Nghề phim: câu chuyện thương mại trong điện ảnh & lối đi nào cho các bạn trẻ

Ngày 04/09/2021 vừa qua, buổi talkshow “Nghề Phim: Trò chuyện với thế hệ Z” do Học viện Kỹ xảo Điện ảnh và Hoạt hình MAAC phối hợp cùng hệ thống đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia tổ chức đã diễn ra trong không khí vô cùng sôi động, thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ đam mê làm phim. Trong bài viết này, hãy cùng MAAC nhìn lại các chia sẻ sâu sắc từ bộ đôi đạo diễn Võ Thanh Hòa và Kawaii Tuấn Anh về câu chuyện thương mại trong điện ảnh, những ngóc ngách của nghề phim, ứng dụng của 3D Animation & VFX trong sản xuất nội dung số và bí quyết giúp các bạn trẻ tiến gần hơn với ngành.

SỰ “TIẾN HÓA” CỦA NGÀNH ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM

Giai đoạn 1

Điện ảnh Việt đã trải qua các giai đoạn thăng trầm khác nhau với nhiều cột mốc đáng chú ý. Giai đoạn đầu tiên trong khoảng thời gian trước và sau 1975, đây được xem là giai đoạn điện ảnh cách mạng với một số tác phẩm tiêu biểu như: Chung một dòng sông (1959), Vợ chồng A Phủ (1961), Ván bài lật ngửa (1982), Biệt động Sài Gòn (1984),…

Giai đoạn 2

Giai đoạn hai kéo dài từ năm 1989 – 2000, đây cũng là khoảng thời gian nước ta bước vào tiến trình đổi mới và mở cửa với thế giới. Vì thế, các nhà làm phim đã tận dụng thời điểm này để cho ra đời nhiều bộ phim như: Vị đắng tình yêu (1990), Tóc gió thổi bay, Hoa quỳnh nở muộn, Vĩnh biệt mùa hè (1992),… Tuy nhiên, nhìn chung các bộ phim đều được sản xuất nhanh chóng với kinh phí thấp và chất lượng nội dung không được đảm bảo. Do đó, giai đoạn này chứng kiến sự quay lưng của một bộ phận lớn khán giả đối với điện ảnh nước nhà.

Giai đoạn 3

Bước vào thập niên đầu thế kỷ 21 (2000 – 2009), nền điện ảnh Việt Nam đón nhận sự trở về của nhiều đạo diễn Việt kiều. Từ đây, các bộ phim chất lượng hơn đã được ra đời để đánh dấu cho bước trở lại của điện ảnh nước nhà, nổi bật với một số tác phẩm: Gái nhảy (2003), Mùa len trâu (2004), Dòng máu anh hùng (2007),… Bên cạnh đó, đây cũng được xem là giai đoạn đặt nền móng cho sự phát triển rực rỡ của điện ảnh Việt ở những giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 4

Sự phát triển diệu kỳ của điện ảnh Việt Nam nở rộ trong giai đoạn từ năm 2009 – 2019, đây là khoảng thời gian mà điện ảnh nước nhà đón nhận sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, doanh thu phòng vé đã có bước nhảy vọt nhanh chóng, chạm mức nghìn tỷ đồng. Từ đây, điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp, là minh chứng rõ nét cho câu chuyện các nhà làm phim hoàn toàn có thể sống tốt với ngành. 

Nhiều bộ phim nổi bật của điện ảnh Việt giai đoạn này đã trở nên quen thuộc với hầu hết khán giả trong nước, có thể kể đến là: Giải cứu thần chết (2009), Cánh đồng bất tận (2010), Long ruồi (2011), Scandal: Bí mật thảm đỏ (2011), Tèo em (2013), Để mai tính (2014), Em là bà nội của anh (2015), Lật mặt 2 (2016), Em chưa 18 (2017), Siêu sao siêu ngố (2018), Hai Phượng (2019),…

