái Như nhoẻn miệng cười trong lúc mắt vẫn rưng rưng: “Cứ như đang trong kịch em hả? Đây là ca khúc chính trong vở “Vườn nho đắng”. Những ca khúc từng được sử dụng trong 53 vở diễn suốt 12 năm qua của sân khấu Hoàng Thái Thanh (HTT), bây giờ khi không còn diễn nữa, sẽ được nhắc lại thường xuyên trong khán phòng…”
Đó vừa là sự chăm chút tỉ mỉ, cũng vừa là “những nỗi niềm riêng” mà HTT muốn gửi gắm đến khán giả tri kỷ của mình. Bởi sau chặng đường hơn 12 năm, sân khấu vừa có một quyết định “liều lĩnh”: ngừng diễn những vở cũ và sẽ chỉ diễn vở mới vào 2 mùa trong năm để đỡ bù lỗ.
Quyết định này gây bất ngờ cho không ít khán giả yêu sân khấu, cũng khiến nhiều người giật mình nhận ra: phải chăng mình đã quá thờ ơ, cứ ỷ y sẽ luôn còn tái diễn vở cũ, từ từ mua vé xem cũng được, mà không hay điều đó vô tình tạo thêm nhiều áp lực cho sân khấu?
Trong số những người “giật mình” đó có cả đội ngũ của RGB. Bởi dù là chuyên trang hướng đến cộng đồng sáng tạo với nội dung cập nhật những xu hướng mới, nhưng từ lâu, RGB còn là khán giả trung thành của những vở kịch đầy nhân văn, chỉn chu và tử tế của Hoàng Thái Thanh.
Ngoài việc nhanh tay book vé để không bỏ lỡ các suất tái diễn 10 vở kịch tiêu biểu, sự thôi thúc phải làm một điều gì đó để chia sẻ cùng các nghệ sĩ, và để khán giả của RGB có thể hiểu hơn về sân khấu Hoàng Thái Thanh đã dẫn đến một cuộc trò chuyện đặc biệt.
Đạo diễn, nghệ sĩ Ái Như: Thôi thì mình cứ vui, để còn đi tiếp
Đạo diễn, nghệ sĩ Ái Như: con đường này do mình chọn, thì phải dũng cảm đối mặt
Đã khép lại chặng đường trong loạt tái diễn 10 vở tiêu biểu của Hoàng Thái Thanh (HTT) trước khi bước sang hình thức mới là diễn theo mùa, cảm xúc hiện tại của chị thế nào?
Đạo diễn, nghệ sĩ Ái Như: Có gì đó giống như mình đang tự đánh lừa cảm xúc của mình! Thấy bữa nào khán phòng cũng đông, thậm chí phải thêm ghế sub vì khán giả rất muốn xem, điều đó khiến mình ấm áp và hạnh phúc. Nhưng nó cũng khiến mình nhớ những lúc khán phòng vắng.
Mà khán phòng vắng là sự thật!
Khán phòng đông cũng thật, nhưng là thật vì khán giả thương quý nên đến để tạm biệt. Đó là niềm khích lệ để mình cố gắng đi tiếp. Nhưng mình chưa biết sự ủng hộ đó có thể lưu giữ được cho tương lai không? Mình cũng rất chờ đợi, nhưng ít háo hức mà lo lắng nhiều hơn.
Chốc lát nữa thôi, lại một vở nữa kết thúc. Từ đây đến vở cuối cùng, lúc nào mình cũng tự an ủi là mình đang vui. Thì cứ nghĩ vậy đi cho tích cực, đúng không? Như anh Thành Hội đã nói, khép lại cánh cửa này sẽ mở ra cánh cửa mới. Mình cứ nghĩ vậy! Nhưng là “cha đẻ” của nhiều tác phẩm, mình vẫn hy vọng một dịp nào đó có thể gặp lại khán giả của mình.
Vậy sân khấu có dự định sẽ còn diễn lại những loạt 10 vở giống như đợt này không?
