Bài thi Nam Long Design Award 2021: QMA – “Cánh Đồng Sen” Playground

Lấy cảm hứng tươi đẹp từ tự nhiên, chúng tôi đã chiếm lấy được một phần cảnh quan nơi con người có thể sống hài hòa với môi trường và đưa ra ý tưởng tạo hình cho sân chơi này như một “cánh đồng sen”, một không gian kết nối để tất cả mọi người có thể hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm các hoạt động thể chất tự đề xuất tại đó hoặc cũng là nơi để gợi nhớ về những phần ký ức tuổi thơ…

Bài thi Nam Long Design Award 2021: The Shape of Community Space – Kiến tạo sân chơi gắn kết cộng đồng
Thí sinh: Đỗ Đình Ánh (trưởng nhóm), Trần Trí Mạnh, Nguyễn Minh Quang
Bảng thi: Chuyên nghiệp
Tên công trình: “Cánh Đồng Sen” Playground
Bình chọn cho bài thi này tại Fanpage arcvibes

Thực trạng

Song hành với những lợi ích của việc đô thị hóa ngày càng phát triển ở Việt Nam nói chung và Long An nói riêng thì kèm theo đó là những vấn đề còn tồn đọng chưa được chú ý tới. Đặc biệt trong đó là việc thiếu đi các sân chơi cộng đồng mang tính giáo dục và hoạt động thể chất lành mạnh chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân khu vực.

Bên cạnh đó công nghệ ngày một phát triển mạnh, hỗ trợ cho cuộc sống của con người, khiến cho chúng ta dần bị phụ thuộc và dành quá nhiều thời gian vào nó. Hình ảnh từ nông thôn đến đô thị, từ trẻ em tới người lớn luôn cầm trên tay những chiếc smart phone mọi lúc mọi nơi đã trở thành việc quá đỗi bình thường,….

Việc thiếu đi các sân chơi cộng đồng, khai thác hoặc sử dụng sai mục đích là một thực trạng tồn tại ở nhiều địa phương hiện nay.

Trong nhịp sống đô thị các sân chơi chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của mọi người do thiếu đi sự mới mẻ, sáng tạo, tính kế thừa, dẫn tới sự nhàm chán và kém hấp dẫn.

Có rất ít các hoạt động thể chất, tương tác giữa con người với thiên nhiên và chưa thể hiện được giá trị tinh thần, nét đẹp đặc trưng của vùng miền, địa phương tới người dân khu vực cũng như khách du lịch.

Giải pháp thiết kế

  • Một nơi có thể đại diện, hoặc giới thiệu về hình ảnh, nét đặc trưng, bản sắc văn hóa vùng miền.
  • Mang lại giá trị giáo dục, tính nhân văn, than thiện với môi trường.
  • Sân chơi mở cho phép mọi người tự đề xuất các trò chơi khác nhau để tăng mức độ trải nghiệm, kết nối cộng đồng, sự tương tác giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Bao gồm các hoạt động thể chất, vui chơi giải trí ngoài trời.

Vị trí, địa điểm, diện tích

Tỉnh Long An

  1. Trung tâm của một trong bảy đô thị vệ tinh vùng TP. Hồ Chí Minh.
  2. Cửa ngõ vùng phát triển Bắc Bến Lức.
  3. Nút giao thông đường bộ trọng điểm.
  4. Ngã ba sông kết nối TPHCM và miền Tây.
  5. Vị trí phong thủy số một: cận lộ, cận giang, cận thị.
  6. Nằm trong vùng TPHCM với hơn 35 triệu dân chiếm 60% GDP cả nước.

VỊ TRÍ: khu đô thị Water Point, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An

DIỆN TÍCH: diện tích nền (500m2), diện tích mái bao che (120m2)

Ý tưởng

Đồng Tháp Mười, nơi đây đặc trưng với hệ sinh thái rừng tràm, đồng cỏ ngập nước và cánh đồng sen bao la từ lâu đã trở thành biểu tượng cho sự sống của người dân Long An nói riêng và khu vực miền Tây nói chung. Nó đã trở thành những mảnh ký ức mộc mạc, bình dị và thân quen trong tiềm thức, tâm hồn của mỗi người dân.

Lấy cảm hứng tươi đẹp từ tự nhiên, chúng tôi đã chiếm lấy được một phần cảnh quan nơi con người có thể sống hài hòa với môi trường và đưa ra ý tưởng tạo hình cho sân chơi này như một “cánh đồng sen”, một không gian kết nối để tất cả mọi người có thể hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm các hoạt động thể chất tự đề xuất tại đó hoặc cũng là nơi để gợi nhớ về những phần ký ức tuổi thơ…

Phối cảnh

Cây sen là hình ảnh gắn bó với tuổi thơ, làng quê, và là biểu tượng cho văn hóa của Việt Nam. Chúng tôi mô phỏng một cấu trúc hữu cơ tự hòa mình vào bối cảnh xung quanh, như các tán lá sen rợp bóng trong một cánh đồng miền Tây đầy thơ mộng.

