Bài thi Nam Long Design Award 2021: Đinh Hoàng Tâm – “Người Nhà Quê” Playground

Bài thi Nam Long Design Award 2021: The Shape of Community Space – Kiến tạo sân chơi gắn kết cộng đồng
Thí sinh: Đinh Hoàng Tâm
Bảng thi: Chuyên nghiệp
Tên công trình: “Người Nhà Quê” Playground
Bình chọn cho bài thi này tại: Fanpage arcvibes

Lời nói đầu

“Người nhà quê”

Tôi là người Sài Gòn, sinh ra lớn lên ở mảnh đất này. Cái chốn thị thành này xưa nay cái gì mà chẳng có, sợ không có tiền thôi chứ của ngon vật lạ gì ở Việt Nam cũng có ở cái đất Sài Thành này hết. Rồi mọi thứ trở nên khác lạ khi Covid đến, cầm tiền mà không ai bán, muốn mua mà cũng không được. Tôi loay hoay rồi ngồi nhìn các góc vườn nhỏ ở ban công của mình nào là lan hồ điệp, hoa sứ hay lá rẻ quạt rồi tôi tự hỏi hẵng chi hồi trước mình trồng thêm rau, hành ngò thì hay quá giờ có cái mà ăn.

Rồi tôi miên man nhớ cái gia đình nói chuyện đậm chất miệt vườn nọ, họ dẫn con lên Sài Gòn thi đại học, họ ngồi cạnh tôi sau khi tới giờ nghỉ trưa. Tôi nghe người má nói với con gái :” Chèn ơi ở đây họ trồng mấy cây gì lạ lạ hong hen, hong có thấy chái”, tôi nghĩ thầm muốn có trái thì ra chợ mua, mấy cây này tạo bóng mát thôi.

Cái mảnh chuyện nhỏ đó làm tôi nghĩ tới ý tưởng tạo ra những khoảng sân hay vườn cây trong thành phố thay vì xưa nay trồng để mát với đẹp thì giờ thêm công năng cung cấp thực phẩm. Thực phẩm này cũng chẳng phải mua bán hay nuôi sống ai, chúng nằm đó ai muốn dùng thì dùng xung quanh thiếu gì người cần, chẳng qua mình không để ý hay vô tâm thế thôi.

Vì thế mà tôi lấy cái tên “Người nhà quê” cho phương án thiết kế của mình, vì họ là nguồn cảm hứng, họ làm tôi nhớ lại ký ức khoảng sân , mảnh vườn cây trái rau củ của ông bà mình. Tôi thấy tiếc và nhớ nhiều lắm.

Phương án thiết kế

Với mục tiêu xây dựng không gian công cộng khơi dậy năng lượng và gắn kết cộng đồng, một trái tim của khu đô thị Waterpoint.

Cũng xuất phát ý tưởng đó mà team thiết kế đã khởi nguồn phương án thiết kế của mình bằng hình ảnh logo của đô thị Waterpoint. Một vòng tròn đồng tâm có diện tích 500m2, vòng tròn của sự kết nối, chia sẻ. Tuy nhiên để không gian trở nên sinh động và tạo ra không gian vui chơi, phát triển thể chất, gắn kết cộng đồng cư dân khu đô thị thì thiết kế cần phải tạo nhiều không gian chuyên biệt lẫn kết nối với nhau để phục vụ nhu cầu kết nối nhiều thế hệ và đối tượng sử dụng.

Với đặc trưng là một khu đô thị có vị trí đặc biệt khi có 3 mặt được bao bọc bởi 5,8km dòng sông Vàm Cỏ Đông. Xuất phát từ  hình ảnh dòng sông mềm mại uốn khúc đó mà nhóm thiết kế đã tiếp tục phát triển hình tượng vòng tròn đồng tâm thành con đường đi dạo uốn khúc và trải dài khắp khu đất tạo ra nhiều không gian và trải nghiệm khác nhau.

Sau khi tiến hành phân khu chức năng sơ bộ nhóm quyết định giảm số lượng đường thẳng xuống để tạo nên cảm giác vừa uyển chuyển vừa vững chãi cho tạo hình thiết kế.

Phân khu chức năng sơ bộ gồm 3 không gian chính:

  1. Là không gian dành cho thiếu nhi từ 5-12 tuổi.
  2. Là không gian sinh hoạt chung để có thể tổ chức các hoạt động cộng đồng, cắm trại, hội trợ hoặc lễ hội. Dành cho mọi đối tượng. Đây sẽ là khu vực trung tâm kết nối các không gian lại với nhau.
  3. Là không gian TDTT cho các cộng đồng dân cư như gym, thể thao ngoài trời, tập dưỡng sinh v.v…

Ngoài những không gian sinh hoạt ngoài trời nhóm đề xuất có những không gian có mái che để có thể đa dạng hơn các hoạt động như đọc sách, trò chuyện, câu lạc bộ v.v.

