Từ lâu đã có nhiều cuộc tranh luận về kỹ xảo điện ảnh (VFX), với một bên cho rằng phim trường và đạo cụ làm cho những bộ phim trông thực tế và nhiều cảm xúc hơn. Nhưng cũng có rất nhiều người lại yêu thích VFX được thực hiện bởi máy tính, vì trông chúng hoành tráng hơn nhiều và không hề bị gò bó bởi bất kì giới hạn nào. Cho dù bạn có là fan của trường phái nào đi chăng nữa, có một điều không thể phủ nhận đó chính là VFX đã đem đến nhiều thay đổi mang tính lịch sử trong ngành công nghiệp làm phim.
Bài viết dưới đây tổng hợp 10 khoảnh khắc đáng nhớ đã thay đổi cách mà chúng ta biết về VFX mãi mãi.
10 khoảnh khắc thay đổi lịch sử VFX:
- 1. Marcel Delgado khởi đầu mọi thứ với stop-motion trong King Kong
- 2. Harryhausen đưa stop-motion lên tầm cao mới trong Jason and the Argonauts
- 3. Kỹ thuật slit-scan của Douglas Trumbull trong 2001: A Space Odyssey
- 4. Motion-controlled camera trong Star Wars
- 5. Lasseter và nhân vật đầu tiên được tạo ra hoàn toàn bằng máy tính: Stained Glass Man
- 6. Những con khủng long bằng cao su và kỹ thuật số trong cùng một khung hình của Jurassic Park
- 7. Những viên đạn bay siêu chậm trong The Matrix
- 8. Motion Capture trong The Lord of the Rings
- 9. Thế giới 3D trong Avatar của James Cameron
- 10. Phá vỡ các rào cảncản với công nghệ Thực tế ảo (VR)
1. Marcel Delgado khởi đầu mọi thứ với stop-motion trong King Kong
Trước khi các “cây đa, cây đề” trong làng VFX như 2001: A Space Odyssey, Star Wars, và Jurassic Park ra đời thì Marcel Delgado, bậc thầy về hoạt hình stop-motion, đã cách mạng hóa ngành công nghiệp điện ảnh với bộ phim kinh điển King Kong vào năm 1933, mang đến những hiệu ứng stop-motion đặc biệt mà chưa từng ai thấy qua trước đó.
Khoảnh khắc này thường được đem ra so sánh với bộ phim Toy Story ra đời nhiều thập kỉ sau, khi lần đầu tiên công chúng được chiêm ngưỡng một công nghệ mang tính biểu tượng. Sau đó vào năm 1949, Delgado đã hợp tác với một nhà điêu khắc trẻ tên là Ray Harryhausen và đưa kỹ thuật stop-motion lên đỉnh cao với bộ phim Mighty Joe Young.
2. Harryhausen đưa stop-motion lên tầm cao mới trong Jason and the Argonauts
Sau lần hợp tác định mệnh với Marcel Delgado trong bộ phim Mighty Joe Young, Ray Harryahusen tiếp tục thực hiện nhiều phân cảnh stop-motion cho các bộ phim. Nhưng trong số đó không có bộ phim nào có thể vượt qua được bộ phim giả tưởng năm 1963 đó là Jason and the Argonauts với những chuỗi stop-motion kì diệu đỉnh cao vào thời đó. Được chính Harryhausen xem là tác phẩm vĩ đại nhất của mình, Jason and the Argonauts khiến khán giả choáng váng với một trong những phân cảnh VFX nổi tiếng nhất mọi thời đại khi Jason và đội thám hiểm của mình chiến đấu với hàng loạt chiến binh xương.
Hiệu ứng của bộ phim này là nguồn cảm hứng của nhiều nghệ sĩ VFX trẻ mới nổi như Stan Winston, Henry Selick và Richard Taylor. Harryhausen cũng đã được trao giải Oscar Thành tựu trọn đời cho những đóng góp và ảnh hưởng của ông đối với ngành công nghiệp điện ảnh. Trong buổi lễ trao giải, diễn viên Tom Hanks nói: “Đối với tôi, Jason and the Argonauts chính là bộ phim vĩ đại nhất từng được thực hiện.”
