Năm 1985, sau thất bại trên chiến trường tranh đấu quyền lực trong chính công ty mình từng sáng lập ra – Apple, Steve Jobs đã sáng lập một công ty máy tính mới với tên gọi NeXT, tập trung phát triển và sản xuất dòng máy tính cá nhân. Khi đó Jobs đã thuê nhà thiết kế Paul Rand thiết kế logo cho công ty với mức giá khá cao: 100,000 USD. Sau một thời gian miệt mài làm việc, cuối cùng Paul Rand đã đưa ra một Brochure 16 trang giải thích quá trình lựa chọn thiết kế logo NeXT với khối lập phương màu đen bí ẩn. Một điều đặc biệt nữa đó là khi trình bày ý tưởng của mình, Paul đã không hề nói gì, ông chỉ đơn giản lật giở từng trang Brochure để Steve Jobs tự mình khám phá hình ảnh của logo.
1. Logo NeXT – sự thấu hiểu sâu sắc nghệ thuật Typo
Trang bìa của logo hoàn toàn khác biệt, nó không thể hiện phiên bản cuối cùng của logo là gì. Thay vào đó, Steve Jobs chỉ nhìn thấy những chữ cái rời rạc, không liên kết trên nền sách màu đen đầy bí ẩn. Có lẽ đó cũng chính là dụng ý của bậc thầy Typography này.
Những trang đầu, Paul Rand nêu ra vấn đề: logo của NeXT nên như thế nào?
Đầu tiên, kiểu chữ của NeXT phải nói lên tính chất của sản phẩm. Và ông đưa ra 2 ví dụ về 2 kiểu chữ: Caslon và Bifur. Nếu như Caslon trông rất trang nhã, cổ điển và mang tính học thuật – phù hợp với ngành giáo dục thì Bifur lại là một thiết kế rất hiện đại và thể hiện được tính công nghệ. Vậy nên với một công ty tập trung vào Công nghệ cho giáo dục như NeXT, chắc chắn logo của NeXT sẽ cần phải khỏe khoắn, hiện đại song cũng phải mang tính học thuật cao.
Tiếp theo, Steve Jobs được dẫn dắt theo dòng suy nghĩ của bậc thầy: Nếu tất cả các chữ cái của Next được viết hoa thì sao? NeXT sẽ khiến người ta nghĩ ngay đến EXIT bởi cụm EXT quá dễ nhầm lẫn. Vậy cách giải quyết là gì? Để thu hút mắt nhìn, chữ E sẽ phải viết thường, để phá đi cụm EXT đang quá nổi bật kia, và để khác biệt hóa chữ E với những nét sổ thẳng đưa ngang mạnh mẽ của những chữ cái còn lại. Paul Rand đưa ra 2 logo ví dụ mà ông đã thực hiện: IBM và ABC (American Broadcasting Company). Với công ty chuyên về công nghệ như IBM, mọi nét của ông rất dứt khoát, mạnh mẽ, thể hiện đúng tính chất của một công ty công nghệ. Nhưng với ABC, hãng truyền thông lớn nhất nước Mỹ, ông đã chọn chữ viết thường mềm mại, cổ điển abc để toát lên thông điệp về một kênh truyền thông đa dạng, linh hoạt và chính thống. Vậy là NeXT ra đời với nhiều dụng ý.
2. Sự phá cách có chủ ý trong nghệ thuật thiết kế
Logo của một công ty theo Paul, sẽ cần phải có ý nghĩa, như thế nó mới được khách hàng ghi nhớ. Muốn thế logo cần phải là cái gì đó thật gần gũi, nhưng cũng phải gợi trí tò mò của khách hàng. Vậy là một khối lập phương, một chiếc hộp đen đầy bí ẩn được lựa chọn – đây cũng là hình ảnh mà Steve Jobs đã nhắc đến khi miêu tả sản phẩm của NeXT khi đặt Paul thiết kế logo. Hình ảnh chiếc hộp đen đơn giản khiến người ta liên tưởng đến rất nhiều thứ sáng tạo, độc đáo, bí ẩn và cần được khám phá. Có thể nói, đây là một lựa chọn không quá khác biệt nhưng điểm khác biệt lại chính là việc lựa chọn khối nổi 3D để thể hiện. Theo Paul Rand, khối lập phương này gây tò mò, chú ý cho rất nhiều người.
