Lời ca tình yêu lấp lánh của Klimt khuấy đảo cộng đồng yêu nghệ thuật trong giai đoạn chuyển giao thế kỷ. Đây là 3 điều mà có thể bạn chưa biết về bức tranh Nụ Hôn (The Kiss).
Klimt đã vẽ kiệt tác của mình sau khi trải qua một thời kỳ khủng hoảng trong sự nghiệp.
Trong một không gian rực sắc vàng lấp lánh, đôi tình nhân, một nam một nữ, ôm hôn nhau trên một cánh đồng hoa đang rực nở dưới đôi chân trần của người phụ nữ đang quỳ. Người đàn ông cúi xuống hôn người mình yêu, mặt anh quay đi nên chúng ta chỉ nhìn thấy mái tóc đen cùng chiếc vương miện bằng vòng nguyệt quế. Người phụ nữ, với một vầng tóc đỏ bao trọn khuôn trang, dường như gục ngã vào sự âu yếm của người tình: đôi mắt nàng nhắm nghiền, một tay mềm rũ quàng qua cổ anh, tay kia vươn lên đặt lên đầu người đàn ông một cách yếu ớt.
Bức Nụ Hôn (The Kiss, 1907–08) (hay The Lovers do chính ông đặt) được coi là kiệt tác để đời của Gustav Klimt, là đỉnh cao của cái gọi là “Giai đoạn vàng” của danh họa, khi ông dùng lá vàng trang trí trong các bức tranh sơn dầu của mình. (Chạm bạc và bạch kim cũng tô điểm cho bức tranh sơn dầu.)
• • •
Như những đặc điểm thường thấy trong các tác phẩm khác, cách phối cảnh phẳng và màu vàng của Klimt phần nào được lấy cảm hứng từ các bức bích họa Byzantine mà ông nhìn thấy trong hai chuyến đi đến Ravenna, Ý, vào năm 1903. Nền hội họa Nhật Bản cũng có ảnh hưởng nhất định đến phong cách nghệ thuật của ông.
Bức Nụ Hôn chính là một trong những tác phẩm nghệ thuật được tái tạo nhiều nhất trong thời đại của chúng ta, nó được in trên trên cốc cà phê, áp phích trong ký túc xá đại học — và thậm chí, trong những thời điểm kỳ lạ này, trên cả khẩu trang. Bức tranh có mặt ở khắp mọi nơi, nên rất khó để có thể thực sự cảm nhận và hiểu trọn được nó.
Bức tranh hiện trưng bày trong Bảo tàng Upper Belvedere ở Vienna, được đóng khung với kích thước thực là 72 inch vuông. Các bản sao chép của tác phẩm thường cắt bức tranh thành hình chữ nhật, khiến cõi thiên đàng mà cặp đôi đang đắm chìm theo tưởng tượng của Klimt bị khuyết thiếu đôi phần.
Và đó mới chỉ là sự khởi đầu — hình ảnh có vẻ thanh bình ấy vậy mà lại chứa đầy bất ngờ. Ta cùng tìm hiểu ở đây ba sự thật nổi bật đầy hấp dẫn có thể thay đổi cách bạn nhìn nhận về tác phẩm kinh điển này.
• • •
Nụ hôn được vẽ sau một vụ bê bối
“Tất cả nghệ thuật đều gợi tình,” Klimt từng cảm thán. Cũng chính triết lý đó đôi khi khiến người nghệ sĩ chìm trong tình huống nước sôi lửa bỏng. Klimt, người nổi tiếng với tính cách đa tình của mình (người ta tin rằng ông có đến khoảng 14 người con), nổi lên như một cá nhân độc đáo trong thời kỳ hiện đại hóa mạnh mẽ ở Vienna. Vào buổi bình minh của thế kỷ 20, các truyền thống Công giáo lâu đời đã bị áp đảo bởi các triết lý cấp tiến và lĩnh vực tâm lý học mới nổi, bao gồm các tác phẩm của Sigmund Freud.
