Hoàng Minh Thu, còn được biết đến với tên Ziêm – một giáo viên dạy vẽ cho người lớn tại Trung tâm Mỹ thuật Bụi ở Hà Nội. Ngoài công việc giảng dạy, cô ấy cũng là một sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa. Đam mê nghệ thuật của Ziêm bắt đầu từ việc vẽ tranh trước khi cô ấy tiếp tục khám phá lĩnh vực thiết kế đồ họa.
Mặc dù ba cô không phải là một họa sĩ, nhưng ông đã có vai trò quan trọng trong việc hình thành hành trình nghệ thuật của Ziêm. Ông từng là một giáo viên mầm non và theo đuổi bằng cấp về Mỹ thuật để dạy cho các em nhỏ. Ziêm tin rằng niềm đam mê của mình đối với nghệ thuật và công việc giảng dạy là do sự di truyền của bộ gen nghệ sĩ từ cha mình.
Trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, sự tò mò và khả năng quan sát sắc bén của Ziêm đã đóng vai trò quan trọng. Từ nhỏ, cô luôn thích quan sát các vật thể trong cuộc sống hàng ngày và đặt câu hỏi về mục đích của chúng.
Khi còn nhỏ, cô thắc mắc: “Tại sao biển báo giao thông chỉ sử dụng các màu xanh, đỏ và vàng mà không có màu hồng hay cam?” Khi lớn lên, những câu hỏi của cô trở nên phức tạp hơn, như: “Nếu tôi đặt một biển báo ở vị trí A, liệu nó có dễ nhận biết hơn cho người lái xe trong vài giây ngắn ngủi không?”. Câu hỏi của Ziêm thường xoay quanh các chủ đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là vận hành của hệ thống đường bộ và các công trình kiến trúc.
“Mình tin rằng sự quan tâm đặc biệt đến những chủ đề như vậy của mình cũng xuất phát từ việc ba thường nhắc nhở mình về việc lái xe cẩn thận và chia sẻ những câu chuyện về những vụ tai nạn đáng tiếc.” Vì được cha mẹ cho phép đi xa một mình từ khi còn nhỏ, Ziêm cũng rất quan tâm đến những vấn đề đó. Dần dần, thiết kế trở thành một phần không thể thiếu trong nhận thức của cô, phát sinh từ thói quen quan sát đó.” Ziêm chia sẻ.
Bạn hãy kể về dự án mà bạn học hỏi nhiều nhất trong quá trình làm việc?
http://www.ziemthene.me/ – Đây là một trong những dự án mà mình được may mắn chỉ dẫn bởi một người bạn đồng hành rất tâm huyết với những con chữ, và một người thầy mình rất kính mến, trong khóa học thêm về thiết kế vào mùa hè năm 2021.
Dự án là sự thực hành sắp xếp bố cục (type-setting) cho một bài luận theo quan điểm của chính bài luận đó về Typography. Mình chưa bao giờ được tiếp xúc với bất kỳ phạm trù nào của Typography, và điều khiến dự án này đặc biệt đó là mình có cơ hội được sử dụng kiến thức của mình về hội họa cho một thiết kế mang tính đồ họa hơn, hướng về độc giả – những người tiếp xúc với các con chữ.
Một cách ngắn gọn mà nói, type-setting đối với mình giống như sắp đặt nội thất gọn gàng trong nhà: có nơi dùng để vui chơi, có nơi dùng để ngủ nghỉ, từng phòng có những phân khu mang chức năng riêng biệt, đồ đạc được xếp theo chủng loại,… Cách chúng ta đọc để hiểu nội dung cũng giống như cách chúng ta làm quen với ngôi nhà để sinh sống thuận tiện. Type-setting cũng sẽ xếp chung những đoạn văn cùng trường nội dung, sẽ làm rõ chức năng của các loại câu để chúng ta biết mình đang ở đâu, sẽ lựa chọn những điểm mốc hợp lý để mắt chúng ta được nghỉ ngơi thư giãn,…
Trước khi sáng tạo, mình nghĩ kỹ năng quan sát khá quan trọng, như bạn đã chia sẻ về “Quan sát cách vận hành của mọi thứ xung quanh để thiết kế”. Mình mong bạn có thể chia sẻ với mình về điều này không?
Để minh họa một cách trực quan hơn mình sẽ sử dụng dự án được nhắc tới phía trên.