Giai đoạn 5

Trải qua giai đoạn phát triển “thần kỳ” trước đó, bước vào những năm 2020 điện ảnh Việt nhận được kỳ vọng tiếp tục có nhiều bước tiến mạnh mẽ hơn nữa. Bằng chứng là giữa bối cảnh dịch bệnh hoành hành, hầu hết mọi lĩnh vực đều hứng chịu tổn thất nặng nề, các bộ phim Việt khi ra rạp vẫn đón nhận sự ủng hộ nhiệt thành của khán giả và đạt mức doanh thu hàng trăm tỷ đồng, điển hình với một số tác phẩm như: Tiệc trăng máu (2020), Chị Mười Ba – 3 ngày sinh tử (2020), Bố già (2021),…

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 10 năm gần đây, ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà đã có nhiều chuyển dịch phù hợp với xu hướng phát triển điện ảnh toàn cầu. Trong đó, bài toán về thương mại trong điện ảnh luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà làm phim. 

Bàn về câu chuyện này, đạo diễn Võ Thanh Hòa đã cung cấp nhiều thông tin dẫn chứng về sự phát triển “thần kỳ” của lĩnh vực này. Theo đó, tổng doanh thu phòng vé của phim điện ảnh Việt Nam giai đoạn 2009 – 2019 đã tăng trưởng 13,5 lần, số lượng phòng chiếu tăng gấp 12 lần. Thậm chí, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành năm 2020, doanh thu phòng vé cũng vươn tới con số 1660 tỷ đồng, trong đó 710 tỷ đồng đến từ các bộ phim điện ảnh Việt.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, đặc biệt là xu hướng phát sóng VOD (Video on Demand), những nhà làm phim trẻ ngày càng có nhiều cơ hội vươn đến các sân chơi lớn trên khắp thế giới. Hiện nay, từ vấn đề kinh doanh thương mại đến các giải thưởng nghệ thuật, điện ảnh Việt đang ngày càng phát triển và được công nhận trên phạm vi toàn cầu. Đây chính là cơ hội giúp các bạn trẻ có thêm động lực dấn thân và theo đuổi con đường làm phim.

VOD (Video on Demand) – Sân chơi của bản quyền tương lai

VOD – Video on Demand được xem là xu hướng hiện tại và tương lai của thị trường phim ảnh thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, nhu cầu về giải trí và các dịch vụ phát sóng trực tuyến ngày càng gia tăng. Tại buổi workshop, đạo diễn Võ Thanh Hòa đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích giúp người tham dự có cái nhìn đúng đắn về khái niệm VOD cũng như tiềm năng tăng trưởng của xu thế này trong tương lai.

Theo đó, VOD nằm trong hệ thống OTT (Over the Top), đây là một giải pháp cung cấp nội dung cho người dùng dựa trên nền tảng Internet. Trong VOD gồm có 3 hình thức chính, đó là AVOD (Advertising Video on Demand) – nền tảng xem video kiếm tiền từ quảng cáo với sự hiện diện của các “ông lớn” như: Youtube, Tiktok,…; TVOD (Transactional Video on Demand) – nền tảng xem video trả tiền cho từng nội dung với đại diện nổi bật là Disney+,…; SVOD (Subscription Video on Demand) – nền tảng xem video trả phí thuê bao hàng tháng, một số ứng dụng SVOD quen thuộc với khán giả như: VieON, IQIYI, Netflix, WeTV,…


Ưu điểm của VOD so với các hình thức phát sóng truyền thống nằm ở sự chủ động trong việc tiếp cận nội dung, có thể xem trực tuyến trên nhiều nền tảng, kho dữ liệu số không giới hạn với đa dạng các chương trình gameshow, những bộ phim nhận được sự đầu tư lớn từ nội dung, kinh phí sản xuất đến chất lượng hình ảnh và hiệu ứng, kỹ xảo. Nhờ đó, VOD dễ dàng thu hút lượng người dùng khổng lồ và đang ngày càng bùng nổ mạnh mẽ trên khắp thế giới. 