Không gian mô tả bằng lối đi uốn lượn như con sông Vàm Cỏ Đông qua các đảo nhỏ, thay vì một lối đi thẳng cho thấy điểm kết thúc, thì chúng tôi muốn mọi người đi chậm lại để tận hưởng trải nghiệm, như thể đang đắm chìm trong một cánh đồng sen.

Với đề xuất này, nó hoạt động như một liên kết giữa con người, kiến ​​trúc và thiên nhiên. Không gian giúp gia tăng sự tương tác, hoạt động thể chất, khơi dậy ký ức, và chạm vào trái tim mỗi người.

Công trình không chỉ đơn thuần là mái bao che, mà cho phép con người tham gia, tác động lên chính công trình. Các không gian nhằm phân chia ước lệ, bất cứ đâu, bất cứ vị trí nào cũng có thể tạo ra play ground.

Hệ thống chiếu sáng ban đêm sử dụng điện lưới nhằm giảm chi phí, điều kiện bảo hành so với nguồn năng lượng khác.

Hướng tiếp cận công trình cho phép từ nhiều phía khác nhau.

Lùi 5m vào các cạnh tiếp giáp đường, tạo điểm nhìn cho công trình.

Các tổ hợp xung quanh sân chơi thu hút nhiều người sẽ tạo ra được các hoạt động thương mại, vui chơi giải trí sôi nổi.

Vật liệu

Sử dụng vật liệu địa phương sẵn có, thân thiện với môi trường như: gỗ tràm, đá dăm, thép,… bên cạnh đó có sự can thiệp của các vật liệu công nghiệp giúp liên kết, cũng như thi công nhanh chóng, tiết kiệm chi phí triển khai cho công trình.

Màu sắc

Màu xanh lá: chủ đạo nhằm tạo ra sự thân thiện, hòa với cảnh quan xung quanh. Họa tiết lá sen cách điệu với cấu trúc tự nhiên gợi tới hình ảnh đầm sen, một trong những nét đặc trưng của Long An.

Màu gỗ tràm: tự nhiên, gần gũi, thân thiện và bình dị.

Kỹ thuật

Tính khả thi

  • Mô hình có khả năng nhân rộng, kết hợp đa dạng với các loại hình sân chơi ngoài trời khác tại địa phương, nơi tập trung cộng đồng dân cư.
  • Tính nhân văn, giáo dục, truyền cảm hứng.
  • Nâng cao giá trị văn hóa, bản sắc vùng miền.
  • Tính kết nối cộng đồng, vui chơi, giao lưu, hoạt động thể chất, nâng cao sức khỏe.
  • Thân thiện với môi trường.
  • Tôn trọng yếu tố tự nhiên, bối cảnh xung quanh sẵn có tại vị trí triển khai sân chơi.

Thông điệp thiết kế

“Khi thực hiện bài dự thi này, chúng tôi không cố đi tìm những giải pháp thiết kế mới, lý tưởng nhất mà chỉ đề ra những giải pháp đơn giản, thực tế và gần gũi. Điều coi trọng hàng đầu không phải bản thân giải pháp mà là sự quan tâm tới con người, tính nhân văn, truyền thống, sự kết nối cộng đồng”.

Lời cảm ơn

“Xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới BTC cuộc thi thiết kế Nam Long Design Award 2021 và BGK đã mở ra sân chơi đầy ý nghĩa này để chúng tôi có cơ hội được tham gia, học hỏi và gửi tới mọi người bài dự thi này.”

Nam Long Design Award 2021: The Shape of Community Space – Kiến tạo sân chơi gắn kết cộng đồng là cuộc thi do Nam Long Group phối hợp cùng Trường Đại học Kiến Trúc, RGB, Decox và arcvibes tổ chức.

Với tổng giải thưởng hơn 200 triệu đồng cùng sự tham gia của Ban Giám Khảo chuyên môn cao, cuộc thi chính là sân chơi chất lượng dành cho cộng đồng kiến trúc sư, sinh viên thiết kế. Ngoài việc tạo ra cơ hội để các bạn thử sức, khẳng định bản thân mình, cuộc thi còn tìm kiếm những thiết kế “vì cộng đồng”, có ích cho cuộc sống. Những tác phẩm xuất sắc sẽ được chọn để hiện thực hóa ý tưởng thành công trình sân chơi tại dự án đô thị tích hợp Waterpoint do Nam Long Group phát triển.

Theo dõi cuộc thi tại: rgb.vn/namlongdesignaward