Game Designer (Thiết kế game) và Game Artist (Họa sĩ game) luôn là hai vị trí công việc thu hút nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ khi lựa chọn dấn thân vào ngành công nghiệp Game. Vậy thì mỗi vị trí sẽ giữ vai trò và nhiệm vụ ra sao trong quy trình sản xuất một trò chơi điện tử? Hãy cùng Học viện MAAC tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Sự khác nhau giữa Game Designer và Game Artist:
Game Designer (Thiết kế game)
Game Designer (Thiết kế game) được hiểu là người tạo ra các quy tắc, khái niệm và cơ chế của trò chơi điện tử. Trước khi thực hiện việc xây dựng nhân vật, bối cảnh hay các tương tác môi trường, Game Designer là người đảm nhận nhiệm vụ lên ý tưởng, sáng tạo mạch câu chuyện, phong cách, luật chơi, các chức năng, cấp bậc trong game. Nhìn chung, Game Designer là người giữ vai trò quyết định nội dung và quy luật của một trò chơi điện tử.
Trên thực tế, Game Design là lĩnh vực rất rộng, vì thế vai trò của người thiết kế game cũng rất đa dạng, trải dài từ việc tham gia vào quy trình sáng tạo, lên concept, bối cảnh trong game đến việc tạo ra các bản mô tả về trò chơi dưới góc độ nghệ thuật và kỹ thuật.
Game Designer phải là người dung hòa được yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật. Điển hình, người thiết kế game cần phải cân nhắc nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý người chơi nhằm mục đích tạo ra các nội dung game phù hợp với thị hiếu người sử dụng.
Tuy nhiên, không chỉ là những sáng tạo, mơ mộng mà còn cả sự thực tế và logic. Điều này đòi hỏi Game Designer cần sở hữu nền tảng kỹ năng chuyên môn, sự hiểu biết sâu sắc về các công cụ thiết kế, cùng một trải nghiệm và kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: thiết kế đồ họa (Graphic Design), vật lý (Physics), hoạt hình 3D (3D Animation),…
Một số vị trí công việc thuộc lĩnh vực Game Design
Scripting Designer
“Script” còn được biết đến là công việc viết code hoặc lập trình cho game. Scripting. Vị trí này yêu cầu bạn phải hiểu biết nhiều về mặt kỹ thuật, các game engine và ngôn ngữ lập trình. Ngoài ra, Scripting Designer cũng là người đưa các ý tưởng biến thành sản phẩm thực tế. Scripting Designer là vị trí vô cùng quan trọng và đặc biệt hấp dẫn đối với các bạn trẻ yêu thích lập trình nhưng lựa chọn theo đuổi con đường Game Design.
Trong vai trò của người Scripting Designer, bạn phải liên tục làm việc cùng đội nhóm để xây dựng module phát triển game, thực hiện các demo tính năng, xây dựng các bản mẫu thô. Do đó, các kỹ năng chuyên môn về code, lập trình và kỹ thuật nâng cao là yêu cầu bắt buộc với người Scripting Designer.
Gameplay Designer
Vai trò của người Gameplay Designer là thiết kế, xây dựng lối chơi trong game. Thông thường, vị trí này sẽ thường xuyên hợp tác cùng Scripting Designer để kiểm tra tính thực thi hóa của các ý tưởng game về mặt kỹ thuật, từ đó có những chỉnh sửa hoặc hướng đi khác phù hợp hơn về kịch bản game. Để trở thành một Gameplay Designer bạn cần trang bị cho bản thân kiến thức, sự hiểu biết sâu sắc về nhiều thể loại game, cùng một cảm quan và tư duy nhạy bén về game để theo kịp thị hiếu của game thủ, cũng như các xu hướng mới của thị trường game.
System Designer
System Designer là một vị trí đòi hỏi kinh nghiệm lâu năm, bởi lẽ họ là những người đảm nhận nhiệm vụ thiết kế và xây dựng nhiều hệ thống quan trọng mang tính cốt lõi trong một trò chơi điện tử. Các System Designer thường là những người có kiến thức tổng quan về các hệ thống game, khả năng phân tích dữ liệu và viết kỹ thuật rất tốt.