Trong khi đó, các Nghệ sĩ Ly khai thành Vienna như Klimt (và những người ngưỡng mộ của ông là Egon Schiele và Oskar Kokoschka) đã tìm cách kết hợp những tầm nhìn về sự thiêng liêng và tục tĩu, từ bỏ những quy tắc của phong cách hàn lâm và nắm lấy các chủ đề về ham muốn, tình dục và tâm lý, trong khi tự do kết hợp các yếu tố của thiết kế.
Nhưng ngài Klimt nổi loạn đã có chút quá khích vào thời điểm khi ông bắt tay vào vẽ Nụ Hôn. Chẳng bao lâu trước khi vẽ nên kiệt tác của mình, ông đã được giao nhiệm vụ vẽ ba tấm tranh tường trần nhà của Đại học Vienna. Dĩ nhiên, với phong cách điển hình của Klimt, ông thực hiện những bức tranh phụ nữ khỏa thân như những phép ẩn dụ cho triết học, y học và luật học. Những bức tranh này (sau đó đã bị quân S.S của Phát Xít Đức phá hủy trong Thế chiến thứ Hai) đã gây tai tiếng trong mắt công chúng vì sự miêu tả trắng trợn đầy lộ liễu của chúng về lông mu. Những bức tranh này bị phân loại là tác phẩm khiêu dâm và đã suýt bị loại bỏ. Rất may rằng Klimt đã kịp thời kêu gọi một nhà tài trợ giàu có giúp ông giữ lại những bức tranh này.
Trong những tháng sau đó, Klimt nghi ngờ về sự thôi thúc của nghệ thuật trong mình. “Hoặc là tôi quá già, hoặc quá căng thẳng, hoặc quá ngu ngốc – chắc chắn có điều gì đó không ổn,” ông đã viết. Một số người tin rằng sự tiết chế trong hành động, cùng cơ thể được bao bọc hoàn toàn như đang nằm gọn trong chiếc áo choàng lộng lẫy của các nhân vật trong bức Nụ Hôn là do bị ảnh hưởng bởi những ồn ào do các bức tranh kia gây ra.
May mắn thay, vụ náo động không làm giảm đi danh tiếng của bức Nụ Hôn; Bức tranh đã được mua bởi thành phố Vienna trước cả khi Klimt kịp hoàn thành, với mức giá gây choáng váng lúc bấy giờ: 25.000 Crowns (tương đương ~$240,000 ngày nay, tức 5,5 tỷ VNĐ)
• • •
Các chi tiết nhỏ khiến bức tranh mang đầy điều tiếng
Mặc dù kiệt tác này của Klimt không có “sự biến thái quá mức” như các bức tranh ở Đại học Vienna, nhưng Nụ Hôn vẫn khiến một số người phải nhướng mày. Thứ nhất, Klimt hiếm khi miêu tả hình tượng nam giới, khiến Nụ Hôn trở thành một ngoại lệ thú vị. Một tác phẩm khác là chuỗi bốn bức bích họa Beethoven Frieze năm 1901 của ông (tại Tòa nhà Ly khai thanh Vienna) cũng đã khắc hoạ những hình ảnh nam và nữ quấn lấy nhau.
Bộ bốn bức tranh đó đã cung cấp cho ta những thông tin hữu ích để giải thích về Nụ hôn. Tập trung vào cuộc đấu tranh giành hạnh phúc của con người, tác phẩm Beethoven Frieze bao gồm những thông điệp về quái vật và thơ ca, và đỉnh điểm là bức tranh có các nhân vật ôm hôn nhau. Danh mục cho cuộc triển lãm lần thứ 14 của Toà nhà Ly Khai Vienna đã mô tả bức tranh là khắc hoạ của dàn hợp xướng đỉnh cao trong bản giao hưởng của Beethoven, rằng: “Dàn hợp xướng của các thiên thần đến từ Thiên đường. Niềm vui, tia sáng đáng yêu của ngọn lửa thiên đường, vòng tay này dành cho toàn thế giới. ”
Theo cách lý giải đó thì cái ôm của người nam và người nữ trong Nụ hôn là một dạng siêu việt của cõi trần gian. Quan điểm này được dấy lên từ sự thật rằng Klimt đã sử dụng các lá vàng, thứ vốn được coi là dành riêng cho các đối tượng tôn giáo như các vị thánh trong nghệ thuật Byzantine mà Klimt đã được truyền cảm hứng. Điều này khiến một số người nghĩ rằng bức Nụ Hôn của Klimt là mạo phạm. (Cha của Klimt từng là một thợ khắc và thợ kim hoàn, vì vậy vật liệu này càng có ý nghĩa sâu sắc hơn với ông.)