Tại thị trường Việt Nam, VOD là hình thức vô cùng tiềm năng để các nhà làm phim từ chuyên nghiệp đến độc lập có thể tiếp cận với đa dạng khán giả nhờ vào sự phát triển của hạ tầng dịch vụ internet. Hiện nay, số lượng người dùng internet ở nước ta chiếm 70% tổng dân số với thời gian trung bình dành cho việc truy cập internet là 6h47 phút/ngày, trong đó có đến 2h31 phút/ngày là dành cho các dịch vụ VOD. 


Đặc biệt, phim ảnh chính là nội dung thu hút lượng quan tâm lớn nhất của khán giả, đây cũng là định dạng nội dung dễ dàng tiêu thụ và quảng bá. Nhờ vào thông số ấn tượng đó, những nhà đầu tư, các công ty, tập đoàn truyền thông & giải trí lớn ngày càng chú trọng phát triển dịch vụ VOD. Điển hình trên nền tảng Netflix, Hàn Quốc đầu tư mạnh tay vào việc sản xuất các Original Series như: Vagabond, Crash Landing on You, Itaewon Class, Kingdom,… Tại Việt Nam, chúng ta cũng đã sở hữu hơn 70 bộ phim trên Netflix, đây chắc chắn sẽ trở thành sân chơi lớn trong tương lai dành cho tất cả nhà làm phim.

“Mix & Match” trong nghề phim: Khi sự kết hợp giữa VOD và Streaming tạo nên con đường khác biệt đầy táo bạo

Trong những năm gần đây, hình thức kết hợp VOD & Streaming ngày càng phổ biến và trở thành mảnh đất ươm mầm vô số tài năng trẻ cho ngành công nghiệp phim ảnh Việt Nam. Với thế mạnh trong việc nhanh nhạy nắm bắt xu hướng Digital, tối ưu nền tảng và đẩy mạnh social cho tất cả thành viên, FapTV là minh chứng rõ nét cho sự thành công trong việc sản xuất phim dựa trên sự kết hợp VOD & Streaming. Ngoài ra, những nhóm bạn làm phim khác như: DAMTV, BB&BG, Trắng TV, Ghiền Mỳ Gõ,… cũng tạo được tiếng vang lớn ở địa hạt phim chiếu mạng trên nền tảng Youtube bằng hàng loạt sản phẩm được đông đảo các bạn trẻ yêu thích.


Vào thời điểm Youtube chưa phổ biến tại Việt Nam, chúng ta thường chứng kiến những bộ phim ca nhạc được tiêu thụ dưới hình thức DVD, nổi bật nhất thời điểm đấy là sản phẩm “Trọn đời bên em” của nam ca sĩ Lý Hải. Cho đến giai đoạn từ năm 2014 trở về sau, cùng sự nở rộ của hình thức VOD, đặc biệt là Youtube, thị trường phim ca nhạc càng trở nên sôi động, một vài cái tên điển hình nhận về nhiều sự quan tâm của khán giả như: Gửi cho anh – Khởi My, Chuyện tình Maldives – Noo Phước Thịnh, Giác quan thứ 6 – Đông Nhi, Anh đang ở đâu đấy anh – Hương Giang Idol,… Đặc biệt, sự thành công và mức độ phủ sóng của dự án phim tài liệu ca nhạc Sky Tour – Sơn Tùng MTP đã cho thấy mảng phim ca nhạc là mảnh đất tốt có thể giúp các nhà làm phim chứng minh năng lực.


Bên cạnh đó, sự phát triển của hàng loạt webdrama với những đại diện tiêu biểu như: Thu Trang: Tình người duyên ma, Quá nhanh quá nguy hiểm, Chuyện xóm tui, Thập tam muội; Trấn Thành sở hữu kênh Trấn Thành Town với các tác phẩm: Trấn Thành phiêu lưu ký, Tui là Tư Hậu, Bố già; Huỳnh Lập với Tấm Cám Huỳnh Lập kể, Ai chết giơ tay. Điều này minh chứng webdrama là thị trường đầy tiềm năng cho cả nhà làm phim trẻ và gạo cội có thể tỏa sáng và khẳng định tên tuổi.