Bên cạnh đó, từ next được dùng rất nhiều trong tiếng Anh: what next? (còn gì nữa?), next time (lần tới nhé)… – chính vì thế, NeXT cần phải thật khác biệt – khác hẳn những gì người ta áp đặt cho 1 logo bình thường để sự gần gũi mà độc đáo, khác biệt của NeXT được nhấn mạnh hơn nữa.
Nếu đã học thiết kế, mọi người sẽ biết rằng việc kết hợp giữa tên gọi của công ty với một hình tượng nào đó có thể sẽ là một kết hợp tồi và đôi khi phản tác dụng. Nhưng chính vì thế, Paul Rand đã lựa chọn cách đó để làm nổi bật logo NeXT: NeXT với kiểu chữ San Serif đơn giản nằm gọn trong một mặt của khối lập phương. Một logo không giống với những logo khác nhưng chính vì thế nó gây ấn tượng bởi sự kết hợp tưởng chừng như không thể này.
Một điều bất thường nữa trong logo của NeXT chính là độ nghiêng của khối lập phương: nghiêng 28o. Người ta hiếm khi làm logo nghiêng song Paul Rand đã có một cách giải thích thật tuyệt vời cho sự khác biệt này. Theo ông, góc nghiêng này tạo ra sự thoải mái, thân thiện và thậm chí rất bắt mắt. Sản phẩm của NeXT chắc chắn sẽ rất hấp dẫn và thân thiện với người dùng.
Khi Allworth Press phỏng vấn Paul Rand về lý do tại sao ông đã lựa chọn logo NeXT như thế, ông đã khẳng định rằng: bản thân logo cần được nhân cách hóa. Giống như việc lựa chọn tên Apple cho hãng máy tính của Steve Jobs – Apple hết sức thân thuộc, dễ thương giống như hình ảnh “quả táo cắn dở” với những dải màu sắc cuốn hút. Khối lập phương cũng thế, nó gần gũi, nó chứa đựng những điều bí ẩn, gây tò mò nhưng hấp dẫn. Một lần nữa, Paul muốn khẳng định một chân lý rằng: một logo không nhất thiết phải nói lên mặt hàng kinh doanh của doanh nghiệp. Nó có thể là con cá sấu (Lacoste), con dơi (Bacardi)… nhưng điều quan trọng là khách hàng ghi nhớ được nhãn hàng và sản phẩm tuyệt vời của doanh nghiệp đó khi nhìn thấy logo của hãng. Đó cũng là lý do Paul Rand đã sáng tạo vượt qua mọi nguyên tắc để tạo nên những NeXT, Enron, UPS…
3. Logo vs Typography
Người ta cũng kể rằng khi Rand đồng ý thiết kế thêm danh thiếp cá nhân cho Jobs, ông đã làm ra một danh thiếp với màu sắc mà Jobs rất thích nhưng chỉ vì một dấu chấm mà họ đã cãi nhau nảy lửa kéo dài hàng tuần về vị trí của dấu chấm sau chữ P trong tên Steven P. Jobs. Rand muốn đặt dấu chấm ở bên phải, cách một chút chữ P như cách xếp con chữ chì bằng tay. Trong khi đó, Steve lại thích dấu chấm phải lùi về bên trái, ngay dưới phần cong của chữ P, điều chỉ có thể làm được bằng typography trên máy tính.
Và cuối cùng Jobs đã thắng.
Paul Rand là một nhà thiết kế có tài, có cá tính và có chính kiến riêng. Nhưng với chữ P., ông đã phải nhường bước. Typography đã kết nối hai người khổng lồ của lĩnh vực thiết kế và lĩnh vực kinh doanh với nhau. Có lẽ, chính vì bước ngoặt trong cuộc đời mình của Steve – bỏ học đại học để học khóa học duy nhất về Typography – mà Jobs đã có thể khiến cho “nhà thiết kế đương đại vĩ đại nhất” thay đổi ý kiến. Một bước ngoặt trong cuộc đời của Jobs đã mang lại cho ông rất rất nhiều thay đổi trong cả cuộc đời sau này.
Có những lúc mỗi người sẽ tiến đến bước ngoặt của mình mà không nhận ra, chỉ khi bạn nhìn lại quá khứ bạn mới kết nối được những điều bạn đang có là từ đâu. Và biết đâu đó, một trong số những gì bạn đã học trong quá khứ sẽ mang lại cho bạn cơ hội trong tương lai giống như Steve Jobs vậy.
YenLH
Để lại đánh giá