Năm 1898, Công ty cao su và lốp xe Goodyear được thành lập tại Akron, Ohio và đặt tên theo nhà phát minh cao su lưu hóa Charles Goodyear (1800 – 1860).
Người có công làm biểu tượng Wingfoot (Bàn chân có cánh) nổi tiếng trên khắp thế giới đó chính là Frank Seiberling – nhà sáng lập và chủ tịch trong nhiều năm của Công ty Goodyear.
Trong ngôi nhà cũ của Seiberling tại Akron, Ohio có một bức tượng Mercury – một vị thần của người La Mã (được người Hy Lạp biết đến là Hermes).
Bức tượng đã thu hút sự chú ý của Seiberling, và ngay sau đó ông cảm nhận bức tượng vị thần này miêu tả nhiều đặc tính sản phẩm của Goodyear mang đến cho người dùng.
Vào tháng 08 năm 1900, một cuộc họp bàn về ý tưởng thương hiệu đã được tổ chức tại nhà của Seiberling. Theo đề nghị của Seiberling, giữa rất nhiều bản phác thảo được chuẩn bị cho buổi họp thì biểu tượng bàn chân có cánh của thần Mercury đã được lựa chọn.
Không có gì ngạc nhiên khi mọi người đều tán đồng ý kiến của nhà sáng lập và Wingfoot đã trở thành biểu tượng thương hiệu của Goodyear từ đó, với hiệu ứng đồ họa được đặt giữa chữ “Goodyear”. Biểu tượng Wingfoot ban đầu to hơn so với chúng ta thấy ngày nay.
Mercury trong thời cổ đại được biết đến như vị thần của thương mại và buôn bán. Tuy nhiên, đối với Goodyear, biểu tượng bàn chân có cánh của thần Mercury chính là người mang đến những tin tốt lành.
Một trong những biểu tượng quảng cáo nổi tiếng nhất thế giới chính là Goodyear Blimp (Khinh khí cầu Goodyear) – được xây dựng đầu tiên vào năm 1912. Quân đội đã sử dụng chúng để quan sát và trinh thám trong suốt Thế chiến thứ I và II. Sau Thế chiến thứ II, Goodyear đã mua lại 5 khinh khí cầu từ lực lượng vũ trang, sơn lại chúng và bắt đầu sử dụng chúng với mục đích quảng bá. Tuy nhiên, các vị giám đốc điều hành không nhìn thấy giá trị trong việc sử dụng các khinh khí cầu này, do đó, họ đã quyết định hạ vĩnh viễn các khinh khí cầu này để tiết kiệm chi phí điều hành và bảo trì.
Tác giả: David Airey | Theo logodesignlove
Biên dịch: CiCi Giang | RGB.vn
Để lại đánh giá