Nhờ vào sự kết hợp giữa VOD và Streaming, các nhà làm phim trẻ dần bước ra ánh sáng từ thị trường này. Điển hình, đạo diễn Luk Vân với các tác phẩm nhận về nhiều sự yêu thích của khán giả trẻ như: Full House, Hà Nội em yêu anh, 4 năm 2 chàng 1 tình yêu,… Bên cạnh Luk vân, Kawaii Tuấn Anh cũng là một tên tuổi của ngành làm phim Việt Nam gắn liền với danh xưng “đạo diễn triệu view” khi chuyên cầm trịch những MV của các ca sĩ hàng đầu nước ta, tiêu biểu như: Anh đang ở đâu đấy anh – Hương Giang Idol, Em gái mưa – Hương Tràm, Không thể cùng nhau suốt kiếp – Hòa Minzy,…

Ngoài ra, việc kết hợp VOD & Streaming trong phim ảnh còn mở ra cơ hội mang lại nguồn thu nhập tốt hơn cho những cá nhân tham gia vào dự án. Bởi lẽ, VOD & Streaming cũng chính là một hình thức marketing hiệu quả, các nhãn hàng ngày càng quan tâm và chú ý nhiều hơn cho việc tài trợ phim chiếu mạng. 

Đặc biệt, sự ra đời của các giải thưởng nhằm ghi nhận công sức sáng tạo của những nhà sản xuất nội dung và các hoạt động làm phim chiếu mạng cũng góp phần thúc đẩy hình thức này ngày càng phát triển tại Việt Nam.

THƯƠNG MẠI TRONG ĐIỆN ẢNH – KIẾM TIỀN ĐỂ LÀM PHIM HAY LÀM PHIM ĐỂ KIẾM TIỀN?

Kiếm tiền để làm phim hay làm phim để kiếm tiền?Đây là câu hỏi nhận được sự quan tâm đông đảo của các bạn tham dự talkshow, để gỡ rối cho vấn đề này, đạo diễn Võ Thanh Hòa chia sẻ: “Làm phim hoàn toàn có thể không cần vốn. Tuy nhiên, mình phải biết tận dụng tối đa nguồn tài nguyên xung quanh. Trong đoàn làm phim, có 4 vị trí quan trọng không thể vắng mặt, đó là đạo diễn, quay phim, dựng phim và sản xuất. Đây là các vị trí cần thiết nhất của một đoàn làm phim, mọi người có thể chia sẻ công việc cùng nhau và thực hiện những bộ phim chỉ với chi phí 0 đồng.”

Đối với mảng sản xuất MV, đạo diễn Kawaii Tuấn Anh khẳng định: “Về vấn đề thương mại (Commercial), việc thực hiện MV phải tốn rất nhiều chi phí đầu tư, bên cạnh đó lợi nhuận từ sản xuất MV không thể đảm bảo cho sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp. Vì thế, từ năm 2016 công ty mình đã có nhà đầu tư khác góp vốn và phát triển thành 2 mảng chuyên biệt, đó là Music Video và Commercial. Đây chính là công việc đảm bảo cho công ty vừa có thể phát triển lâu dài, vừa có thể hoạt động nghệ thuật.”

Về bản chất, theo lời của đạo diễn Võ Thanh Hòa: “Vấn đề kinh doanh trong ngành công nghiệp phim ảnh luôn có muôn vàn cách, chúng ta biết về điều này không chỉ để tập trung vào việc kiếm tiền mà nó còn giúp chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng hơn tương lai của chính mình trong ngành nghề này.”

Quy trình sản xuất và vai trò của người đạo diễn trong các dự án thực tế

Trong bối cảnh biến động của thế giới hiện nay, việc tiêu thụ nội dung số trên các nền tảng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến. Cùng với xu hướng số hóa dịch vụ giải trí, những vị trí công việc liên quan đến lĩnh vực này dần đón nhận sự quan tâm đông đảo từ các bạn trẻ. Đặc biệt, chiếc ghế “đạo diễn” trong ngành công nghiệp phim ảnh luôn là mơ ước của hàng ngàn bạn trẻ đam mê sáng tạo nghệ thuật.

