Như đã hẹn, hôm nay RGB tiếp tục giới thiệu đến các bạn những logo nổi tiếng có tên bắt đầu từ chữ B. Qua loạt bài viết về Lịch sử các logo nổi tiếng, bạn sẽ có cái nhìn tổng thể hơn về quy trình thiết kế Logo, hay làm sao để có logo thành công và bắt đầu cảm hứng cho logo mới của chính bạn. Nào, tiếp tục đồng hành cùng RGB.vn nhé.
A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z
Bass, Saul (1920-1996) – người nghệ sĩ sáng tác logo tài ba
Là người gốc New York, Saul Bass học tập và làm việc tại thành phố quê nhà trước khi chuyển đến California vào năm 1950. Hai năm sau, ông tự mở một xưởng thiết kế chuyên hoạt động trong lĩnh vực phim quảng cáo, trailer, poster và logo. Ông đã bộc lộ tài năng đặc biệt của mình khi thực hiện công việc thiết kế tiêu đề phim cho những bộ phim nổi tiếng như: The Man with a Golden Arm, Psycho, Vertigo, Cape Fear.
Trong suốt những năm 40, cách sử dụng hình khối cũng như cách thể hiện sự cân bằng không đối xứng của nhà thiết kế đồ họa Paul Rand luôn là nguồn cảm hứng tuyệt vời, bất tận của Saul Bass. Tuy nhiên, nếu Paul chú trọng đến việc bố trí, sắp đặt bố cục trong tác phẩm bằng cách sử dụng sự tương phản về hình dáng, màu sắc, cấu trúc thì Bass lại tinh giản chúng ở mức tối đa, thường chỉ tập trung vào khoảng không gian. Sự uyên thâm, lão luyện đối với những vấn đề cơ bản, quan trọng nhất về thiết kế đã được Saul Bass áp dụng trong việc nhận dạng thương hiệu khi công ty Saul Bass & Associates của ông (về sau công ty này đổi tên thành Saul Bass/Herb Yeager & Associates) xây dựng các biểu tượng và nhãn hiệu thương mại. Bass cho rằng một nhãn hiệu thương mại phải dễ hiểu, hàm chứa nhiều ý nghĩa ẩn dụ và mang tính liên tưởng cao, có như vậy mới dễ dàng thu hút người xem.
Rất nhiều logo do Bass thiết kế đã trở thành biểu tượng văn hóa có ý nghĩa quan trọng. Trong số những biểu tượng được đánh giá là cực kỳ thành công do bàn tay tài hoa của nhà thiết kế bậc thầy này sáng tạo nên phải kể đến các tên tuổi lớn như United Airlines, AT&T, Minolta, Bell Telephone System, Quaker, United Way và Warner Communications.
Logo của hãng truyền thông BBC
Ngay từ năm 1936, hãng thông tấn BBC danh tiếng đã xác lập dấu ấn đặc biệt trong lịch sử phát triển ngành truyền thông với vị thế là đài truyền hình kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới. Và trong giai đoạn BBC tiến hành sử dụng tần số phát sóng để phân định các kênh khác nhau ở thập niên 50 của thế kỷ trước, hãng cũng bước đầu thực hiện những nỗ lực nhằm xây dựng một biểu tượng mang tính đặc trưng riêng cho mình. Chính Abram Games – nhà thiết kế tài hoa nổi tiếng từ việc sáng tạo nên logo đầy ý nghĩa cho cuộc triễn lãm Festival of Britain – là người thiết kế biểu tượng đầu tiên của BBC: biểu tượng Những Cánh Dơi rất ấn tượng. Sau đó, biểu tượng này được thay thế bằng hình ảnh ô chữ BBC tv đặt trong một vòng tròn.
Đến cuối năm 1963, biểu tượng quả địa cầu xuất hiện và trở nên phổ biến rộng rãi. Một năm sau, BBC chính thức cho ra đời kênh phát sóng thứ hai mang tên BBC2. BBC2 là kênh phát truyền hình màu đầu tiên ở Anh và đây là thời điểm BBC lựa chọn “quả cầu thủy tinh” làm biểu tượng. Họ cũng bắt đầu chiến dịch quảng bá việc sử dụng công nghệ truyền hình màu lên biểu tượng của đài như một cách để khuyến khích khán giả mua tivi màu. Vào những năm 80, biểu tượng của kênh BBC2 là ký tự có sọc mang ý nghĩa hướng tới tương lai còn logo chiếc đồng hồ của BBC1 thể hiện đặc trưng công nghệ số.