Mặc dù các nhân vật dường như đang tan biến bên dưới lớp áo choàng, nhưng chính bản thân trang phục cũng ẩn chứa một thông điệp. Nhà sử học nghệ thuật Patrick Bade đã lập luận rằng, các hình ảnh trang trí của Klimt có thể được hiểu là các biểu tượng của dương vật và âm đạo: các hoa văn hình chữ nhật thẳng đứng trên áo choàng là đại diện cho nam giới và các hoa văn hình bầu dục trên váy là đại diện cho nữ giới. (Những gì đang diễn ra bên dưới những chiếc áo choàng này hoàn toàn có thể là một câu chuyện khác.)
Nói thêm về những diễn giải này, ngoài các ảnh hưởng của phân tâm học và ẩn ý về khát vọng tình dục, thì vào thời ấy , các nhà khoa học đã có những nghiên cứu sâu về khả năng sinh sản. Khoảng những năm 1900, nhà khoa học Mỹ Miriam Menkin đã đi tiên phong trong nghiên cứu về thụ tinh trong ống nghiệm.
• • •
Ý nghĩa ẩn dụ
Vào đầu thế kỷ 20, các xu hướng nghệ thuật thường được lấy cảm hứng từ các nền văn minh cổ xưa. Như nhà sử học nghệ thuật M.E. Warlick đã cho rằng, Klimt có thể đã bị ảnh hưởng bởi Heinrich Schliemann, nhà khảo cổ học được mệnh danh là “đã có công khai quật và truyền bá rộng rãi nền văn minh Hy Lạp cổ đại với công chúng”.
Bà Warlick nói thêm: “Các đồ tạo tác từ các nền văn minh cổ xưa lúc đó đang được sưu tầm trong các bảo tàng của Đức và Áo”.
Mặc dù niềm đam mê của Klimt với Hy Lạp và Ai Cập cổ đại có thể được thể hiện rõ nét hơn trong các tác phẩm như Nữ Thần Athena (Pallas Athenae) và Cây Đời (Tree of Life),… nhưng một số nhà sử học đã cho rằng bức Nụ hôn có thể chính là cái nhìn của Klimt về điển tích Orpheus và Eurydice trong thần thoại Hy Lạp.
Nội dung thần thoại này là kể về chàng Orpheus đã du hành đến địa ngục để giải cứu người vợ đã mất của mình, nàng Eurydice. Hades, bị quyến rũ bởi đàn lia của Orpheus, đã đồng ý thả nàng ra, nhưng chỉ với điều kiện Orpheus không quay lại nhìn nàng trước khi họ thoát ra khỏi địa ngục. Nhưng khi sắp tới trần thế, Orpheus không cưỡng lại được sự lo lắng nên đã quay đầu lại để liếc trộm người vợ yêu. Thế là nàng Eurydice đã biến mất mãi mãi.
Câu chuyện này chắc chắn đã rất nổi tiếng trong giới nghệ sĩ cùng thời. Họa sĩ Oskar Kokoschka đã viết một vở kịch dựa trên thần thoại này một thập kỷ sau khi Klimt vẽ Nụ Hôn, và các họa sĩ theo trường phái Tượng trưng như Maurice Denis cũng đã lấy câu chuyện để làm chủ đề chắp cọ. Nếu đúng như vậy thì người phụ nữ trong tranh không phải đang ngất ngây trong vòng tay người yêu dấu, mà hẳn đang tan biến vào hư vô.
Bài viết gốc Klimt’s Glittering Ode to Love Scandalized Turn-of-the-Century Audiences
Bởi Katie White, tại Artnet, 03.03.2021
Lược dịch bởi Artplas
Bản dịch thuộc bản quyền của Artplas & RGB, vui lòng liên hệ khi có ý định đăng tải lại
Để lại đánh giá