Đến với buổi talkshow, hai diễn giả đã có những chia sẻ chân thật về quy trình sản xuất và vai trò của người đạo diễn trong những dự án khác nhau, từ MV, TVC quảng cáo đến các bộ phim điện ảnh, web drama.

Trước hết, quy trình thực hiện MV cũng tương tự các bộ phim, các bạn cần phải trải qua 3 giai đoạn, đó là Pre-Production (Tiền sản xuất), Production (Sản xuất) và Post-Production (Hậu kỳ). Cụ thể hơn, anh Kawaii Tuấn Anh chia sẻ: “Khi nhận bài hát từ ca sĩ, đạo diễn cùng biên kịch sẽ lắng nghe ca khúc và bắt đầu phác thảo ý tưởng kịch bản. Tiếp theo, tụi mình tiến hành trao đổi với ca sĩ nhằm thống nhất ý tưởng chi tiết. Song song đó, đơn vị sản xuất phải thực hiện việc tính toán chi phí, báo giá cho phía ca sĩ. Và khi mọi thứ được thống nhất, giai đoạn thực hiện tiền kỳ, tìm bối cảnh, phục trang sẽ được bắt đầu. Người đạo diễn phải có nhiệm vụ làm shot list nhằm dự đoán tổng số shot của MV, lên kế hoạch quay phim cho cả đoàn. Công việc quay MV thường diễn ra từ 2-3 ngày, tuy nhiên, trước khi MV được ra mắt công chúng thì phải trải qua giai đoạn hậu kỳ kéo dài khoảng một vài tháng.”

Trước đó, vào tháng 5/2020, ekip Alien Media và đạo diễn Kawaii Tuấn Anh cũng đã có buổi gặp gỡ học viên MAAC tại talkshow Khám phá Post-Production MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” để chia sẻ rõ hơn những công việc cụ thể của giai đoạn hậu kỳ. Với vai trò đạo diễn, anh Kawaii bộc bạch về trải nghiệm 2 năm thực hiện MV này: “Để có thể tạo ra những khung cảnh lung linh trong MV, anh đã phải đến Huế 5 lần nhằm chụp tất cả ảnh ngoài thực tế, điều này giúp cho việc dựng mô hình 3D trở nên dễ dàng hơn, cũng như Art Director và các thành viên trong team có thể tìm hiểu kỹ lưỡng, cẩn thận trước khi tiến hành source quay. Anh khẳng định nhất thiết cần phải thực hiện khắt khe và tỉ mỉ trong tất cả chi tiết khung hình và bối cảnh.

Anh Kawaii cũng đưa ra lời khuyên từ kinh nghiệm làm việc của mình dành cho các bạn trẻ: “Nếu ở giai đoạn Pre-Production được đầu tư chuẩn bị kỹ càng từng khâu nhỏ nhất thì giai đoạn Production sẽ diễn ra nhanh chóng và nhịp nhàng. Với giai đoạn Post-Production, thời gian tùy thuộc vào mức độ phức tạp của sản phẩm đó. Chính vì thế, các bạn không nên dễ dãi với bản thân, hãy thật chỉn chu từng bước nhỏ nhất thì sản phẩm của bạn sẽ đạt được chất lượng tốt.”

Không chỉ dừng lại ở việc chỉ đạo cảnh quay trên phim trường, đạo diễn còn cần phải tham gia nghiên cứu, chú ý đến nhiều chi tiết, thông tin xoay quanh tác phẩm, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu ra từ khâu kịch bản đến khi hoàn thiện sản phẩm thực tế. Đạo diễn Kawaii Tuấn Anh tâm sự: “Thời gian từ lúc nghĩ ra ý tưởng cho đến khi có kịch bản chi tiết, bọn mình phải trải qua quá nhiều khâu. Bọn mình phải mua sách về đọc, tìm hiểu rất nhiều thứ để có thể làm sao tôn trọng lịch sử nhất có thể trong khi chỉ lột tả những góc độ về tình cảm trong những tiến trình lịch sử đó và đây chính là nỗ lực của rất nhiều con người trong suốt 6 tháng nhằm chốt được kịch bản như thế này.”

