Thuyết minh dự án
CHƠI CHUNG KHOẢNG TRỜI
Với chúng tôi, sân chơi là cơ hội để các hoạt động thể chất và xã hội của con người được hòa quyện trong sự gần gũi với thiên nhiên xung quanh. Thay vì tập trung vào các thiết bị chơi đơn điệu, thường được coi là nguyên nhân chính của việc sử dụng sân chơi thấp sau một thời gian đưa vào sử dụng, giải pháp của chúng tôi là một mô hình với sự gợi mở tự do, tập trung vào khái niệm cốt lõi “sân chơi” thông qua bản chất của không gian và tác động của nó tới các cá nhân bên trong nó.
Dựa trên quan điểm đó, thông qua thiết kế của mình, 3 mục tiêu mà dự án muốn truyền tải bao gồm:
Sân chơi công cộng cho cộng đồng
Chính vì sân chơi được xem xét như là không gian tập hợp của cộng đồng nên trong giải pháp của chúng tôi không có sự phân chia không gian theo đối tượng và loại hoạt động. Mọi người đều có sự tự do sử dụng và có thể tìm thấy không gian phù hợp cho mục đích sử dụng của mình tại đây. Các chủ đề và hoạt động tự do của sân chơi được dựa trên chính trí tưởng tượng của bản thân người sử dụng. Mục tiêu này mang tới cho mọi đối tượng sử dụng một suy nghĩ đó là sân chơi được sở hữu bởi chính bản thân mình, từ đó tạo ra cảm hứng để mọi người luôn muốn ghé thăm một lần nữa và một lần nữa.
Hoạt động phát triển cá nhân hoặc nhóm
Không chỉ là một không gian vui chơi, sân chơi được thiết kế cho việc tổ chức workshop, các hoạt động nghệ thuật và giáo dục ngoài trời… dành cho mọi đối tượng và lứa tuổi. Chính các hoạt động sáng tạo, đổi mới và linh hoạt này tạo ra sự đa dạng chủ đề cho sân chơi. Có thể nói sân chơi trở thành một phương tiện mà trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung có thể cùng nhau chia sẻ để phát triển toàn diện hơn về mọi mặt bao gồm: thể chất, trí tuệ, tình cảm, xã hội và đạo đức.
Ý nghĩa của Indoor và Outdoor
Mặc dù bản chất của sân chơi là không gian công cộng ngoài trời, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng có rất nhiều quan điểm còn tồn tại về chơi trong nhà và chơi ngoài trời – cái nào tốt hơn?
Chúng tôi tôn trọng cả 2 ý kiến và mong muốn giải quyết sự mâu thuẫn thông qua sự lồng ghép khéo léo trong thiết kế của mình. Đó chính là để tự các đối tượng tìm ra câu trả lời cho riêng mình thông qua việc sử dụng sân chơi. Để làm được điều đó chính là sự kết hợp của cả 2 phương tiện: không gian trống vô hình và hình khối kiến trúc hữu hình:
Về không gian, cấu trúc của sân chơi mang cảm giác khép kín với vòng tròn phía trên. Tuy nhiên chính vì thế mà khoảng trống được tạo ra, trở thành “sân trong”, hay không gian bên trong. Từ đường dạo hay không gian xanh xung quanh, bạn tiến vào sân chơi, đến “sân trong” – một không giản mở được tạo ra từ chính cảm giác khép kín của hình khối. Cách thông thường mà chúng ta thường nhận thức bên trong và bên ngoài dường như bị đảo ngược.
Về kiến trúc, các khối kín trong sân chơi không được thiết lập để cô lập các cá nhân, chúng chính là công cụ mà các đối tượng tương tác khi sử dụng. Mọi người bước vào trong để cùng chia sẻ với nhau. Và nhận thức về không gian cũng được hình thành bởi khi ở trong không gian kín, chúng ta lại có xu hướng nghĩ về bên ngoài và ngược lại. Đây chính là điều mà chúng tôi mong muốn mọi người đều có thể cảm nhận được.
Cuối cùng, không chỉ dừng lại ở những điều đó, chúng tôi muốn hướng tới một tầm nhìn xa hơn là một không gian vui chơi. Với cấu trúc và phương án đề xuất, trong tương lai đó là sự tùy biến linh hoạt theo thời gian, theo sự kiện và cả về những yếu tố ngoại cảnh để thiết kế có những đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Hồ sơ thiết kế
Mặt bằng tổng thể
Xuất phát từ ý tưởng hơn cả một sân chơi, dự án muốn tạo ra một địa điểm nổi bật nhằm khuyến khích các hoạt động ngoài trời, mang trong nó là các đặc điểm:
- Sân chơi là một không gian mở tự do, không có sự phân biệt về đối tượng sử dụng hay hoạt động cụ thể nhằm tạo ra sự linh hoạt cho người sử dụng.
- Ở chức năng thứ 2, sân chơi được nhìn nhận như một khu phức hợp của các hoạt động ngoại trời nhằm hướng tới phát triển cá nhân và cộng đồng.