3. Kỹ thuật slit-scan của Douglas Trumbull trong 2001: A Space Odyssey
Năm năm sau khi Jason and the Argonauts được phát hành, bộ phim khoa học viễn tưởng 2001: A Space Odyssey đã đưa mọi thứ tiến thêm một bước dài nữa. Bằng cách sử dụng các tiểu cảnh và sân khấu âm thanh lớn, đạo diễn Stanley Kubrick cùng đội ngũ của mình đã kiến tạo ra tương lai ngay trước mắt chúng ta. Mặc dù cả bộ phim là một kì quan kỹ xảo, nhưng khoảnh khắc VFX làm thay đổi mọi thứ thực sự đến trong phân cảnh “Cổng Sao” (Star Gate) ở cuối phim. Để làm được điều này, một nghệ sĩ VFX trẻ tuổi tên là Douglas Trumbull đã sử dụng kỹ thuật gọi là slit-scan photography (chụp ảnh quét khe).
Đồng thời Trumbull cũng thêm các loại mực, sơn và hóa chất khác nhau vào nước để tái tạo ra các hình ảnh của không gian vô tận. Những kỹ thuật này chưa từng được thực hiện trước đây. Khi bộ phim ra rạp, nó đã hoàn toàn cách mạng hóa ngành công nghiệp điện ảnh và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho một nhà làm phim trẻ tên là George Lucas, giúp anh hoàn thành một dự án lớn mà anh đã ấp ủ trong nhiều năm.
4. Motion-controlled camera trong Star Wars
Năm 1975, George Lucas bắt đầu phát triển bộ phim mới nhất của mình, The Adventures of Luke Starkiller. Để đáp ứng nhu cầu về hiệu ứng hình ảnh cho quá trình sản xuất, Lucas đã liên hệ với nghệ sĩ VFX Douglas Trumbull. Tuy nhiên, Trumbull từ chối cơ hội này vì đã vướng dự án tạo VFX cho một bộ phim của Steven Spielberg có tên Close Encounters of the Third Kind. Để giúp Lucas, Trumbull giới thiệu trợ lý của mình là John Dykstra. Sau đó, Lucas và Dykstra đã cùng nhau thành lập công ty hiệu ứng hình ảnh Industrial Light & Magic (ILM). Và dự án đầu tiên của họ? Không gì khác đó chính là Star Wars.
Dykstra đã tập hợp nhiều nghệ sĩ VFX tài năng như Ken Ralston, Richard Edlund, Dennis Muren, Joe Johnston, Phil Tippett và Steve Gawley để làm việc cho Star Wars. Cùng với nhóm của mình, Dykstra đã phát triển một camera điều khiển bằng chuyển động (motion-controlled camera) và sử dụng nó trên phông nền đen để quay các mô hình tàu vũ trụ có độ chi tiết cao. Camera sẽ quay xung quanh các mô hình để tạo cảm giác chuyển động, hình ảnh thu được sau đó sẽ được xếp chồng lên nhau.
Đây có thể được xem là khoảnh khắc lớn nhất trong lịch sử điện ảnh, vì Star Wars đã khiến ngành công nghiệp điện ảnh kinh ngạc với những bước tiến của mình và truyền cảm hứng cho cả một thế hệ các nhà làm phim cũng như nghệ sĩ VFX.
5. Lasseter và nhân vật đầu tiên được tạo ra hoàn toàn bằng máy tính: Stained Glass Man
Năm 1985, một nghệ sĩ trẻ tên là John Lasseter (làm việc cho ILM) đã phát triển một nhân vật được tạo ra hoàn toàn bằng máy tính với đầy đủ chức năng đầu tiên cho màn ảnh rộng. Nhân vật này chính là “Stained Glass Man” trong bộ phim Young Sherlock Holmes. Vào thời điểm này, đây thực sự là một kỳ tích vì chưa từng có một nhân vật máy tính nào được kết xuất (render) hoàn chỉnh như vậy. Kể từ đây, thế giới VFX lại một lần nữa thay đổi mãi mãi.
