Các bạn muốn khám phá bí mật của các nhà thiết kế đồ họa hàng đầu trong cách họ sáng tạo logo?
Bài viết này sẽ miêu tả chính xác cách họ thiết kế logo trong thời đại hiện đại ngày nay. Ngoài ra, bài viết cũng đề cập đến quá trình thiết kế được sử dụng để cho ra sản phẩm thiết kế logo cuối cùng.
Tiến trình thiết kế logo bao gồm các bước:
1. Tóm tắt
Hầu như tất cả các nhà thiết kế đều đồng ý rằng bước thu thập thông tin từ khách hàng là bước quan trọng đầu tiên nhất, dù cho đó là bằng phỏng vấn trực tiếp hay thông qua bảng câu hỏi. Đây là nơi bạn hình thành bảng tóm tắt thiết kế. Nhà thiết kế John Homs nói rằng “Bạn cần hiểu khách hàng của mình thật kỹ trước khi bắt đầu thiết kế. Thiết kế không phải ngồi yên trong bóng tối mà chờ.”
Nếu bạn vẫn chưa có khách hàng nào, có lẽ bạn sẽ hứng thú với việc làm thế nào để bắt đầu công việc, bạn có thể sẽ cần viết ra một bảng tóm tắt về cách viết tóm tắt cho thiết kế đồ họa.
2. Nghiên cứu
Sau khi đã hình thành bảng tóm tắt thiết kế, việc tìm hiểu về loại hình kinh doanh của khách hàng là bước thiết yếu tiếp theo cho sự thành công của logo. Nghiên cứu bao gồm việc đọc các tài liệu về ngành công nghiệp, đôi khi là lịch sử hình thành và đối thủ cạnh tranh của họ. Nếu như ngân sách cho phép, các cuộc nghiên cứu bên ngoài cần được tiến hành.
3. Nghiên cứu trực quan
Đây không phải là nghiên cứu về việc kinh doanh của khách hàng mà là về phong cách của logo. Đây là bước chúng ta tìm kiếm cho hình dạng bên ngoài của logo, phong cách, cách tiếp cận, thông thường là một giai đoạn hoặc một phong cách nào đó chúng ta chưa quen thuộc quá nhiều hoặc để làm mới bản thân với những thứ mới hoặc thành công. Ví dụ: tìm kiếm logo của những doanh nghiệp tương tự và bình luận chúng – nguồn cảm hứng của chúng ta cũng sẽ bắt đầu từ đây.
Nhà thiết kế Wendy Stamberger nói “Tôi tìm kiếm những kỹ thuật và tự hỏi bản thân tại sao logo đó lại nhất quán đến thế, hoặc điều gì tạo nên một logo đáng quan tâm, hoặc tại sao tôi thích hoặc không thích logo đó.” Các nhà thiết kế nên làm thế để tích lũy được kiến thức sâu rộng hơn trong nền công nghiệp và thương trường.
Chú ý: một vài nhà thiết kế bỏ qua bước nghiên cứu trực quan này, họ thường sử dụng nguồn tài nguyên trực giác cá nhân của mình, tuy nhiên, việc này sẽ khiến các giải pháp thiết kế trở nên giới hạn hơn.
4. Phác thảo và lên ý tưởng
Việc phát triển ý tưởng thiết kế logo là lúc sự sáng tạo của bạn phát huy tác dụng, đây cũng là bước bảng tóm tắt thiết kế và nghiên cứu được sử dụng. Nhà thiết kế sẽ chọn phác thảo trên giấy hoặc trên máy tính, tuy nhiên phác thảo trên máy tính không được khuyến nghị sử dụng ở bước này.
Khi lên ý tưởng, một số nhà thiết kế chỉ tập trung vào phong cách thiết kế đồ họa hoặc trông tác phẩm sẽ như thế nào, số còn lại thì cố gắng truyền tải thông điệp sâu sắc hoặc lồng ghép câu đố vào logo (như biểu tưởng mũi tên trong logo của FedEx). Những dạng logo này thường để lại ấn tượng sâu sắc hơn cho người xem và tạo nên nhận diện thương hiệu tốt hơn. Đây là cách độc đáo để thêm chiều sâu cho thiết kế.