Đạo diễn, nghệ sĩ Ái Như: Mình cũng mong sẽ có dịp như vậy, nếu thuận lợi. Có thể cũng diễn một loạt 10 vở và thay đổi “cái ruột” chút ít, biết đâu ha? Mình cứ nghĩ vậy để thấy không phải chia tay hoàn toàn. Thí dụ sẽ gặp lại các khán giả mới nếu có các công ty, trường học đặt hàng… Đó vẫn là một niềm hy vọng.
Từ sau buổi họp báo “Bay trên cánh mỏng”, có thể thấy tín hiệu khán giả phản hồi rất tích cực với hướng đi mới của sân khấu HTT, nhưng chị vẫn cứ lo nhiều?
Đạo diễn, nghệ sĩ Ái Như: Đúng vậy. Mình vẫn suy tư nhiều, vì tương lai thì không biết trước. Việc hôm nay với ngày mai đã khác rồi, huống gì cả một dự án đi tìm cánh cửa mới? Mà tính mình bao giờ cũng tính trước đường thất bại. Giống 12 năm trước khi ra đời Hoàng Thái Thanh, chúng tôi cũng ngồi bàn với nhau về thất bại. Mình có thể gồng gánh, chịu đựng cho thất bại đó trong bao nhiêu năm? Khi đó, chúng tôi chấp nhận trong 3 năm, và đến giờ thì được hơn 12 năm…
Hơn 12 năm đó, nếu nói để có lãi về mặt kinh doanh thì chúng tôi thất bại, thất bại thảm thương. Nhưng chúng tôi có được cái lãi rất lớn về mặt tinh thần, đó là sự yêu quý của công chúng Sài Gòn, và chúng tôi có thể gửi gắm những thông điệp mình yêu thương đến khán giả, cung cấp cho khán giả những món ăn giá trị để bồi bổ tâm hồn. Cái lãi đó không thể tính bằng tiền. Lòng yêu thương không thể tính bằng tiền. Xét ở khía cạnh này thì chúng tôi lãi lớn.
Vậy còn lần này, sân khấu đã “tính trước” như thế nào?
Đạo diễn, nghệ sĩ Ái Như: Thì cũng vậy thôi, nhưng không tính bằng thời gian nữa (cười). Dù bây giờ nghệ sĩ Thành Hội và Ái Như đều đã thêm 12 tuổi, sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần cũng đã khác đi, chúng tôi vẫn tính trước nếu thất bại thì sẽ chấp nhận. Trong sự chấp nhận đó, chúng tôi sẽ cố gắng nhiều nhất có thể. Nếu phải ngừng diễn, chúng tôi sẽ làm một điều gì đó để chào khán giả, vì khi đến có một lời chào, khi đi cũng có một lời chào cho tử tế.
Loạt 10 vở diễn tiêu biểu này cũng là một lời chào khán giả mà HTT và ekip đã cố gắng tổ chức để khép lại cho tử tế. Khép lại con đường này để mong chờ một con đường mới bằng tất cả nỗ lực và tinh thần hăng hái.
Chị từng tâm sự áp lực lớn nhất với sân khấu luôn là kịch bản. Vậy sau loạt 10 vở diễn này, mình đã chuẩn bị gì mới cho tương lai?
Đạo diễn, nghệ sĩ Ái Như: Đúng, áp lực lớn nhất luôn là 2 chữ viết tắt KB (kịch bản) đó. Nó ám ảnh vô cùng. Nên vở mới nhất sau loạt 10 vở diễn, chúng tôi sẽ không nói trước. Nếu có ai hỏi, em cũng trả lời vậy nhé! (cười) Sẽ chưa nói đâu. Nhưng có một điều chắc chắn là để chuẩn bị cho điều đó, nếu chưa hài lòng, chưa cảm thấy thích hay thấy đủ để hăng hái, để rung cảm, Hoàng Thái Thanh sẽ chưa bắt đầu.