Đến năm 1985, BBC1 đưa ra biểu tượng hoàn toàn mới “Computer Originated World”, được viết tắt là “COW”, có ý nghĩa rằng máy vi tính sẽ khởi nguyên mọi hoạt động để sáng tạo thế giới, với hình ảnh quả địa cầu trong suốt, huyền ảo và tinh tế. Năm 1986, BBC2 chính thức giới thiệu biểu tượng mới do chuyên viên thiết kế cao cấp Alan Jeapes sáng tác. Vào năm 1988, thiết kế mới của Michael Peters bắt đầu được sử dụng trên các sản phẩm của BBC như cốc giấy, băng đĩa, sách, văn phòng phẩm…Thập niên 90 chứng kiến một cuộc cách mạng về hình ảnh của BBC khi công ty thiết kế Martin Lambie-Nairn’s khởi xướng một loạt những biểu tượng được đánh giá là cực kỳ thành công, trong đó bao gồm biểu tượng bằng các chữ số “1” và “2” khổng lồ cho cả 2 kênh. Sáu năm sau, Lambie-Nairn tiếp tục hiện đại hóa logo của tập đoàn BBC. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy bị Gerald Kaufman – Chủ tịch Ủy Ban Chọn Lọc Di Sản Quốc Gia – bác bỏ. Ông cho rằng cần phải sử dụng tiền thu phí phát hình vào việc khác hữu ích hơn. Hoạt động cải tiến hình ảnh gần đây nhất của hãng được thực hiện là vào năm 2007 với chùm biểu tượng có chủ đề “Cửa sổ thế giới”.
Beall, Lester – Nhà thiết kế logo theo phong cách hiện đại
Vào cuối thập niên 20 và đầu thập niên 30 của thế kỉ trước, nhà thiết kế Lester Beall đã tạo nên một sự thay đổi mạnh mẽ khi khởi xướng phong trào thiết kế theo xu hướng hiện đại ở Hoa Kỳ. Suốt hai mươi năm cuối cùng trong sự nghiệp của mình, Beall là người đi tiên phong thực hiện chương trình nhận dạng thương hiệu cho nhiều tập đoàn khác nhau như Martin Marietta, Công ty bảo hiểm nhân thọ Connecticut General và Công ty giấy International. Hơn nữa, Beall còn có công đóng góp nhằm cải tiến quyển cẩm nang nhận dạng thương hiệu – quyển sách bao gồm các hướng dẫn và tiêu chuẩn thực hiện công việc này. Cẩm nang của Beall quy định chi tiết những vấn đề được phép và bị cấm đối với một nhãn hiệu thương mại. Ví dụ, nếu một người chủ xí nghiệp ở một thị trấn nhỏ thuê họa sĩ vẽ logo lên một bảng hiệu của ông ta thì cẩm nang nhận dạng thương hiệu sẽ quy định rõ về kích thước và vị trí chính xác của logo đó.
Logo của Tập đoàn Beck
Vào năm 1873, công ty tiền thân của tập đoàn sản xuất rượu bia nổi tiếng thế giới hiện nay InterBev vốn thuộc quyền sở hữu của Heinrich Beck. Logo của InterBev tượng trưng là một chiếc chìa khóa với hàm ý bất kỳ ai đang có trong tay sản phẩm rượu bia do công ty sản xuất đều được hoan nghênh tại thành phố Bremen. Tuy nhiên, xung quanh biểu tượng này, người ta còn nghĩ ra một ý tưởng hài hước để đùa rằng “Hamburg là cánh cổng của thế giới, nhưng chỉ riêng Bremen mới có chìa khóa để bước vào”.
Logo của thế vận hội mùa hè – Bắc Kinh 2008
Biểu tượng chính thức của Thế Vận Hội Mùa Hè 2008 – “Dancing Beijing” (Bắc Kinh Nhảy Múa) – được công bố trong một nghi lễ diễn ra tại đền Thiên Đàn, Bắc Kinh. Tinh thần toát lên từ “ Bắc Kinh Nhảy Múa” bộc lộ vẻ đẹp và sức mạnh mãnh liệt của Trung Hoa, đồng thời truyền tải lời cam kết với thế giới sẽ mang đến một Thế vận hội đặc sắc. Biểu tượng này do chính Guo Chunning, Phó chủ tịch của Công ty nhận dạng thương hiệu quốc tế Beijing Armstrong thiết kế với hình ảnh một dáng người đang nhảy múa, thể hiện lời mời gọi chân thành, lòng nhiệt tình chào đón bạn bè thế giới đến với một Trung Hoa giàu truyền thống văn hóa, hào hiệp, độc đáo và thanh lịch. Để sáng tạo nên biểu tượng này, Chunning dựa vào chữ “Kinh” theo lối viết thư pháp như hình dáng một người, đặt trên dòng chữ “Bắc Kinh 2008” và 5 vòng tròn tượng trưng cho phong trào Olympic quốc tế.