Nhà mình ngày xưa chỉ là căn nhà một tầng, không có cầu thang, mà cái gì mình không có thì mình lấy nó làm quý lắm. Vậy nên khi tới chơi nhà của hàng xóm, họ hàng, mình chỉ thích quẩn quanh chiếc cầu thang. Trên dải cầu thang có một bộ phận được gọi là “chiếu nghỉ”. Bạn tưởng tượng nếu bạn phải leo nhiều bậc thì chân sẽ mỏi, bởi vậy nên chiếc chiếu nghỉ sẽ được đặt ở giữa tầng để bạn được “tạm” đi bộ trên một mặt phẳng, thay vì phải leo liên tục từ mặt phẳng dưới lên mặt phẳng trên.
Việc đọc một bài viết cũng vậy, nếu mắt của bạn liên tục nhìn vào các con chữ, nhảy từ đoạn này xuống đoạn khác mà không có một quãng nghỉ – quãng nghỉ có thể được biểu hiện bằng hình ảnh, hoặc một khoảng trống – thì mắt sẽ rất mỏi, và não bộ cũng không thể vận động hiệu quả. Trong quá trình làm dự án type-setting, mình có vô tình nhớ lại và chỉ được sự liên quan của chiếc cầu thang để “hợp lý hóa” cho việc mình đặt ra một khoảng trống giữa bài luận đó – vừa là đoạn ngắt giữa hai nội dung lớn, vừa là một quãng nghỉ ngơi cho mắt.
Cho dù chủ đề nào, mình nghĩ “công tác quan sát” cần được chú trọng và học hỏi nhiều hơn.
Chuỗi workshop thiết kế và sáng tạo được dẫn dắt bởi Ziêm (Phần 2)
Một tiến trình mà bạn áp dụng việc “quan sát dựa trên cách vận hành” của nó. Bạn học hỏi được những gì để áp dụng cho công việc của bạn?
Mình sẽ minh họa cách thức này bằng một dự án nhỏ – The Pansy. The Pansy là một dự án thực hành nghệ thuật được phát triển từ một bài tập trên trường – thiết kế tem thư. Giống như các trường phái nghệ thuật khác ngoài tả thực, mình cũng muốn tìm ra một cách thể hiện khác cho hình dáng loài bướm.
Tiến trình mình dùng bao gồm: Lập ra một nhóm các tài nguyên có sẵn chia làm hai loại: tài nguyên trực tiếp liên quan tới đề bài, và tài nguyên bản thân thu thập được về mọi thứ (vốn sống, học thuật). Sau đó liệt kê ra sự liên kết của vật thể chính (con bướm) với những tài nguyên mình có. Dưới đây là bản giản lược mô tả sự quan sát của mình về đối tượng:
Quan sát trong quan điểm của cá nhân mình thực chất là một hành động có 2 thao tác: nhìn và phân tích. Trong “nhìn” và “phân tích” sẽ tiếp tục chia nhỏ thành nhiều thao tác như: ghi nhớ đặc trưng, so sánh vật này với vật khác, phân loại chúng thành các nhóm, phát hiện mối liên kết ở phạm vi gần và xa giữa các chủ thể.
Những thao tác mình kể trên thực chất được lấy ra từ chính những kỹ năng mình học được khi viết văn thời phổ thông. Đối với mình thì văn học là một bộ môn nặng về tư duy hơn là diễn đạt, nên mình rất biết ơn vì được tiếp tục sử dụng những kỹ năng đó trong công việc hiện tại.
Đối với Ziêm, quy trình sáng tạo của bạn là gì?
Mình nhận được khá nhiều sự thay đổi trong quy trình vẽ nhờ vào bộ môn Ký họa mà bản thân đang giảng dạy.
Trong hội họa có hai chủ đề lớn là Hình họa và Màu sắc. Hai chủ đề trên còn được chia nhỏ ra các chủ đề/thể loại/chất liệu khác như Ký họa, Màu nước, Sơn dầu,… Và bản thân mỗi thể loại cũng được chia ra thành nhiều cách thể hiện khác nhau. Khi được tiếp xúc và học về sự đa dạng đó, mình nhận thức được rõ hơn về cách tư duy, quy trình thực hiện mỗi thể loại. Vậy nên mình không có một quy trình chung, thường mình sẽ điều chỉnh theo đặc trưng công việc mình làm.