+ Những sân chơi và vận động ngoài trời phát triển thể lực cho bé, những không gian có mái che để các bé trò chuyện, học nhóm và các câu lạc bộ vẽ tranh, hát, nhảy múa giúp phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, mọi hoạt động diễn ra bên trong khuôn viên cây xanh làm tăng tình yêu thiên nhiên của trẻ.

+ Những không gian thể dục thể thao ngoài trời và sinh hoạt dưới mái che giúp gia đình thư giãn và trao đổi với nhau tăng sự gắn kết cộng đồng và xã hội.

+ Phần cột sắt chống lấy ý tưởng từ hình ảnh 1 cái cây để hòa hợp với không gian xung quanh.

Ngoài những không gian sinh hoạt ngoài trời nhóm đề xuất có những không gian có mái che để có thể đa dạng hơn các hoạt động như đọc sách, trò chuyện, câu lạc bộ v.v.  Ngoài yếu tố công năng thì nhóm muốn tăng thêm tính thẩm mỹ cho không gian vì thế đã sử dụng phương pháp tạo hình gấp nếp tạo nên sự thay đổi cao độ và cách chuyễn giữa các cote cao độ nạo nên sự thứ vị của tạo hình.

Mái và vách che từ mảng đặt đã được nhóm thiết kế tạo thành những mảng lam. Mảng lam này ngoài yếu tố về thẩm mỹ thì nó còn có tác dụng làm cho bề mặt trở nên nhẹ nhàng và giúp thông gió,xuyên sáng. Mảng lam sẽ là giàn dây leo để trồng các loại cây như bầu bí.

Giàn bầu, bí, khổ qua sẽ làm cho ta nhớ về những giàn cây ở quê mà đã gắn liền với ký ức của chúng ta.

Một giàn dây leo của “Người nhà quê”  ngoài làm đẹp, làm mát nó còn ăn được và gắn liền với ẩm thực Việt Nam. Giàn dây leo của “Người nhà quê” không mỹ miều, nên thơ như giàn dây leo của khu đô thị mà hiện nay chúng ta thường thấy. Giàn dây leo của “Người nhà quê” nhẹ nhàng đi sâu vào đời sống của mọi người.

Một hình ảnh quen thuộc với người dân quê Việt Nam là bên dưới giàn bầu, bí là một tấm phản bằng gỗ nơi đó là nơi ông bà ngồi uống trà, con cháu quây quần nghe ông bà kể chuyện. Gia đình ngồi ăn cơm hay trò chuyện. Hàng xóm qua chơi ngồi tâm sự. Đó là hình ảnh mà nhóm muốn đưa vào “Người nhà quê”.

Ngoài khu vực phản ngồi quen thuộc thì sẽ có những vị trí bố trí bàn ghế để có thể phù hợp cho việc hoạt động nhóm, học tập, vẽ tranh và các câu lạc bộ v.v…

Đa dạng các hình thức sinh hoạt và nghỉ ngơi bên dưới dàn bầu, bí của “Người nhà quê” giúp không gian trở nên thu hút và phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau.

“Người nhà quê” không chọn những loại cây đắt tiền hay những loài hoa mỹ miều để làm đẹp cho cảnh quan của dự án. “Người nhà quê” chọn những vườn rau, những khoảnh vườn nhỏ xinh. Những khoảng vườn nhỏ này nuôi sống những bữa ăn, chúng cũng nuôi dưỡng tinh thần, lòng biết ơn và là cách đem thiên nhiên gắn chặt với đời sống là một phần không thể thiếu. Những ngày giãn cách khi những điều ta nghĩ hằng ngày là bình thường trở thành xa xỉ, những cọng hành bó rau trở nên quý giá biết bao.

Những vườn cây ăn trái của “Người nhà quê” đem tới bóng mát cho những hoạt động cắm trại, nghỉ ngơi. Bên cạnh đó còn đem đến những trái cây chín ngọt cho cư dân.

Phối cảnh

Video

Nam Long Design Award 2021: The Shape of Community Space – Kiến tạo sân chơi gắn kết cộng đồng là cuộc thi do Nam Long Group phối hợp cùng Trường Đại học Kiến Trúc, RGB, Decox và arcvibes tổ chức.

Với tổng giải thưởng hơn 200 triệu đồng cùng sự tham gia của Ban Giám Khảo chuyên môn cao, cuộc thi chính là sân chơi chất lượng dành cho cộng đồng kiến trúc sư, sinh viên thiết kế. Ngoài việc tạo ra cơ hội để các bạn thử sức, khẳng định bản thân mình, cuộc thi còn tìm kiếm những thiết kế “vì cộng đồng”, có ích cho cuộc sống. Những tác phẩm xuất sắc sẽ được chọn để hiện thực hóa ý tưởng thành công trình sân chơi tại dự án đô thị tích hợp Waterpoint do Nam Long Group phát triển.

Theo dõi cuộc thi tại: rgb.vn/namlongdesignaward

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!