Để làm cho các tương tác xã hội bớt căng thẳng đối với những cư dân mắc chứng rối loạn lo âu và ngại giao tiếp, chính quyền Thành phố Kobe vừa thông báo họ sẽ cho người dân mượn robot để thay mình giao tiếp xã hội bắt đầu từ tháng 12 năm nay, trở thành chính quyền thành phố đầu tiên ở Nhật Bản sử dụng robot để làm việc này.
Vốn được thiết kế bởi Ory Laboratory dành cho người khuyết tật hoặc bệnh nhân trong bệnh viện, robot có tên ‘OriHime’ với chiều cao 23cm giờ đây sẽ thay mặt cho những người có lối sống ẩn dật giao tiếp với những người khác. Các robot này có thể được điều khiển để di chuyển ra ngoài thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, trong khi người dùng có thể ở trong nhà.
Nhật Bản đã và đang phải vật lộn với sự trỗi dậy của những ‘hikikomori’ – những người có thái độ sống xa rời xã hội cực độ – kể từ những năm 1990. Chính phủ nước này cũng đã theo dõi các nhóm này chặt chẽ hơn, cân nhắc đến các vấn đề về căng thẳng tâm lý do đại dịch COVID-19 để lại. Để giải quyết số lượng người tự tử gia tăng và các vấn đề sức khỏe tâm thần, Nhật Bản cũng đã bổ nhiệm ‘Bộ trưởng Bộ Cô đơn’ đầu tiên của mình vào tháng Hai năm nay.
Các cư dân hikikomori của thành phố sẽ được thuê robot miễn phí. Trong quá trình triển khai, chính phủ sẽ vạch ra một thời gian biểu để đơn giản hóa quy trình mượn robot.
Emiko Sakai, giám đốc trung tâm hỗ trợ hikikomori của thành phố, cho biết robot OriHime được thiết kế với kích thước nhỏ để cho nó có thể được mang đi dễ dàng hơn, giúp người dùng dễ dàng nâng và đặt nó trên bàn để ngang tầm mắt của người đối diện mà người dùng phải nói chuyện.
Thay vì dùng giọng nói thực của người dùng, robot sẽ đọc văn bản được người dùng nhập vào trong ứng dụng đi kèm. Nó cũng có thể di chuyển cánh tay của mình khi giao tiếp để làm cho các cuộc trò chuyện bớt gò bó hơn. “Chúng tôi hy vọng điều này sẽ giúp các hikikomori cảm thấy họ không đơn độc”, Sakai nói.
Theo: Vice
Ảnh: Ory Laboratory
Để lại đánh giá