Trước khi chính thức phỏng vấn, Showreel được xem là công cụ tiên quyết giúp bạn tạo nên ấn tượng ban đầu cho khách hàng cũng như các nhà tuyển dụng. Chính vì việc mang đậm dấu ấn cá nhân nên hầu hết showreel đều không có những yêu cầu và quy tắc cụ thể nào. Thế nhưng, vẫn còn những “luật bất thành văn” mà chắc chắn không một VFX Artist nào muốn bỏ qua nếu như có ý định tạo ra một đoạn showreel “chuẩn chỉnh”.
Các cách để tạo nên một showreel chuẩn:
- 1. XÁC ĐỊNH ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG NGƯỜI XEM VÀ MỤC ĐÍCH
- 2. ƯU TIÊN NHỮNG GÌ TỐT NHẤT
- 3. LÀM RÕ VAI TRÒ CỦA BẠN
- 4. CÀNG NGẮN CÀNG TỐT
- 5. HÃY KỂ MỘT CÂU CHUYỆN GÌ ĐÓ
- 6. ƯU TIÊN CHẤT LƯỢNG THAY VÌ SỐ LƯỢNG
- 7. ĐỪNG XEM THƯỜNG ÂM NHẠC
- 8. THÊM NHỮNG CHI TIẾT MANG TÍNH CÁ NHÂN
- 9. ĐỪNG ĐỂ BỊ LỖI THỜI
- 10. CHĂM CHÚT CHO TỪNG CHUYỂN ĐỘNG
- 11. SỬ DỤNG VIMEO THAY VÌ YOUTUBE
- 12. HÃY XEM SHOWREEL CỦA BẠN NHƯ MỘT ĐOẠN QUẢNG CÁO THỰC THỤ
1. XÁC ĐỊNH ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG NGƯỜI XEM VÀ MỤC ĐÍCH
Đối với một VFX Artist thì Showreel* cũng giống như Portfolio* của các Designer, vì vậy, việc đầu tiên bạn cần làm đó là phải xác định được đối tượng người xem cũng như mục đích hướng đến cho showreel. Bởi lẽ, đôi lúc thứ bạn có không hẳn là thứ bạn cần phải bỏ vào showreel. Ví dụ, nếu bạn hứng thú với CGI nhưng lại muốn tạo ra một showreel hoạt hình, hãy ưu tiên những footage hoạt hình có sẵn thay vì tập trung quá nhiều vào mảng CGI. Bên cạnh đó, nếu bạn đang muốn ứng tuyển vào một studio nào đó, hãy để những footage có sự liên quan nhiều nhất đến các sản phẩm của studio mà bạn đang hướng đến. Điều đó chắc chắn sẽ giúp bạn dễ dàng lọt vào mắt xanh của studio mà mình đang hướng đến đấy.
*Showreel: là một đoạn video ngắn giới thiệu các tác phẩm đã từng thực hiện của một cá nhân đang tham gia làm phim và các ngành truyền thông khác.
*Portfolio: là phần tổng hợp toàn bộ các dự án nổi bật mà một cá nhân đã từng tham gia thực hiện. So với Showreel, Portfolio là tài liệu giúp các nhà tuyển dụng có cái nhìn bao quát nhất về khả năng cũng như kinh nghiệm làm việc của một ứng viên.
2. ƯU TIÊN NHỮNG GÌ TỐT NHẤT
Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi lẽ, hầu hết mọi người đều dành sự tập trung cao nhất cho đoạn mở đầu và đoạn kết thúc của mỗi showreel. Nếu bạn không thu hút được người xem trong những giây đầu tiên, sẽ thật khó để có thể níu chân họ lại đến những giây cuối cùng. Vì vậy, bạn cần ưu tiên đặt những cái tốt nhất mà bạn có vào trong phần mở đầu của mỗi showreel.
“Bạn chỉ mạnh khi bạn không có điểm yếu, vì vậy hãy tập trung khai thác toàn bộ những điểm mạnh mà bạn có. Sẽ thật tuyệt nếu như bạn chứng tỏ sự tự tin và gây ấn tượng với khách hàng bằng những gì tốt nhất của bạn. Thay vì nhồi nhét tất cả chỉ để cho đủ thời gian, hãy luôn nhớ rằng chất lượng luôn tốt hơn số lượng. Vì vậy, nếu bạn vẫn chưa tìm được những gì tốt nhất, hãy tự tạo ra chúng ngay từ bây giờ.”