Nghĩa là phải qua tiêu chuẩn khắt khe của chị và anh Thành Hội trước, đúng không ạ?
Đạo diễn, nghệ sĩ Ái Như: Đúng. Nếu nghĩ là khắt khe cũng được, nhưng trên 12 năm nay, khi HTT đã ra đến 53 vở, sân khấu đủ kinh nghiệm để biết khán giả của mình muốn gì. Và mình làm điều này là vị nhân sinh, nghĩa là nếu mình thích mà khán giả không thích thì cũng không được. Nhưng vị nhân sinh mà không có nghệ thuật đảm bảo đi cùng, thì HTT cũng không làm. Nên tác phẩm phải luôn hội đủ những điều đó.
Vậy còn bài toán về đời sống của các nghệ sĩ và những đội ngũ khác trong sân khấu?
Đạo diễn, nghệ sĩ Ái Như: Đã từ lâu, các nghệ sĩ đến với sân khấu là vì đam mê, yêu thương bộ môn kịch nói, chứ họ không thể sống chỉ có sân khấu. Ai cũng phải có những việc riêng khác để tự lực cánh sinh, nên khi sân khấu sáng đèn và có sự án, nghệ sĩ mới đến tham gia.
Còn với những nhân sự cố định của công ty thì HTT phải cố gắng làm sao để trong lúc hoạt động và cả khi không hoạt động, anh em luôn có mức thu nhập tương đối để yên tâm trong đời sống.
Nhìn lại chặng đường hơn 12 năm với 53 tác phẩm của Hoàng Thái Thanh, có khi nào chị thấy mình đã vắt sức quá nhiều?
Đạo diễn, nghệ sĩ Ái Như: Có chứ! Có nhiều lúc thấy rất mệt, rất kiệt sức, nhất là khi chưa tìm được kịch bản ưng ý, hoặc có khó khăn về nhân sự. Để sân khấu được sáng đèn, ngoài nghệ sĩ chúng tôi còn cần rất nhiều bộ phận khác. Từ kế hoạch biểu diễn, quảng bá, quản lý nhân sự cho đến kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, hậu trường, lễ tân, phòng vé… chỉ một bộ phận rung rinh là sẽ xộc xệch cả bộ máy.
Cái khó còn lại là sự tương tác. Có những vở mình làm hết sức và rất tự tin, khán giả đến xem cũng rất thích nhưng lại vắng khách và sớm phải khép lại. Điều đó cũng khiến mình áp lực, vì hàng đêm cứ phải bù lỗ mãi thì sân khấu không chịu nổi.
Nhưng chỉ cần tìm được một kịch bản ưng ý, chúng tôi lại thấy mình được nâng đỡ và nạp thêm năng lượng tích cực để vượt qua. Cứ thường xuyên như thế suốt 12 năm qua, chúng tôi đã vượt qua những cơn sóng thử thách để đưa các vở diễn đến khán giả.
Chị nói vậy nhưng từng ấy năm qua, khán giả thân quen vẫn luôn thấy đam mê sân khấu của nghệ sĩ Ái Như chưa bao giờ thôi cháy bỏng?
Đạo diễn, nghệ sĩ Ái Như: Vậy mà Ái Như nhiều khi tự trách mình giờ đã không còn được như xưa. Mình tự lý giải là do mình đã già, sức khỏe không còn như trước, hay con tim mình không còn nhiệt thành? Nghĩ hoài, đôi khi thấy mình có lỗi. Những lúc đó mình cứ tự nhắc: con đường này mình chọn thì đừng trách gì cả, cũng đừng đổ thừa mệt mỏi. Nếu thấy không thể mang nổi trên thân mình nữa thì sẽ dừng lại thôi. Nó nên là như vậy.
Cuộc sống luôn thay đổi, luôn có những điều mới mẻ hơn. Khi mình đã chọn dòng kịch này, chọn loại hình này trong nghệ thuật, mình phải dũng cảm đối mặt với những điều như vậy. Nhưng mong là phải còn rất lâu, rất lâu nữa, người ta mới nói cái câu: Hồi xưa ở đây có kịch.