Những bí mật hậu trường tạo nên thành công của MV Không thể cùng nhau suốt kiếp

Đối với các dự án phim điện ảnh, đạo diễn Võ Thanh Hòa chia sẻ: “Nếu thực hiện những bộ phim thương mại, đặc biệt là các dự án điện ảnh lớn thì phạm vi công việc cho từng vị trí vốn dĩ được phân chia rất rõ ràng. Khi các bạn trẻ dấn thân vào ngành làm phim, nhất là đối với các dự án độc lập, do chính bản thân tìm vốn và thực hiện. Đây chính là khoảng thời gian mà các bạn sẽ học tập được rất nhiều điều, bởi lẽ có khi một người phải đảm nhận từ 4-5 vai trò khác nhau, lúc này “scope of work” không thật sự rõ ràng. Tuy nhiên, mục đích quan trọng nhất vẫn là tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh và đừng đặt nặng áp lực với bản thân.”

Áp lực vô hình của người đạo diễn

Trên chặng đường làm nghề, việc cân bằng cá tính sáng tạo và nhu cầu khách hàng là vấn đề muôn thuở của người làm nghệ thuật. Làm sao để duy trì phong cách riêng biệt của bản thân nhưng vẫn đảm bảo sự mới mẻ mỗi ngày trong mắt công chúng chính là áp lực lớn nhất của người đạo diễn.

Chia sẻ về vấn đề này, đạo diễn Kawaii Tuấn Anh cho biết: Xác định phong cách và cân bằng cái tôi cá nhân với thị hiếu khán giả là áp lực lớn khi làm nghệ thuật. Tuy nhiên, thay vì né tránh hay từ bỏ, Kawaii chọn cách đi sâu khai thác những chi tiết nhỏ trong chủ đề tưởng chừng đã cũ. Từ đó, Kawaii có thể tìm ra điểm đột phá và tạo ra những sản phẩm sáng tạo mới mẻ, đa dạng cho người xem.”

MV “Cất em vào tâm tư” là một trong những tác phẩm khá khó về kỹ thuật hậu kỳ được đạo diễn Kawaii Tuấn Anh đầu tư nhiều thời gian và chi phí. Đồng thời đây cũng là MV mang  phong cách kỳ ảo của cá nhân Kawaii yêu thích từ lâu với phong cách của ca sĩ, bài hát. 

Được mệnh danh là đạo diễn “trăm tỷ” của màn ảnh Việt, anh Võ Thanh Hòa chia sẻ thêm: Áp lực của người đạo diễn là đáp lại sự kỳ vọng. Sự kỳ vọng đến từ những người hợp tác, từ anh em ekip, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư dành cho bộ phim. Đặc biệt, đó là sự kỳ vọng của khán giả, người đạo diễn luôn phải cố gắng làm thật tốt để những kỳ vọng đấy được đền đáp xứng đáng nhất.”

Từ những chia sẻ của hai diễn giả, ta có thể khẳng định rằng con đường trở thành đạo diễn, đặc biệt là một người đạo diễn có chỗ đứng chưa bao giờ dễ dàng. Như anh Võ Thanh Hòa từng khẳng định: “Học đạo diễn thì ai cũng có thể nhưng ngồi được ở vị trí đạo diễn thì không phải ai cũng làm được.”

ỨNG DỤNG CỦA 3D ANIMATION (HOẠT HÌNH 3D) & VFX (KỸ XẢO ĐIỆN ẢNH) TRONG PHIM ẢNH VÀ MV TẠI VIỆT NAM

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, khi các cảnh quay không thể thực hiện trực tiếp trên phim trường, việc ứng dụng 3D Animation và VFX được xem là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp phim ảnh. Không ai có thể phủ nhận sự hỗ trợ đắc lực của hai hình thức công nghệ này đối với việc sản xuất nội dung số hiện nay.