- Cuối cùng, thực tế vẫn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều giữa việc chơi trong nhà và chơi ngoài trời, cái nào tốt hơn? Chúng tôi tôn trọng ý kiến của mọi người và giải quyết mâu thuẫn giữa 2 quan điểm một cách khéo léo. Sân chơi của chúng tôi chứa đựng cả 2 yếu tố trên bởi các chi tiết được thiết kế cho phép biến đổi không gian linh hoạt luân phiên giữa trong và ngoài. Thậm chí cảm giác về “trong” và “ngoài” hoàn toàn bị đảo lộn trong chính sân chơi, từ đó tự các đối tượng sẽ có suy nghĩ để tìm ra câu trả lời cho riêng mình.
Bản vẽ mặt bằng-mặt cắt
Sân chơi có cấu trúc đơn giản, bao gồm 2 phần chính: Bệ đỡ bằng gỗ và được kết nối với nhau bởi một vòng khung kim loại nhẹ phía trên.
Chúng tôi đã nghiên cứu để đưa ra phương pháp thi công đơn giản, dựa trên phương pháp chia nhỏ các thành phần của cấu trúc và được lắp ghép hoàn toàn thủ công (được ttrình bày ở phần tiếp theo). Chính vì thế, mọi người hoàn toàn có thể cùng nhau chung tay xây dựng sân chơi cho chính bản thân mình và mọi người. Đây chính là ý nghĩa của kiến trúc cho cộng đồng được xây dựng bởi cộng đồng.
Mô hình này không can thiệp quá nhiều tới cấu trúc đất nền của khu vực hay yêu cầu kĩ thuật phức tạp. Đặc biệt hệ cấu trúc vô cùng linh hoạt trong việc di chuyển hay nhân rộng tùy thuộc mục đích sử dụng.
Bản vẽ tách lớp cấu trúc
Vòng khung kim loại
Vòng tròn được hình thành với ý nghĩa tạo nên một giới hạn hữu hình, tuy nhiên cũng đồng nghĩa với một hình tượng kết nối
Khu vực sân khấu
Đây là khu vực sân khấu trung tâm để tổ chức các hoạt động ngoài trời, chiếu phim. Ngoài ra ở đây có sự thay đổi cao độ, về không gian để tăng tính trải nghiệm và sáng tạo.
Các module linh động
Ngoài những yếu tố chính thì thiết kế được bổ sung thêm các module linh động có thể tháo rời và tùy biến trong tương lai, ở đây tạo nên các khám phá cá nhân các tìm tòi và sáng tạo.
Ghi chú:
Với cấu trúc đề xuất đơn giản, phù hợp với điều kiện ngoài trời, thuận lợi trong việc thi công lắp ghép và cũng đảm bảo tính trải nghiệm mà mô hình mang lại.
Bản vẽ chi tiết
Chi tiết cấu tạo khối 01
Ghi chú:
Sử dụng gỗ nhựa tái chế với mô hình lắp ráp, thêm bớt linh động. Đây cũng được xem như là các mái nhà nhỏ, được bố trí ngẫu nhiên. Ngoài ra đây cũng là một phần kết cấu của mô hình thiết kế.
Chi tiết tấm 01
- Số lượng: 1 khối
- Chất liệu: Gỗ nhựa tái chế
Chi tiết tấm 02
- Số lượng: 2 tấm
- Chất liệu: Gỗ nhựa tái chế
Chi tiết tấm 03
- Số lượng: 2 tấm
- Chất liệu: Gỗ nhựa tái chế
Chi tiết cấu tạo khối 02
Ghi chú:
Đây là sân khấu chính để tổ chức các hoạt động như chiếu phim, triển lãm, ca hát…Ngoài ra, đây cũng chính là một phần quan trọng của sân chơi thường ngày. Với sự thay đổi độ cao linh hoạt, khu vực sân khấu cũng chính là sân chơi, là nơi mang lại nhiều trải nghiệm và khám phá cho các hoạt động ngoài trời.
Chi tiết tấm 01
- Số lượng: 1 khối
- Chất liệu: Gỗ nhựa tái chế
Chi tiết tấm 02
- Số lượng: 1 khối
- Chất liệu: Gỗ nhựa tái chế
Chi tiết tấm 03
- Số lượng: 1 khối
- Chất liệu: Gỗ nhựa tái chế
Chi tiết tấm 04
- Số lượng: 1 khối
- Chất liệu: Gỗ nhựa tái chế
Chi tiết cấu tọa khối 03
Ghi chú:
Với cấu trúc đơn giản và linh động, đường tròn được nổi bật như là một sự kết nối và định hình một không gian vô hình. Ngoài ra đường tròn cũng được sử dụng như là một điểm nhấn cảnh quan cho khu vực.
Phối cảnh đêm
Không chỉ linh hoạt về chức năng, sân chơi còn tùy biến linh hoạt vào buổi tối, đem lại các trải nghiệm mới mẻ. Hệ rèm không phải ngăn cách mọi người mà đó chính là phương thức để kết nối. Trong trường hợp bên trong tổ chức các hoạt động cần hạn chế ảnh hưởng tới xung quanh, lớp rèm mỏng vẫn đảm bảo sự riêng tư vừa đủ mà không làm cho không gian bị gò bó. Hệ thống chiếu sáng làm sân chơi trở thành điểm nhấn của khu vực, trở thành ngọn đèn chiếu sáng cả công viên vào buổi tối, tăng sự chú ý cũng chính là một giải pháp được đưa ra nhằm tăng tính an toàn cho các đối tượng sử dụng không gian.
Để lại đánh giá