Có lẽ vì chị phải lo toan nhiều để duy trì sân khấu, thay vì được toàn tâm toàn ý vào sáng tạo?
Đạo diễn, nghệ sĩ Ái Như: Đúng, nên mình hổng thích phải lo những thứ đó. Mình cũng không thích làm tác giả. Dù có cái tên tác giả Hoàng Thái Thanh đàng hoàng, nhưng nếu được, mình chỉ ao ước có một kịch bản thiệt hay, thiệt ưng ý để thỏa sức sáng tạo ở vai trò đạo diễn, diễn viên thôi.
Quản lý sân khấu mình cũng không thích, nhưng vì muốn làm tác phẩm theo ý mình thì phải chấp nhận lập công ty, phải vận hành sân khấu thôi. May mắn là mình có được những cộng sự yêu thương và sẵn sàng đi cùng mình.
Gần đây, đối tượng khán giả của HTT đã “trẻ hóa” rất nhiều. Điều này có cho chị thêm tự tin?
Đạo diễn, nghệ sĩ Ái Như: Đó là một niềm vui. Sự yêu thương của ngày càng nhiều khán giả trẻ cho mình thêm tự tin vì trước đây, kịch HTT từng bị chê là chỉ dành cho “người già”. Vì mình từng được nhiều khán giả trung niên và lớn tuổi ủng hộ. Thậm chí có những khán giả đến 95 tuổi như thầy Trần Văn Khê, và trước đó là mẹ chồng mình, 98 tuổi vẫn còn đi xem kịch HTT. Giờ thì cũng chính những vở kịch đó, khán giả trẻ đã đến xem và rất yêu thích.
Có nhiều bạn trẻ chưa từng nghĩ mình sẽ thích kịch. Cũng có bạn từng là học sinh được thầy cô cho đi xem kịch HTT và giờ khi thành giáo viên, bạn lại đưa học sinh của mình đi xem kịch. Chị có điều gì muốn chia sẻ cùng các khán giả trẻ như vậy, khi đến với kịch?
Đạo diễn, nghệ sĩ Ái Như: Kịch là tâm hồn. Mình xẻ tâm hồn đó ra, tâm hồn nhân vật, thân phận của nhân vật, mà những tâm hồn, thân phận đó chính là cuộc đời. Đó là từng cuộc đời chúng tôi mang lên sân khấu và gửi lại các bạn. HTT muốn trao gửi các bạn với đầy những niềm tin, rằng cuộc sống vẫn còn rất nhiều những điều tốt đẹp có thể “sưởi ấm tâm hồn” chúng ta.
Thời gian này nếu khán giả để ý, gần giờ diễn sân khấu có mở bài “Nếu có yêu tôi”, và lúc giải lao có bài “Lời gọi chân mây”. Nếu lắng nghe, khán giả sẽ hiểu HTT muốn gửi gắm những điều gì trong đó.
Còn tất cả những ca khúc khác nữa, là những kỷ niệm mà HHT muốn nhắc nhớ khán giả về những tác phẩm của mình. Mong rằng đây không phải là những kỷ niệm không bao giờ quay lại.
NSƯT Hồng Ánh: Sân khấu Hoàng Thái Thanh là nhà, là trường học, là chốn đi về
Trong loạt tái diễn 10 vở kịch tiêu biểu của sân khấu HTT, chị Hồng Ánh góp mặt đến 7 vở. Chị cảm nhận thế nào khi đang cùng sân khấu đi qua một chặng đường đặc biệt như vậy?
