Top 27 mẹo thiết kế nhân vật (Character Design) hiệu quả – Phần 3

Quá trình tạo nên một nhân vật luôn đòi hỏi tư duy sáng tạo cao từ những nhà thiết kế. Những nhân vật trong phim hoạt hình hay quảng cáo tưởng chừng như đơn giản nhưng lại chứa đựng rất nhiều nỗ lực và kỹ năng để tạo ra chúng. Với 27 mẹo thiết kế dưới đây, designer sẽ dễ dàng hơn trong quá trình sáng tạo nhân vật của riêng mình.

19. Đừng bỏ quên mái tóc của nhân vật

Ørum chia sẻ: “Vài năm trước, tôi đã chuyển từ việc phải vẽ tóc thành yêu mái tóc của nhân vật”. “Trước đây, tôi thường coi việc tìm ra tất cả các chi tiết, hướng của mái tóc là một điều tẻ nhạt. Hiện tại, tôi nghĩ đến nó nhiều hơn, như là một hình khối tự nhiên (Organic Shape) giúp thể hiện và nhấn mạnh chuyển động của nhân vật  hoặc môi trường xung quanh nó”

“Bắt đầu bằng cách tạo một khối hình lớn, sau đó chia nó thành các phần nhỏ hơn, đồng thời cân nhắc về vị trí tóc và chân tóc. Mỗi đường phải giúp xác định được khối lượng, hình dạng và hướng tóc.”

Hình dạng, từng lọn tóc cho đến đường chân tóc là bí quyết để tạo nên một mái tóc đẹp (Nguồn ảnh: Pernille Ørum)

20. Thêm phụ kiện cho nhân vật

Đạo cụ và trang phục có thể giúp bạn nhấn mạnh các đặc điểm của nhân vật và hoàn  cảnh của họ. Ví dụ, quần áo xuề xòa thường được dùng để miêu tả nhân vật nghèo khó, trong khi kim cương và trang sức mang lại cảm giác về những người giàu có nhưng vô vị. Phụ kiện cũng có thể làm rõ hơn về tính cách của nhân vật. Ví dụ như một con vẹt trên vai cướp biển hay những con sâu bọ trong hộp sọ của quỷ hút máu.

21. Tập trung và biểu cảm khuôn mặt

Biểu cảm thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật, miêu tả những thăng trầm cũng như làm nổi bật tính cách của nhân vật đó. Tùy thuộc vào đặc điểm tính cách, cảm xúc của nhân vật có thể bị vụt tắt hay gượng gạo hoặc bùng nổ, phóng đại quá mức.

Biểu cảm khuôn mặt là chìa khóa cho tính cách của một nhân vật, như Droopy của Tex Avery đã thể hiện

Ørum chia sẻ rằng: “Khi bạn biết những kiến thức cơ bản về cách vẽ một khuôn mặt, hãy “chơi đùa” với biểu cảm của nhân vật”. “Sử dụng gương và nhìn khuôn mặt của chính mình để cảm nhận những thay đổi. Thử nhíu mày để thể hiện cảm xúc của bạn. Tránh tạo sự đối xứng trong khuôn mặt. Miệng sẽ luôn nghiêng về một phía và điều đó mang lại sức sống cho bức vẽ. Và hãy tạo dáng đầu nghiêng để tăng sắc thái cho nhân vật”

22. Đưa ra các mục tiêu cho nhân vật của bạn

Động lực thúc đẩy tính cách nhân vật chính là những gì nó muốn đạt được. Thiếu “thứ gì đó” như sự giàu có, tình yêu, hay một bí ẩn nào đó có thể tạo ra lực đẩy khiến câu chuyện và cuộc phiêu lưu của nhân vật trở nên kịch tính. Thông thường, những khiếm khuyết, sai sót trong thiết kế nhân vật là điều khiến nó trở nên thú vị hơn.