Tuy phải mất một thời gian nữa trước khi ngành công nghiệp tin tưởng vào việc sử dụng các nhân vật được kết xuất hoàn chỉnh bằng máy tính này, nhưng đây vẫn thực sự là một khoảnh khắc vĩ đại trong lịch sử điện ảnh. Thành quả công việc mà John Lasseter để lại ở ILM đã truyền cảm hứng cho VFX supervisor lâu năm Dennis Muren thuyết phục Steven Spielberg sử dụng các nhân vật được dựng hình 3D cho dự án tiếp theo của ông ấy – Jurassic Park.
6. Những con khủng long bằng cao su và kỹ thuật số trong cùng một khung hình của Jurassic Park
Để chứng minh rằng nhóm của mình có thể tạo nên kỳ tích, Dennis Muren và đồng sự của mình đã hợp tác với cửa hàng sinh vật của Stan Winston để đưa Jurassic Park năm 1993 trở nên vô cùng sống động trên màn ảnh rộng. Đây là lúc mọi thứ thực sự chuyển sang thế giới của CGI và VFX. Giờ đây, đã có bằng chứng cụ thể cho thấy ngành công nghiệp VFX thực sự có thể tạo ra những hình ảnh bằng máy tính trông giống như thật. Jurassic Park đã giới thiệu đến công chúng khái niệm về sự “pha trộn hoàn hảo” bằng cách kết hợp mượt mà những con khủng long kỹ thuật số với các mô hình khủng long được tạo ra bởi Stan Winston và cửa hàng sinh vật của ông. Đây cũng chính là điểm khởi đầu cho loại hình VFX được thấy trong nhiều bộ phim hiện đại.
7. Những viên đạn bay siêu chậm trong The Matrix
Sáu năm sau Jurassic Park, thế giới điện ảnh lại một lần nữa thay đổi khi Neo vặn người cúi xuống để tránh đạn của Đặc vụ Smith trên một tầng thượng trong phim The Matrix. Điều khiến cả thế giới kinh ngạc đó chính là cách mà phân cảnh này được quay, với những viên đạn bay siêu chậm, ở một góc 180 độ.
John Gaeta, một VFX supervisor đã làm nên lịch sử khi phát triển một quy trình được gọi là “bullet time – thời gian viên đạn” bằng cách sử dụng một loạt các máy ảnh được sắp xếp và chụp ảnh tĩnh liên tiếp. Những bức ảnh tĩnh này sau đó được chỉnh sửa để tạo ra cảnh slow-motion ấn tượng.
8. Motion Capture trong The Lord of the Rings
Chỉ vài năm sau The Matrix, đạo diễn Peter Jackson và VFX supervisor Richard Taylor đã hợp tác để đưa thế giới Middle Earth lên màn ảnh rộng khi họ phát triển bộ ba phim The Lord of the Rings. Mặc dù trong phim có rất nhiều kỹ xảo điện ảnh khá “old-school”, nhưng có một quy trình đã trở thành một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong lịch sử VFX: sự ra đời của Motion Capture – chụp chuyển động, hay còn gọi là Performance Capture – thông qua nhân vật Gollum.
Richard Taylor và đội ngũ của mình tại Weta Digital đã để nam diễn viên Andy Serkis mặc một bộ đồ chuyên dụng cho phép họ ghi lại chuyển động và nét mặt của nhân vật. Sau khi diễn xong, dữ liệu được gửi đến các nghệ sĩ để tạo ra phiên bản 3D của Gollum.
9. Thế giới 3D trong Avatar của James Cameron
Đạo diễn James Cameron luôn là người thực sự thúc đẩy các giới hạn trong quá trình sản xuất phim của mình. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi bộ phim Avatar của ông đã đưa VFX lên một tầm cao mới với Performance Capture. Mặc dù có rất nhiều nhân vật bằng xương bằng thịt trong phim, nhưng phần lớn những gì chúng ta thấy trong phim được hoàn thành thông qua kỹ thuật Performance Capture. Weta Digital đã mở rộng những gì họ học được với The Lord of the Rings để ghi lại nhiều cảm xúc trên khuôn mặt của các nhân vật, bao gồm cả chuyển động của mắt. Bộ phim cũng mở ra một làn sóng trải nghiệm rạp chiếu 3D mới, bùng nổ sau khi bộ phim được phát hành.