NSƯT Hồng Ánh: Ánh cảm giác như chia tay người tình vậy. Y chang câu “Từng người tình rời ta đi như những dòng sông nhỏ…” “Rời đi” chứ không bỏ, dù mình chưa biết khi nào mới có dịp gặp lại…
Vì lâu nay mình đã quen cảm giác chờ màn sân khấu mở ra. Dù sau dịch nhiều lúc vắng khán giả, nhưng nghệ sĩ mà, được lên sân khấu giống như mình được sống, có cơ hội để rèn nghề. Như thợ may phải có hàng may thường xuyên thì tay nghề mới thành thục, nghệ sĩ cũng vậy, có giỏi cỡ nào mà chỉ học chứ không thực hành và không diễn nhiều trước khán giả, mình rất sợ “lụt nghề”.
Với Hồng Ánh, sân khấu Hoàng Thái Thanh vừa là nhà, vừa là trường học, cũng là nơi chốn đi về để mình được thưởng thức các tác phẩm dưới tư cách một khán giả rất yêu thích, đặc biệt là những vở chuyển thể từ các tác phẩm văn học.
12 năm gắn bó với Hoàng Thái Thanh, đó là cả một khoảng đời thanh xuân rất đẹp. Mình cảm ơn tất cả anh chị em của sân khấu đã cho Hồng Ánh được là một phần trong đại gia đình yêu thương này.
Vậy còn với hành trình mới của sân khấu, chị Hồng Ánh suy nghĩ và mong đợi gì?
Mình vừa tiếc vừa mong chờ, vì mình hiểu cái gì đến dễ dàng thì người ta thường không trân quý. Ánh nghĩ việc sân khấu quyết định giãn lịch và diễn theo mùa là hợp lý để những ai thực sự yêu thương, họ sẽ xem việc đi thưởng thức nghệ thuật là một nhu cầu quan trọng và cần thiết trong đời sống. Ví dụ: nếu mình ý thức giữ gìn sức khỏe là quan trọng, mình sẽ ưu tiên tập thể dục là một phần trong lịch sống và làm việc của mình chứ không đặt nó nhẹ hơn các việc khác…
Trong 10 vở diễn tiêu biểu của HTT, Ánh may mắn có 7 vở. Đó là một gia tài. Sau chặng đường này, Ánh chưa biết mình sẽ được hóa thân thành những nhân vật nào? Mình có tạo được dấu ấn hay được khán giả yêu thương nhiều vậy nữa không? Tất cả đều là mong đợi.
Phải chia tay những Hạnh, Út Lý, The, Hương, Lựu… Ánh buồn lắm chứ! Vì mình không biết tương lai có sân khấu nào tái dựng những vở này nữa không? Nhưng bên cạnh nỗi buồn là niềm hy vọng: khi khép một chương cũ để mở ra một chương mới, sân khấu sẽ tiếp tục có nhiều vở mới thật hay, và mình cũng được thêm vào gia tài của mình những nhân vật mới thật đáng nhớ.
Huỳnh Công Hiển: Hy vọng các bạn trẻ hãy thử đi xem kịch một lần
Là con trai của đạo diễn, nghệ sĩ Ái Như, những năm gần đây, Huỳnh Công Hiển đã trở thành gương mặt quen thuộc khi đảm trách nhiều vai trò, hiện tại là quản lý truyền thông và chiến lược cho sân khấu Hoàng Thái Thanh. Với góc nhìn của một người trẻ có chuyên môn về sự kiện và quảng cáo, Công Hiển mang đến những góc nhìn riêng cho hướng đi mới của HTT.
Hiển cảm nhận thế nào trước những phản hồi của khán giả cho đợt tái diễn 10 vở này?
Công Hiển: Mình vừa mừng vừa lo. Mừng khi thấy khán giả đổ xô đi mua vé, vì chương trình tái diễn này cũng là một cách mình thử nghiệm xem phản ứng khán giả thế nào? Còn lo là sau đợt tái diễn này, mình sẽ làm gì tiếp theo? Vở mới có được đón nhận thế này không, hay sẽ lại lắng xuống? Nhưng hiện tại, mình cứ tận hưởng trước đã.
Từ hôm họp báo “Bay trên cánh mỏng” đến giờ, sân khấu chắc tất bật lắm?