23. Xây dựng một câu chuyện phía sau nhân vật

Nếu bạn đang lên kế hoạch để thiết kế nhân vật truyện tranh hoặc hoạt hình, thì việc phát triển câu chuyện phía sau nó là rất quan trọng. Nhân vật đó đến từ đâu, nó tồn tại như thế nào và cả những sự kiện thay đổi cuộc sống của nhân vật cũng sẽ củng cố tính cách của nó. Đôi khi việc kể về những câu chuyện quá khứ của nhân vật còn thú vị hơn cả những cuộc phiêu lưu hiện tại.

Ørum nói rằng: “Nếu bạn đang gặp vấn đề khi cố gắng khắc họa bản chất của một nhân vật, hãy đặt nó trong một tình huống cụ thể”. “Sử dụng câu chuyện để suy nghĩ về cảm xúc của nhân vật trước khi thiết kế và thêm các chi tiết sau đó.”

Một câu chuyện quá khứ có thể giúp tiết lộ danh tính nhân vật của bạn (Nguồn ảnh: Pernille Ørum)

24. Hãy nhớ rằng không phải mọi thiết kế đều bao gồm khuôn mặt

Yukai Du không phải một nhà thiết kế nhân vật điển hình như bạn thường nghĩ tới: không có tác phẩm nào của cô ấy có khuôn mặt. Thay vào đó, bộ phận mà cô lựa chọn là đôi tay. Nhận thấy bản thân không giỏi trong việc nắm bắt những cảm xúc trong từng nét mặt cô ấy đã chuyển sang một bộ phận cơ thể khác: đôi tay. “Đôi tay chứa rất nhiều cảm xúc. Bạn có thể rất nhiều câu chuyện một cách đầy tinh tế thông qua đôi tay” Yukai chia sẻ. Và bàn tay đã trở thành cách kể chuyện đầy độc đáo của cô ấy.

Yukai Du với những đôi tay truyền cảm hứng (Nguồn ảnh: Yukai Du)

25. Làm cho thiết kế nhân vật của bạn linh hoạt

Việc có được những phần mềm và tài liệu phù hợp là điều khá hữu ích, nhưng nó lại khó có thể làm cho nhân vật của bạn trở nên sống động. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng đã được thiết kế thành công từ nhiều năm trước khi mà máy tính cá nhân còn rất hạn chế và Photoshop CC vẫn còn là một giấc mơ. Nếu nhân vật của bạn thật sự ấn tượng, bạn có thể dễ dàng nắm bắt chúng chỉ với bút và giấy. Nhà thiết kế Sune Ehlers từng nói: “Nhân vật có thể được thiết kế chỉ với một cây gậy nhúng bùn và vẽ trên đường nhựa.”

26. Tiếp thu nhận xét từ mọi người

Hãy cho mọi người thấy những thiết kế của bạn và hỏi về suy nghĩ, cảm nhận của họ. Đừng chỉ hỏi rằng họ có thích hay không, hãy xem liệu họ có thể nhận ra tính cách và đặc điểm của nhân vật của bạn hay không. Hãy tìm một người phù hợp với lĩnh vực mà bạn thiết kế và nhận lại phản hồi cụ thể của họ về điều đó.

27. Tạo môi trường phù hợp cho nhân vật của bạn

Cũng giống như việc tạo ra nguồn gốc, quá khứ của nhân vật, bạn cần phải tạo một môi trường cho nhân vật đó. Thế giới mà nhân vật sống và tương tác theo một cách nào đó sẽ giúp người xem hiểu được nhân vật đó là ai và họ hướng tới điều gì.

Xem lại phần 1
Xem lại phần 2

Theo creativebloq
Việt hóa bởi FPT Arena Multimedia

Bài viết mang đến bởi FPT-Arena Multimedia, trung tâm thuộc tập đoàn FPT liên kết với tập đoàn đào tạo CNTT toàn cầu Aptech.

Được thành lập vào tháng 7-2004, FPT-Arena là trung tâm đầu tiên đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện và cũng là trung tâm đầu tiên triển khai chương trình AMSP của Arena Ấn Độ tại Việt Nam với các chương trình đào tạo: Graphics Suite, Web & Digital Design, Film Making & Game Design, 3D Animation.

Liên hệ FPT Arena Multimedia tại:
Website | Tuyển sinh | Fanpage | Instagram | Youtube

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!