10. Phá vỡ các rào cảncản với công nghệ Thực tế ảo (VR)
Thế giới giải trí đang sắp sửa chứng kiến một bước tiến lớn, đó chính là điện ảnh nhập vai. Trên thực tế, huyền thoại VFX Douglas Trumbull đã tìm cách biến điều này thành hiện thực trong nhiều năm. Và bước nhảy vọt trong công nghệ điện ảnh tiếp theo rất có thể sẽ là thực tế ảo.
Với những thiết bị VR và công nghệ đang sẵn có, sẽ không lâu trước khi chúng ta bắt đầu thấy được thành quả của công nghệ mới này. Trên thực tế, bạn đã có thể nhìn thấy một số điều đó thông qua Industrial Light & Magic xLAB. Cơ sở này hoạt động nhằm tạo ra và phát triển các loại hình giải trí nhập vai được xây dựng xung quanh loạt phim Star Wars.
Theo Premium Beat
10 khoảnh khắc đi vào lịch sử được RGB giới thiệu ở trên chính là nền móng để ngày nay chúng ta có thể chứng kiến sự bùng nổ của ngành VFX thông qua những sản phẩm điện ảnh bom tấn, những MV ca nhạc hoành tráng hay những concert triệu đô của các ngôi sao lớn trên thế giới. Công nghệ thông tin và trí thông minh nhân tạo (AI) ngày càng phát triển khiến cho cuộc đua trong thị trường VFX ngày càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. VFX không còn ưu ái cho riêng thị trường Bắc Mỹ hay Châu Âu nữa mà đã và đang tạo cơ hội cho các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan,… tham gia vào sân chơi màu mỡ này.
Tại thị trường Việt Nam, ngành công nghiệp VFX đang được xem là ngành công nghiệp mới, giàu tiềm năng phát triển cho thế hệ trẻ năng động. Bởi vì ngày càng có nhiều các công ty Truyền thông & Giải trí lớn đến từ Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… đầu tư vào thị trường nội địa nước ta. Bên cạnh đó, các studio chuyên về VFX tại Việt Nam cũng đang được mở rộng về quy mô, đẩy mạnh về chất lượng dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh với các studio quốc tế. Các studio VFX điển hình đang hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam có thể kể đến như: SPARX* Virtuos Studio, SPARTA Visual Effects Studio, BadClay, Colory Animation, LuciDigital Studio, BlueR hay Planion Animation.
Đứng trước một tương lai đầy tiềm năng trong lĩnh vực Kỹ xảo điện ảnh (VFX), ngay lúc này bạn hãy trang bị kỹ năng và sức mạnh cho bản thân để chuẩn bị những cú chạy đà thật vững chắc cho hành trình nghề nghiệp tương lai trong lĩnh vực Kỹ xảo mà bạn yêu thích bấy lâu.
Nếu bạn đang tìm kiếm một môi trường đào tạo Kỹ xảo điện ảnh bài bản, chuyên nghiệp, chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam thì Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC là một sự lựa chọn tuyệt vời.
Học viện MAAC cung cấp chương trình đào tạo Kỹ xảo Điện ảnh (VFX) được thiết kế bài bản, chuyên sâu bởi các chuyên gia đầu ngành. Lộ trình học được thiết kế chi tiết từng bước từ cơ bản đến chuyên nghiệp, phù hợp với ngay cả những người mới bắt đầu. Chương trình học cung cấp cho các học viên đầy đủ hệ thống kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể xây dựng nên các dự án Điện ảnh hoàn chỉnh từ giai đoạn Pre-Production (Tiền sản xuất) đến Production (Sản xuất) và Post-Production (Hậu kỳ).
Khám phá chương trình đào tạo Kỹ xảo Điện ảnh (VFX) TẠI ĐÂY.
Để lại đánh giá