Ngoài ra, các vị trí như: Level Designer, Ux Designer, Operation Designer,… cũng là những công việc phổ biến tại Việt Nam mà các bạn có thể cân nhắc lựa chọn khi dấn thân vào thế giới của những Game Designer.
Game Artist (Họa sĩ game)
Nếu Game Designer là người lên ý tưởng cho các trò chơi điện tử thì Game Artist là người thực hiện hóa các ý tưởng đó. Nói cách khác, Game Artist sẽ giữ vai trò mô hình hóa đối tượng và khiến cho những vật thể (Object) được tạo ra bởi ý tưởng của Game Designer trở thành hình dáng cụ thể.
Các yếu tố trong game như: nhân vật, đồ vật, xe cộ, trang phục, cảnh quan, công cụ chiến đấu, kết cấu bề mặt hay bất kỳ chi tiết, sự vật nào xuất hiện trong bản phác thảo ý tưởng đều sẽ được xây dựng và phát triển thành hình dạng 2D/3D bởi các Game Artist.
Game Artist là người nắm giữ vẻ đẹp thẩm mỹ của các hình ảnh trong game, vì thế để trở thành một Game Artist, bạn cần trang bị kiến thức, sự hiểu biết về thiết kế và mỹ thuật Game (Game art & design), diễn hoạt và mỹ thuật Game (Game art & animation), cùng nhiều kỹ năng và bằng cấp khác.
Một số vị trí công việc thuộc lĩnh vực Game Art
(Tham khảo từ: www.careerexplorer.com/careers/games-artist/)
Concept Artist
Concept Artist là người đảm nhận nhiệm vụ phác thảo ý tưởng cho các trò chơi điện tử, điển hình là các hình ảnh về nhân vật, xe cộ, nội thất, quần áo… Với vai trò này, Concept Artist thường làm việc trên giấy và bút nhiều hơn trên phần mềm máy tính. Mặc dù không tham gia trực tiếp vào quá trình tạo ra thế giới nghệ thuật game trên màn ảnh, tuy nhiên những concept của họ chính là điều cần thiết giúp việc hình dung tổng quan về thế giới hiện hữu trong game trở nên dễ dàng hơn.
3D Modeller
Họa sĩ dựng hình 3D (3D Modeller) là người đảm nhận vai trò xây dựng và phát triển mô hình 3D cho các nhân vật, thực thể sống, phong cảnh, thảm thực vật, đồ vật, xe cộ trong game. Đặc biệt, 3D Modeller là những người có khả năng cân bằng các chi tiết hình ảnh với những hạn chế của công nghệ game.
2D, 3D/Texture Artist
2D/Texture Artist là người tạo kết cấu cho các môi trường, vật phẩm và nhân vật trong game, chẳng hạn như bề mặt của tường và sàn nhà trong các tòa cao ốc. Để đảm nhận công việc của người 2D/Texture Artist, bạn cần sở hữu kỹ năng chuyên môn cao, cùng với sự am hiểu và một số lượng kiến thức nhất định về ánh sáng, vật liệu, phối cảnh và hiệu ứng hình ảnh.
Bên cạnh các vị trí được đề cập phía trên, còn nhiều vai trò khác mà một người theo đuổi con đường trở thành Game Artist có thể đảm nhận, điển hình là: Environment Artist, Lighting Artist, Effects Artist,…
3D Animator
3D Animator là vị trí làm tất cả các chuyển động, bao gồm chuyển động của camera (Camera), ánh sáng (Lights), các vật thể (Objects),… giúp các nhân vật, con vật trong game trở nên sinh động nhờ kỹ năng diễn hoạt.
Mức lương
Với tiềm năng phát triển hiện tại, Game Designer và Game Artist là một trong số những vị trí công việc hấp dẫn và khát nguồn nhân lực nhất trong ngành công nghiệp game hiện nay. Do đó, đây luôn là miền đất hứa dành cho các tín đồ đam mê thiết kế và ấp ủ giấc mơ làm việc trong ngành công nghiệp game.