Công Hiển: Có thể nói là quần quật, vì có những vở lâu rồi mới diễn lại, như “Hãy khóc đi em” đã 2 năm, còn vở “Sông dài” là 5 năm rồi. Có vở phải thay vai, vừa tập vừa diễn, vòng xoay cứ liên tục như thế… Bù lại đến cuối tuần, thấy khán giả đến đông và khán phòng đầy ắp thì mọi mệt mỏi cũng tan biến. Mình vui vì kịch vẫn còn sống được.
Có khán giả nửa đêm còn nhắn tin cho fanpage để xin bằng được một vé đi coi, ngồi đâu cũng được… mà chẳng còn chỗ nào. Những điều đó khiến mình man mác bùi ngùi vì sắp tạm xa, nhưng cũng cho mình động lực để tìm hướng đi mới cho sân khấu.
Từ đâu mà Hiển và ban điều hành quyết định thay đổi hướng đi của sân khấu HTT như vậy?
Công Hiển: Kế hoạch này đã nhen nhóm từ rất lâu, từ 2016. Vì là một kế hoạch lớn mang tính cải tổ hoàn toàn, không chỉ thay đổi thói quen xem kịch theo mùa cho khán giả mà còn ảnh hưởng đến việc vận hành toàn bộ sân khấu, nên cần thời gian nghiên cứu kỹ.
Ban điều hành đã bàn thảo và tranh luận rất nhiều. Nếu làm thì được gì, mất gì? Phải thử mới biết. Khi theo dõi số liệu và qua những lần tái diễn ngắn hạn hay dịp kỷ niệm 10 năm, mình thấy khán giả có phản ứng tốt với những suất diễn có hạn định. Người ta tranh thủ đi xem, có những suất không còn chỗ ngồi. Vậy là khán giả không hề quay lưng với nghệ thuật. Họ luôn ở đó, chỉ là thiếu sự thúc đẩy để mua vé sớm. Họ cần một cú rồ máy để sang số, lên dốc, thay vì cứ mãi trì hoãn.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã diễn theo mùa từ lâu. Vì sao khán giả quốc tế sẵn sàng mua vé trước cả năm chỉ để được xem Hugh Jackman diễn kịch ở Broadway? Vì họ biết chưa chắc còn cơ hội xem Hugh Jackman diễn ở đó thêm lần nữa. Họ đặt vé sớm và mong chờ.
Trở lại Việt Nam, vì sao Idecaf có thể diễn một vở liên tục hàng tuần? Vì họ có cách vận hành khác, diễn viên có thể tung tẩy, biến hóa hàng đêm để vở diễn luôn tươi mới. Hay các bạn ở Thế Giới Trẻ có thể ngẫu hứng biến một cảnh ngắn thành một lớp diễn đầy sự kiện và tiếng cười. Khán giả xem đi xem lại vẫn thấy thú vị, mới mẻ.
Còn Hoàng Thái Thanh không thể làm thế. Kịch của HTT đã quen chỉn chu từng chút một. Hành động, lời thoại này sẽ dẫn đến hành động và lời thoại tiếp theo. Có thể ví kịch của HTT như một quyển sách văn học đã in bìa đóng gáy thành khuôn, chỉ mua về đọc chứ không thể viết thêm gì khác. Vậy, làm sao thay đổi đây? Mình chọn cách đổi lịch diễn để khuyến khích khán giả mua vé sớm.
Hiển có hồi hộp với hướng đi mới này?
Công Hiển: Hiển lo nhiều chứ, vì đó là con đường mình vừa đi vừa dò, hồi hộp như game dò mìn vậy, phải cố gắng bình tĩnh. Bước qua được một trái mìn rồi, phải dè chừng trái tiếp theo. Dù hiện tại các suất diễn đều hết vé, nhưng đó chưa chắc đã là thành công. Mình phải luôn sẵn sàng cho những tình huống xấu, và sẵn sàng thay đổi.
Trước đây, Hiển có từng định hướng sẽ về làm việc cùng sân khấu với mẹ?