VFX không còn chỉ giới hạn trong những dự án phim điện ảnh bom tấn hoành tráng, được đầu tư hàng triệu đô la mà ngay cả những sản phẩm quảng cáo, âm nhạc có thời lượng cực ngắn hiện nay cũng đang được chăm chút, đầu tư về mặt VFX. Tại Việt Nam, các sản phẩm phim điện ảnh, MV, TVC quảng cáo,… ngày càng được đầu tư mạnh tay về khâu sản xuất hậu kỳ, đặc biệt là làm hiệu ứng kỹ xảo để tạo nên những thước phim chỉn chu, chất lượng nhất.

Chia sẻ với các bạn trẻ đam mê 3D Animation & VFX tham dự talkshow, đạo diễn “trăm tỷ” Võ Thanh Hòa khẳng định: “Hầu hết các sản phẩm phim ảnh, MV hiện đại đều cần có sự can thiệp của yếu tố VFX. Từ những thứ đơn giản như phần chạy chữ tên phim, hiệu ứng chuyển cảnh cho đến những phân cảnh phức tạp hơn như cháy, nổ,… đều cần đến sự hỗ trợ của VFX.”

Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử được đầu tư lớn về các phân cảnh kỹ xảo hành động mà đôi khi bạn không còn nhận ra đó là kỹ xảo vì độ chân thật 

Đạo diễn Kawaii Tuấn Anh cũng đồng quan điểm: “Không chỉ các bộ phim điện ảnh có thời lượng dài mà ngay cả các sản phẩm ngắn như MV hay TVC quảng cáo đều cần sự can thiệp của yếu tố VFX. Chẳng hạn, đối với MV “Gặp nhưng không ở lại”, ekip đã dành ra khoảng 2 tháng để hoàn thành các phân cảnh kỹ xảo cho MV có thời lượng chỉ chưa đầy 5 phút.”

Phân đoạn chiếc xe bị nổ trong rừng được thực hiện kỹ xảo nhiều nhất trong toàn bộ MV vì đây là cảnh nguy hiểm và đoàn phim không được phép gây cháy nổ

Q&A CÙNG ĐẠO DIỄN VÕ THANH HÒA VÀ KAWAII TUẤN ANH

Đến với buổi talkshow, hai diễn giả đã dành khoảng thời gian quý báu của mình để giải đáp cặn kẽ những băn khoăn của các bạn trẻ trên con đường chinh phục sự nghiệp làm phim.

  1. 1. Để theo đuổi nghề làm phim, các bạn trẻ nên lựa chọn việc tự học hay học ở trường?

Đạo diễn Kawaii Tuấn Anh: 

Đây có lẽ là nỗi đắn đo của vô số bạn trẻ khi quyết định theo đuổi sự nghiệp làm phim. Đối với lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, nhất là nghề phim, việc học ở trường giúp bạn xây dựng nền móng vững chắc, làm bàn đạp để phát triển trong tương lai. Nếu chọn học từ thực tế, bạn sẽ có được kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi chưa có nền tảng từ đầu, bạn nên lựa chọn một ngôi trường phù hợp để học rồi sau đó dùng kinh nghiệm thực tế để bổ trợ thêm cho kỹ năng làm nghề của mình.”

2. Làm sao để trở thành một đạo diễn thành công?

Đạo diễn Võ Thanh Hòa: 

Đừng đặt nặng áp lực phải trở thành một người đạo diễn, đây là công việc đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Anh nghĩ các bạn hãy làm phim trước đã, hãy theo đuổi và thực hiện một dự án từ đầu đến cuối. Khi đấy, các bạn sẽ học tập được rất nhiều điều. Thông qua những trải nghiệm, các bạn mới có thể biết mình phù hợp với vị trí nào trong ngành làm phim. Trước khi làm một người đạo diễn, hãy là một Filmmaker. Khi trải nghiệm đủ nhiều, các bạn sẽ biết mình có phù hợp để trở thành đạo diễn phim hay không.

3. Nếu ví chân phải là người có nền tảng gia đình làm nghệ thuật, chân trái là người hoàn toàn không có nền tảng về nghệ thuật trước đó. Liệu rằng ai sẽ người đi nhanh hơn và thuận lợi hơn?

Đạo diễn Võ Thanh Hòa:

Thành thật mà nói, người chân phải sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, dù tự học hay học ở trường thì đều phải học, dù chân trái hay chân phải thì đều bước đi. 

