Để thực hiện được một bộ phim hoàn chỉnh cần phải trải qua ba giai đoạn Pre-Production (Tiền kỳ) – Production (Sản xuất) và Post-Production (Hậu kỳ). Phần kỹ xảo sẽ được thực hiện chủ yếu ở giai đoạn Hậu kỳ. Vậy cụ thể các thành viên trong team VFX sẽ làm những công việc gì, chúng thú vị ra sao? Đó cũng là chủ đề chính được nhiều bạn quan tâm trong chương trình “Talkshow: Kỹ xảo điện ảnh (VFX) – Học gì & Làm gì?” được tổ chức vào ngày 27.03 vừa qua tại Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC. Cùng giải đáp thắc mắc thông qua bài viết dưới đây nhé!
Các vị trí quan trọng trong một team VFX:
VFX PIPELINE LÀ GÌ? QUY TRÌNH LÀM VIỆC CỦA VFX CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?
VFX Pipeline được hiểu nôm na là Quy trình thực hiện Hiệu ứng kỹ xảo. Chúng giúp cho quá trình làm việc được diễn ra liên tục, suôn sẻ, đáp ứng được mục tiêu tạo hiệu ứng kỹ xảo của một bộ phim.
Để có được quy trình chung, các doanh nghiệp đã phải đầu tư rất nhiều về mặt thời gian, kinh nghiệm và cả kinh phí. Tùy thuộc vào quy mô của các doanh nghiệp mà Quy trình thực hiện Hiệu ứng kỹ xảo sẽ có những vị trí và công việc khác nhau.
VFX Pipeline cũng chia làm 3 giai đoạn Pre-Production, Production và Post-Production.
Giai đoạn Pre-Production (Tiền kỳ):
Đây là giai đoạn các nhà làm phim phát triển ý tưởng, viết kịch bản và lên kế hoạch thực hiện. Không chỉ khơi dậy sự sáng tạo cho kịch bản hoàn hảo, các nhà làm phim còn phải xác định được thời gian thực hiện, đảm bảo nguồn tài chính cho diễn viên, địa điểm, xử lý hậu kỳ,…
Giai đoạn Production (Sản xuất):
Đây là giai đoạn đi vào quay phim, đó có thể là địa điểm quay theo kế hoạch từ trước hoặc ở các Studio/phim trường có phông xanh.
Giai đoạn Post-Production (Hậu kỳ):
Phần lớn công việc liên quan đến VFX sẽ diễn ra ở giai đoạn Post-Production. Thông thường, giai đoạn này đã bao gồm các công việc chỉnh sửa âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, hiệu ứng,…
Đặc biệt, VFX Pipeline có thể thêm rất nhiều vị trí khác nhau tùy thuộc vào quy mô của dự án.
CÁC VỊ TRÍ QUAN TRỌNG KHÔNG THỂ THIẾU TRONG TEAM VFX
Tùy thuộc vào dự án và kinh phí mà team Hậu kỳ của VFX sẽ có những vị trí khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các Studio tại Việt Nam sẽ có những công đoạn như Concept, Asset, Animation, FX & Dynamic, Lighting, Rendering, Compositing với nhiều vị trí không thể thiếu.
CONCEPT
2D Concept và 3D Concept Artist
Để ý tưởng của đạo diễn và biên kịch đến gần hơn với các thành viên trong đoàn phim, giúp tất cả mọi người hiểu rõ ý nghĩa, các 2D Concept Artist sẽ biến ý tưởng thành những hình ảnh trực quan, sống động, bao gồm: nhân vật, phong cảnh, các hình khối đồ vật,… Sau khi có bản phác thảo 2D, các 3D Concept Artist sẽ biến ý tưởng sang dạng 3D để trông thật nhất và giảm tải được một phần chi phí cho các công đoạn về sau.
Đây cũng là vị trí rất thích hợp dành cho những bạn có niềm yêu thích với vẽ.
ASSET (Sáng tạo các thành phần trong VFX)
Sculptor Artist
Đây là vị trí gần giống với 3D Concept Artist, cụ thể các Sculptor Artist sẽ làm mô hình nhân vật ở mức độ nâng cao. Ví dụ: khi có tác động từ bên ngoài lên vật thể, tùy vào chất liệu nhôm, sắt, đất sét,… mà người làm Sculpt sẽ hiệu chỉnh cho mô hình có độ lồi lõm hay kéo giãn cho phù hợp với tính chất vật lý. Trong môi trường làm việc thực tế, Sculptor và 3D Concept do cùng một người đảm nhận.
Modelling Artist
Trong các phần mềm, mô hình nhân vật được tạo trên một bề mặt lưới. Số lưới càng nhiều thì mô hình càng chi tiết. Đó cũng là một phần lý do làm giảm tốc độ làm việc trên các phần mềm. Chính vì vậy, các Modelling Artist sẽ tham gia vào quá trình làm cho số lượng lưới 3D thấp xuống và chuẩn xác hơn để phục vụ cho việc làm Rigging (gắn khung xương) sau này.