Game Designer
Số liệu thống kê của Career Explorer công bố, một Game Designer 5 năm kinh nghiệm tại thị trường Bắc Mỹ có thể đạt được mức thu nhập 90.000 USD/năm (khoảng 2 tỷ đồng). Bên cạnh đó theo thống Payscale, mức lương trung bình của vị trí Game Designer là 66.000 USD/năm (khoảng 1,5 tỷ đồng). Trong đó, mức khởi điểm rơi vào mức 40,000 USD/năm (khoảng 917 triệu đồng) và cao nhất có thể đạt đến 104.000 USD/năm (khoảng 2,4 tỷ đồng). Tại Việt Nam, mức lương trung bình chi trả hằng năm cho các nhà thiết kế game khoảng 442 triệu đồng.
Game Artist
Theo số liệu thống kê của SalaryExpert, 3D Game Artist là một trong những vị trí được công ty game tại thị trường Việt Nam ưu tiên tuyển dụng nhiều nhất. Mức lương trung bình cho vị trí này khoảng 290 triệu đồng/năm (khoảng 134.000 VND/giờ). Trong đó, mức khởi điểm là 215 triệu đồng/năm, nếu thăng tiến đến cấp bậc Senior hoặc cao hơn thì có thể nhận về mức lương khoảng 360 triệu đồng/năm (30 triệu đồng/tháng).
Kiến thức và kỹ năng cần thiết
Tùy vào từng vị trí công việc cụ thể mà sẽ có những yêu cầu và kỹ năng khác nhau. Tuy nhiên, một người theo đuổi con đường trở thành Game Designer và Game Artist cần đáp ứng một số yêu cầu về kiến thức, kỹ năng sau đây.
Game Designer
- Sự hiểu biết về các thể loại và xu hướng game mới
- Nắm bắt tâm lý người chơi
- Kỹ năng thiết kế game nâng cao
- Vận dụng thành thạo các Game Engine
- Kỹ năng phân tích, code, lập trình và thống kê trò chơi
- Sự hiểu biết về công nghệ thực tế ảo
- Sản xuất ảo và chuyển động
Game Artist
- Diễn hoạt và mỹ thuật trong game
- Kiến thức về ánh sáng, phối cảnh, vật liệu và các hiệu ứng đặc biệt trong game
- Kỹ năng vẽ, khả năng hình dung và thiết kế những ý tưởng trừu tượng
- Sự hiểu biết về các thể loại và xu hướng trò chơi
- Kiến thức về hoạt hình 2D và 3D
- Sự hiểu biết nâng cao về ngôn ngữ hình ảnh, kết cấu, màu sắc, tỷ lệ, kích thước, nhận thức không gian,…
- Khả năng làm việc logic, có tính hệ thống
Tổng quan
Game Designer | Game Artist | |
Khái niệm | Người lên ý tưởng nội dung, nguyên tắc, luật chơi trong game | Người thiết kế, mô hình hóa các ý tưởng thành hình dạng cụ thể trong game. |
Vị trí công việc | Gameplay Designer, System Designer, Scripting Designer, Operation Designer,… | Concept Artist, 3D Modeller, 2D/Texture Artist, Lighting Artist,… |
Kiến thức, kỹ năng | Sự hiểu biết, kỹ năng thiết kế game nâng cao; vận dụng thành thạo các Game Engine, ngôn ngữ lập trình, coding, sự hiểu biết về các thể loại và xu hướng trò chơi,.. | Diễn hoạt và mỹ thuật trong game; kiến thức về ánh sáng, phối cảnh, vật liệu và các hiệu ứng đặc biệt trong game, v.v… |
HỎI ĐÁP & TƯ VẤN NGÀNH HỌC KỸ XẢO ĐIỆN ẢNH, VFX, GAME CÙNG HỌC VIỆN MAAC
Để lại đánh giá