Đạo diễn Kawaii Tuấn Anh:

Do đó, nỗ lực học tập, trau dồi bản thân về cả kiến thức học thuật lẫn trải nghiệm thực tế luôn là điều rất cần thiết đối với các bạn trẻ muốn dấn thân vào con đường làm phim chuyên nghiệp.

4. Làm sao có thể truyền tải cảm xúc vào các thước phim từ những kỹ thuật điện ảnh?

Đạo diễn Kawaii Tuấn Anh: 

Cảm xúc được xem là linh hồn trong các bộ phim, làm thế nào để thể hiện chân thật yếu tố này trên màn ảnh luôn là câu chuyện mà các nhà làm phim rất chú trọng. Đối với anh, cảm xúc thường xuất phát từ sự đồng cảm cùng nhân vật. Câu chuyện và nhân vật là yếu tố trực tiếp tác động đến cảm xúc khán giả. Kịch bản tốt sẽ chiếm 50% nền tảng ban đầu, 50% còn lại diễn ra trên hiện trường và phụ thuộc rất nhiều vào dàn diễn viên. Vì thế, đạo diễn cần có sự kết nối nhất định với diễn viên, phải giao tiếp và tôn trọng lẫn nhau. Trong mỗi giai đoạn sản xuất, luôn có từng yêu cầu kỹ thuật rất cụ thể. Tuy nhiên, kỹ thuật chỉ là công cụ, mục tiêu chung của tất cả nhà làm phim là kể một câu chuyện có thể truyền tải cảm xúc cho người xem. Kawaii thường xuyên hình dung mình sẽ mang điều gì đến với khán giả và giữ cảm xúc đấy xuyên suốt quá trình thực hiện dự án.

5. Phần lớn các đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Việt Nam hiện nay đều được đào tạo ở nước ngoài – nơi có ngành điện ảnh rất phát triển. Vậy thì các đạo diễn và nhà làm phim trẻ người Việt có nên đầu tư cho việc du học hay không?

Đạo diễn Võ Thanh Hòa:

Anh cũng từng có khoảng thời gian du học tại Singapore. Dù học ở đâu, bản chất và điều quan trọng nhất vẫn là nền tảng và cách tiếp cận với bộ môn nghệ thuật này. Với nghề làm phim, các bạn phải làm được phim thì mới được gọi là nhà làm phim. Các bạn trẻ không nên đặt nặng vấn đề học ở đâu, quan trọng hơn hết là bạn muốn học điều gì. Nền tảng thông qua các môi trường giáo dục chuyên nghiệp chỉ chiếm 10% và 90% còn lại phụ thuộc rất lớn vào việc tự học.

Hy vọng với những thông tin hữu ích được hai đạo diễn chia sẻ tại buổi talkshow, các bạn trẻ đã có được cái nhìn thực tế nhất về thị trường phim ảnh Việt Nam, cũng như hiểu thêm về những ngóc ngách khác nhau của lĩnh vực này. Từ đó, các bạn có thể hình dung rõ nét hơn về tương lai và con đường mà mình sắp trải qua trong nghề làm phim.

HỎI ĐÁP & TƯ VẤN NGÀNH HỌC KỸ XẢO ĐIỆN ẢNH, VFX, GAME CÙNG HỌC VIỆN MAAC

Bài viết mang đến bởi Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC (Maya Academy of Advanced Cinematics) là thương hiệu đào tạo Truyền thông & Giải trí (Media & Entertainment) của tập đoàn Aptech. MAAC có mạng lưới 160 trung tâm trên toàn thế giới, cung cấp dịch vụ đào tạo nghề bài bản, chuyên sâu, chất lượng cao trong các lĩnh vực:
· Hoạt hình 3D (3D Animation) – 24 tháng
· Kỹ xảo Điện ảnh (VFX – Visual Effects) – 24 tháng
· Thiết kế Game (Game Art & Design) – 24 tháng

Địa chỉ: 24-26 Phan Liêm, phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM
Hotline: 1900 2096
Website | Tuyển sinh | Fanpage | Youtube | Instagram