Nếu mà kể về một quy trình sáng tạo/thực hành nghệ thuật mà mình tâm đắc nhất thì đó là việc mình muốn luyện tư duy để giản lược những gì mình thấy lại. Mắt của chúng ta kết hợp với não bộ qua một quá trình rất nhanh và phức tạp để chúng ta có thể nhìn thấy gần như hết mọi thứ, và nhìn được rất nhiều chi tiết ở mật độ cao. Tuy nhiên, khi chuyển đổi hình ảnh chụp/nhìn sang tranh vẽ/tác phẩm kỹ thuật số, mình nên biến đổi khác so với thực tế, lúc này việc luyện cách lược giản các chi tiết đi và quy đổi chúng thành một thứ tương đương sẽ trở nên rất hữu dụng.
Ví dụ về tối giản hóa: những vật ở xa , những chi tiết phức tạp sẽ được hợp nhất hoặc quy về một mảng hình cơ bản, những chi tiết có vai trò thứ yếu sẽ được lược bỏ, thang sắc độ chứa 10 độ có thể giảm còn 3 độ,…
Mình nghĩ quy trình lược giản trong hội họa và thiết kế chiếm dung lượng không hề nhỏ trong cả một quy trình lớn. Quy trình này đòi hỏi phải mạnh dạn bác bỏ những thứ mắt hiển nhiên nhìn thấy, phải tìm ra được cách thay thế những thứ phức tạp. Mục đích cuối cùng là để có được phương án xử lý thông minh mà vẫn đảm bảo đầu ra hiệu quả.
Cách bạn dạy học cũng trau dồi chuyên môn cá nhân, bạn có thể chia sẻ về 01 khoảnh khắc liên quan không?
Có một khái niệm tên Learning Pyramid – Kim tự tháp học tập, là nhóm các mô hình học tập phổ biến, kèm theo mức độ lưu giữ kiến thức của chúng; trong đó việc giảng dạy lại cho người khác chiếm ưu thế lớn nhất. Mình thấy rất may mắn vì mình có duyên với công việc giảng dạy hội họa. Có một điều được gọi là “phúc của nghề giáo”, bởi khi đi dạy mình cũng được nhận lại rất nhiều, không chỉ về tinh thần, vật chất, mà quý giá nhất là kiến thức do học viên “cho lại” mình.
Mình thích sắp xếp những suy nghĩ, kiến thức thành một hệ thống gọn gàng trong đầu. Khi dạy vẽ cho những người không học chính chuyên về hội họa, thì thử thách của mình là phải dạy làm sao thật đơn giản ngắn gọn, có hệ thống rành mạch để đủ thuyết phục, vì cách họ tiếp nhận không giống cách những sinh viên chính chuyên học.
Trong quá trình giảng dạy bộ môn Ký họa, mình quan sát được một điều khá hay: dải sắc độ trong một bức tranh có vô vàn, nhưng đối với những người mới học, họ chỉ nhìn được 1 tới 2 sắc độ trong đó thôi, mà lại còn chia ra hai kiểu: (01) một là, nhìn được độ đậm nhất và nhạt nhất; (02) hai là, chỉ nhìn được các độ trung gian.
Khi xử lý bài, thì những học viên thuộc kiểu một (01) lại có tranh vẽ hiệu quả hơn, vì họ vô tình lọc đi những sắc độ không quá quan trọng – điều này tương ứng với quá trình lược giản trong thiết kế đồ họa: chúng ta thường tập quy đổi, hợp nhất những phần phức tạp/chi tiết về dạng đơn giản hơn, và chắt lọc lấy những phần quan trọng.
Chú thích: Ảnh mẫu (trái) và Tranh chuyển thể từ ảnh mẫu do học viên thực hiện (phải). Minh họa trực quan về xu hướng tiếp nhận sắc độ trong mắt của học viên không chính chuyên: kiểu một (01) – mắt chỉ đọc được 2 màu trắng và đen – điều này khá phù hợp với tư duy của bộ môn Ký họa.
Hành trình nghệ thuật và thiết kế, vẽ minh họa của Ziêm tiếp tục phát triển, với niềm đam mê trong việc giảng dạy và tính tò mò đặc biệt, với góc nhìn độc đáo và cởi mở. Ziêm hướng đến việc truyền cảm hứng và hướng dẫn cho học viên trên hành trình sáng tạo của họ hay trau dồi trải nghiệm cá nhân ngày càng đa dạng hơn nữa.
Bạn có thể xem thêm các dự án của Ziêm tại đây.
Thực hiện bởi Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật!
Để lại đánh giá