Với những dự án không yêu cầu Sculptor, người làm Modelling sẽ tạo hình cho cả những vật thể như: xe cộ, vũ khí,…
Texturing Artist
Đây là quá trình vẽ thêm các chất liệu lên vật thể sao cho chúng giống thật nhất. Ví dụ: da, vải, kim loại,…
Look Development Artist (LookDev)
Đây là quá trình làm cho những vật liệu phức tạp như da hoặc mắt được hiển thị chính xác nhất thông qua những kỹ thuật riêng biệt của LookDev. Các LookDev Artist là người có khả năng quan sát, ghi nhớ và hiểu rõ về tính chất vật lý, ánh sáng càng tốt thì chất lượng hình ảnh càng trông giống với đời thực nhất.
Grooming Artist
Các Grooming Artist sẽ là người tạo ra nhiều loại lông như lông thú, lông vũ, lông mày, lông mi, tóc và râu của con người hoặc động vật. Đây là công đoạn vô cùng phức tạp, chúng đòi hỏi người làm phải thật cẩn thận và kiên nhẫn. Thông thường tại các Studio của Việt Nam, vị trí làm Grooming sẽ do LookDev Artist đảm nhận.
ANIMATION
Rigger (Gắn khung xương)
Quá trình Asset trước đó tạo ra mô hình là các nhân vật, đồ vật,… Tuy nhiên, đó chỉ là mô hình tĩnh. Để các mô hình chuyển động, cần đến quá trình Diễn hoạt và Gắn khung xương.
Cơ thể con người cũng có những khớp nối để gắn kết các bộ phận với nhau và chuyển động uyển chuyển, nhịp nhàng. Vì vậy, các mô hình cũng phải có khung xương, khớp nối. Thông qua đó, các Rigger dễ dàng hiệu chỉnh các chuyển động của nhân vật.
Animator (Diễn hoạt)
Người làm diễn hoạt được hiểu nôm na là làm tất cả các chuyển động. Chúng bao gồm: chuyển động của camera (Camera), ánh sáng (Lights), các vật thể (Objects),…
FX VÀ DYNAMIC (hiệu ứng và động lực học)
Thực tế, có những vật thể không thể diễn hoạt được hoặc rất khó để diễn hoạt như tóc bay trong gió, quần áo dưới trời nắng gắt,… Các FX và Dynamic Artist sẽ là người làm cho chúng chuyển động được như thật.
FX và Dynamic gồm có 6 loại:
- Particles (hạt). Ví dụ: tuyết, mưa, hạt lửa, dấu chân (dấu chân dơ in lên mặt đất hay sàn nhà).
- Rigid Body: là những chuyển động rơi xuống của các vật thể rắn. Ví dụ: mô phỏng nắp bút rơi, bình nước kim loại…
- Sort Body: làm những chuyển động vật thể mềm. Ví dụ: miếng thạch rau câu, lá cờ,…
- Cloth: khi con người mặc đồ đi trong gió thì trang phục trên người sẽ có những chuyển động gió bay khác với trang phục khi ở nơi tĩnh lặng.
- Fluid: chuyển động của chất lỏng như nước, dầu ăn, xăng dầu… Ví dụ: nước sẽ có chuyển động khác với dầu ăn (cần độ sánh cao).
- Hair & Fur (Tech Animation): tóc và lông chuyển động trong các môi trường khác nhau như gió, nước,… Ví dụ như đứng trước gió nhẹ, đứng trước gió lớn sẽ khác nhau.
LIGHTING (Ánh sáng) – RENDERING (Kết xuất)
Ở Việt Nam, hai vị trí này thường do một người đảm nhận. Đặc biệt, người làm Lighting (Ánh sáng) đóng vai trò rất quan trọng, vì công đoạn này sẽ giúp cho hình ảnh giống với mục đích của đạo diễn nhất. Trong đó, mỗi cách đánh sáng lại kể chuyện một câu chuyện khác nhau tùy theo ý đồ và nội dung của phân cảnh.
Người làm Rendering sẽ biết cách kết xuất sản phẩm có chất lượng cao nhất trước khi đến với công chúng.
COMPOSITING
Đây là quá trình kết hợp giữa những cảnh quay thật trên phim trường với vật thể 3D không có thật đã qua Render. Quá trình này còn bao gồm Rotoscoping (Tách nhân vật ra khỏi nền), Tracking, Matchmove, Paint (Phối cảnh),…
Trên đây là những vị trí mà hầu hết các Studio Việt Nam thường áp dụng để quản lý nguồn nhân lực cho dự án.
Vậy làm sao để biết mình có phù hợp với các vị trí này hay không? Cần bắt đầu từ đâu để có thể theo đuổi lĩnh vực VFX?
👉 Tham khảo bài viết: “Kỹ xảo điện ảnh (VFX) – Học gì & Làm gì?” Hành trang cần thiết cho người mới bắt đầu
KẾT
Bất kỳ vị trí nào trong một team VFX cũng đều đóng vai trò rất quan trọng. Không có vị trí nào thấp hay cao, chính vì vậy, đừng ngại học hỏi và dành thời gian trải nghiệm thật nhiều. Vì khi trải qua khoảng thời gian làm việc nhất định, bạn có thể hiểu rõ tính chất của các vị trí và cân nhắc lựa chọn giữa việc trở thành một người có hiểu biết rộng về tổng thể quy trình (Generalist) hoặc đi chuyên sâu (Specialist) ở một phân mảng nhất định.
Để lại đánh giá