5. Đối chiếu
Dành thời gian nghỉ ngơi một chút cũng quan trọng như bảng tóm tắt thiết kế và các nghiên cứu cơ bản. Đôi khi chúng ta dễ bị đuối sức khi không thể sáng tạo được hoặc mệt mỏi vì những dự án. Đây là lúc bạn cần nghỉ ngơi để khơi nguồn lại ý tưởng sáng tạo. Khi quay trở lại với dự án, bạn sẽ có niềm nhiệt huyết mới, cách thấu hiểu sâu sắc và nhiều cơ hội hơn. Đây cũng là bước hợp lý để nhận các ý kiến phản hồi từ người khác.
6. Định vị các vai trò
Đây là lúc các nhà thiết kế chọn cách làm việc…nơi họ đặt mình với vai trò là nhà thầu và chỉ đáp ứng các yêu cầu từ mong muốn khách hàng (không chia sẻ với khách hàng về các vấn đề thiết kế). Hoặc họ tự định vị mình như một nhà kinh doanh và xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng (hướng dẫn khách hàng nhiều giải pháp thích hợp hơn). Dù là gì đi nữa, các nhà thiết kế cũng phải chọn cách họ hoạt động.
7. Thuyết trình
Đây là bước các nhà thiết kế thuyết trình về tác phẩm của mình với khách hàng. Họ có thể chọn trình bày tất cả các ý tưởng thiết kế logo (nếu không đoán được thị hiếu của khách hàng) hoặc chỉ chọn ra một vài thiết kế ưng ý nhất. Đây là một vấn đề tranh cãi, nhưng cá nhân tôi thì chỉ trình bày 1-2 ý tưởng mà thôi.
8. Thời điểm ăn mừng
Trong một cuộc khảo sát gồm 75 nhà thiết kế, khi tác phẩm được hoàn thành và chấp nhận, 31% sẽ ăn mừng bằng việc uống bia, 12% chọn ăn soocola, 22% đi ngủ để nạp lại năng lượng và 35% còn lại không ăn mừng gì cả vì họ phải tiếp tục dự án thiết kế logo mới.
Tóm lại là:
Dưới đây là bảng tóm tắt toàn bộ quá trình thiết kế logo.
- Bảng tóm tắt thiết kế: Tiến hành bảng câu hỏi hoặc phỏng vấn trực tiếp khách hàng
- Nghiên cứu: Tiến hành nghiên cứu tập trung vào ngành công nghiệp, lịch sử và đối thủ cạnh tranh
- Nghiên cứu trực quan: Nghiên cứu cách thiết kế các logo thành công và phong cách, xu hướng cụ thể liên quan đến bảng tóm tắt thiết kế.
- Phác thảo và lên ý tưởng: Phát triển ý tưởng thiết kế logo xoay quanh bảng tóm tắt thiết kế và quá trình nghiên cứu.
- Đối chiếu: dành thời gian nghỉ ngơi một chút trong suốt quá trình thiết kế. Điều này giúp ý tưởng của bạn trưởng thành hơn, bản thân nhiệt huyết hơn. Ghi nhận các nhận xét phản hồi.
- Định vị các vai trò: Định vị bản thân như một nhà thầu hoặc xây dưng mối quan hệ lâu dài. Chỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng hay hướng dẫn họ những giải pháp tốt hơn.
- Thuyết trình: lựa chọn thuyết trình với vài ý tưởng logo hay toàn bộ ý tưởng.
- Thời điểm ăn mừng: uống bia, ăn socola, ngủ, bắt đầu dự án mới…. Hoặc kết hợp tất cả.
Bài học cần nhớ
Khi bảng tóm tắt được tạo ra, mỗi nhà thiết kế đều có cách tiếp cận khác nhau. Nghĩa là, nếu đưa bảng tóm tắt ấy cho 100 nhà thiết kế thì chúng ta sẽ có 100 logo khác nhau, tức nhiên có một vài thiết kế sẽ giống nhau. Chúng ta đều có quyền nhận định thiết kế đó là “đẹp” hay “xấu” nhưng đến cuối cùng, người phán xét chính là khách hàng của bạn – những người hài lòng với tác phẩm và đồng ý trả tiền cho bạn.
Bí mật ở đây chính là sự tận tụy làm việc, tuy nhiên đừng cố gắng chăm chỉ thái quá với những ý tưởng đầu tiên trong quá trình, đây là chìa khóa dẫn đến thành công.
Viết bởi nhà thiết kế đồ họa Jacob Cass
Biên dịch: CiCi Giang | RGB
Để lại đánh giá