Biểu tượng khắc họa một cách hoàn hảo, trọn vẹn giá trị cốt lõi của thể thao: vì con người và vì tinh thần thể thao chân chính. Những đường cong gợi nên liên tưởng về hình ảnh một con rồng Trung Hoa đang uốn lượn. Cánh tay dang rộng biểu lộ chân tình của người Bắc Kinh, mang đến cảm giác ấm áp, thân thiện và hữu nghị. Còn dáng người đang chạy là một ẩn dụ về vẻ huy hoàng, tươi đẹp của cuộc sống. Màu đỏ may mắn được sử dụng làm màu sắc chủ đạo của biểu tượng có ý nghĩa rất đặc biệt trong văn hóa Trung Hoa. Có thể nói biểu tượng “Bắc Kinh nhảy múa” đầy sức cuốn hút này là một bài thơ cuộc đời được viết nên bằng tình cảm, nhiệt huyết và lòng đam mê của tất cả những con người sáng tạo ra nó.
Logo của nhà sản xuất xe BMW
Logo mà công ty sản xuất xe hơi và xe máy BMW sử dụng mang ý nghĩa biểu trưng về nguồn gốc của mình chính là công ty Bayerische Motoren Werke (trong tiếng Anh là có nghĩa là Bavarian Motor Works) – tên gọi có từ năm 1917 như một cách thể hiện niềm tự hào về xứ Bavaria. Màu sắc trên logo cũng được lấy cảm hứng từ màu cờ của Bavaria, gồm: đen, trắng và xanh dương. Vòng tròn đen lớn nằm giữa hai đường viền bạc phía trong và ngoài là sự ghi nhớ sâu sắc đến Bayerische Flugzeug-Werke (BFW), một nhà máy sản xuất máy bay thuộc vùng Bavaria, trước khi sáp nhập vào BMW. Nhiều người cho rằng hình ảnh cánh quạt đang quay trên logo có ý nghĩa đánh dấu sự kiện cánh quạt máy bay ra đời vào năm 1929.
Nhưng thực tế ý tưởng trên chỉ nhằm mục đích quảng bá công ty mà không hề có một căn cứ xác thực nào. Những giải thích gần đây nhất đối với logo của BMW rất ít đề cập đến cánh quạt máy bay mà chủ yếu là mô tả hình ảnh chiếc xe do công ty sản xuất trong môi trường bên ngoài, như lời Wilhelm Farrenkopf – Giám đốc bộ phận truyền thông và quảng cáo – đã phát biểu trên tạp chí giới thiệu sản phẩm của BMW vào năm 1942. Ông diễn giải những chi tiết trên logo theo hướng liên tưởng đến chiếc đĩa lấp lánh, hình chiếu của động cơ, hai đường viền bạc và tia màu xanh sáng tượng trưng cho bầu trời.
Logo của Bosch – Nhà cung ứng hàng đầu về công nghệ và dịch vụ
Logo của tập đoàn BOSCH do Robert Bosch thiết kế vào năm 1918. Sau này ông trở thành giám đốc kỹ thuật của công ty. Hình ảnh trên logo mô phỏng một chiếc chìa khóa dùng để đánh lửa động cơ.
Logo của tập đoàn thức ăn nhanh Burger King
Tập đoàn thức ăn nhanh Burger King do hai nhà sáng lập David Edgerton và James McLamore tạo dựng nên. Họ bắt đầu sự nghiệp của mình chỉ với một nhà hàng có tên gọi Insta Burger King khai trương vào ngày 4 tháng 12 năm 1954 tại Miami, bang Floria, Hoa Kỳ. Vào năm 1989, nó được đổi tên thành Burger King và trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Logo đầu tiên của Burger King được gọi là “Bun Halves” – hình ảnh phóng tác từ hai nửa của một chiếc bánh, được sử dụng từ năm 1969 đến khoảng đầu thập niên 90. Logo thật đơn giản gồm chữ “Burger King” màu đỏ kẹp giữa hai nửa chiếc bánh sandwich. Năm 1994 Burger King thực hiện việc cập nhật biểu tượng của mình để mang vào đó những nét mới mẻ hơn bằng cách sử dụng phông chữ mềm mại, uyển chuyển. Vào năm 1999, công ty lại thay đổi logo một lần nữa, là phiên bản cách điệu của “Bun Halves”. Điểm đặc trưng của phiên bản này là một đường cong màu xanh bao quanh phía ngoài làm cho biểu tượng của Burger King trông tròn trịa và hiện đại hơn rất nhiều.
Trong nỗ lực đem đến nhiều hơn nữa những bài viết chất lượng dành cho độc giả, RGB.vn mong muốn sẽ giới thiệu đến các bạn những bài dịch nội dung hay được biên tập kỹ lưỡng và nghiêm túc. Hy vọng các bạn sẽ tiếp tục ủng hộ chúng tôi. Khi trích dẫn lại bài viết xin vui lòng ghi rõ nguồn, link RGB.vn và người biên dịch.
Hồng Ngọc biên dịch theo Logoorange | RGB.vn
Thanks RGB, lại biết thêm lịch sử của logo noi tiếng trên thế giới.