Công Hiển: Trước đây, Hiển vẫn nghĩ cả đời mình sẽ làm quảng cáo. Hiển học Truyền thông, trước từng làm sự kiện. Với mình, mỗi vở diễn cũng giống một sự kiện kéo dài, cũng có những lớp lang đầu cuối… Khi làm sự kiện và quảng cáo không còn nhiều thú vị như trước, mình tự hỏi, sao không quay về những thứ ban đầu của mình? Phải thay đổi từ gốc chứ? Vậy là về với sân khấu.
Gọi là từ gốc vì từ khi mang bầu Hiển, mẹ đã dựng tuồng. Đẻ Hiển xong thì mẹ dựng vở mới. Vở đầu tiên trong đời Hiển xem cũng là của mẹ. Hoàng Thái Thanh hoạt động hơn 12 năm, còn Hiển đã gắn bó sân khấu từ trong bụng mẹ. Lớn lên, khi mẹ và chú Thành Hội dạy diễn viên các khóa, các anh chị học gì mình đều ngồi nghe hết. Nghe riết, nó thấm dần rồi có trong mình luôn. Bây giờ, mình lôi nó ra xài và kết hợp với những chuyên môn mình đã học. Mình còn trẻ, cách tiếp nhận sẽ hơi khác thế hệ trước. Mình tìm cách dung hòa giữa mới và cũ để tiếp tục phát triển.
Với nghệ sĩ, được thăng hoa trên sân khấu là hạnh phúc nhất. Còn với Hiển, điều gì neo giữ Hiển gắn bó với công việc của mình?
Công Hiển: Nhiều người nghĩ phải thăng hoa trên sân khấu mới đã, nhưng đứng hậu trường làm kịch cũng đã lắm đó! Có những sự thăng hoa đến từ cánh gà.
Với mỗi dự án, chúng tôi đều mang thai rồi ốm nghén với nó rất lâu trước khi thành hình. Nếu diễn viên trắng đêm một tháng với vở diễn, thì những người sản xuất đã trắng đêm nhiều tháng trước đó. Có những vở tới tận ngày diễn, mình vẫn nơm nớp sợ thất bại, vậy mà nó “ăn”, được khán giả phản hồi rất tốt. Lúc đó, nước mắt mình trào ra liền, vì thấy công sức của mọi người đã được đền đáp. Giống như trồng một cái cây mà nó nở hoa thiệt đẹp vậy.
Ở góc độ của một người trẻ kế thừa và đang “dò mìn” cho hướng đi mới, Hiển có điều gì muốn nhắn nhủ cho các khán giả của mình?
Công Hiển: Hiển muốn nhắn nhủ một từ thôi: “thử đi”. Có rất nhiều bạn trẻ biết về kịch nhưng không nghĩ sẽ đi coi. Tại sao không thử?
Một vé xem kịch 220 ngàn. Một bữa bạn đi ăn ngon 150 ngàn, uống thêm ly trà sữa là đã 200. Vậy ráng thêm 20 ngàn nữa để nhận lại một trải nghiệm mà bạn có thể sẽ nhớ cả đời, tại sao không? Thay vì xem qua màn ảnh, bạn sẽ được xem những con người thực mang cả cuộc đời lên sân khấu. Vậy, hãy thử một lần nhé.
Vậy là sau thời gian 2 tháng tái diễn 10 vở tiêu biểu bao gồm 29 anh về, Bông hồng cài áo, Nửa đời hương phấn, Bàn tay của trời, Hãy khóc đi em, Con ma nhà họ Hứa, Tình yêu trời đánh, Sông dài, Bạch Hải Đường, Nửa đời ngơ ngác, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh chính thức chuyển sang hình thức biểu diễn mới. Hãy cùng dõi theo cánh chuồn chuồn cảm xúc và đón chờ những vở kịch đáng móng đợi sắp tới của Hoàng Thái Thanh tại: Website Hoàng Thái Thanh hoặc Facebook Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.
Thụy Du | RGB
Để lại đánh giá