Dmitriy Glazyrin (CGI Artist tại CREAM Studio)
3. LÀM RÕ VAI TRÒ CỦA BẠN
Mặc dù showreel là công cụ giúp bạn thể hiện kỹ năng cá nhân, thế nhưng trong một vài shot, cảnh quay ở showreel lại là tác phẩm của nhiều thành viên trong một nhóm. Và trong những trường hợp đó, hãy biết cách thể hiện đúng vai trò của bạn. Bạn nên làm rõ những gì mình trực tiếp chịu trách nhiệm trong một sản phẩm nhóm. Ví dụ, bổ sung chú thích hoặc trình bày quá trình thực hiện một cách cụ thể, chi tiết. Điều này không chỉ xác định vai trò chính của bạn mà còn gia tăng độ uy tín cho bản thân trước các Studio mà bạn đang có ý định muốn gia nhập.
4. CÀNG NGẮN CÀNG TỐT
Thông thường, sẽ không ai đủ kiên nhẫn để xem toàn bộ một showreel dài quá 3 phút. Những showreel dài như vậy sẽ khiến người xem dễ mệt mỏi và phân tâm, dẫn đến việc họ có thể bỏ lỡ những phần trọng tâm. Đó là lí do hầu hết showreel thường có độ dài tiêu chuẩn chỉ từ 1 đến 3 phút.
Ngoài ra, cũng cần phải xem xét đến nền tảng mà bạn dùng để đăng tải sản phẩm của mình. Ví dụ, nếu bạn đăng lên Youtube hoặc Vimeo thì 3 phút là một độ dài có thể chấp nhận. Nhưng nếu đó là Instagram, tuyệt đối không được để showreel ấy dài quá 1 phút. Khi đó, bạn nên xuất một phiên bản showreel ngắn hơn phù hợp với từng nền tảng khác nhau.
“Có một sự thật là hầu hết các Art Director quá bận rộn để có thể dành thời gian cho những showreel dài 10 phút. Các video đấy thường dư thừa và không mang lại ấn tượng tốt. Vì vậy, hãy gói ghém tất cả những gì tinh túy nhất trong độ dài vừa phải để tạo nên một showreel “chuẩn chỉnh” ngắn gọn và mạch lạc.”
David Schäfer (CGI Artist)
5. HÃY KỂ MỘT CÂU CHUYỆN GÌ ĐÓ
Storytelling (nghệ thuật kể chuyện) luôn là một kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực sáng tạo, và showreel cũng không phải một ngoại lệ. Mọi người đều thích nghe kể chuyện, và cách tốt nhất để sản phẩm của bạn trở nên khác biệt so với những showreel khác chính là câu chuyện mà bạn truyền tải trong đó. Cảm xúc mà bạn tạo ra cho người xem cũng chính là cách mà bạn lựa chọn nội dung, âm nhạc và nhịp độ cho từng khoảnh khắc tạo nên showreel của riêng bạn.
6. ƯU TIÊN CHẤT LƯỢNG THAY VÌ SỐ LƯỢNG
Sự thật thì dù cho bạn là một VFX Artist lâu năm hay một người chập chững bước vào nghề thì cũng đều sẽ trải qua tình trạng chênh lệch giữa chất lượng của các sản phẩm. Việc trau dồi và tích lũy kĩ năng sẽ khiến cho mức chênh lệch giữa những sản phẩm ban đầu với những sản phẩm gần đây trở nên ngày càng lớn. Vì vậy, một showreel “chuẩn chỉnh” đòi hỏi bạn phải lựa chọn sao cho những sản phẩm xuất hiện trong showreel phải có cùng mức độ chất lượng.
“Một mẹo rất hữu ích dành cho bạn đó là hãy xem showreel của bạn là một tổng thể thống nhất. Điều đó sẽ giúp bạn có thể tổng hòa mọi thứ xuất hiện trong showreel ấy theo cách bạn mong muốn, bao gồm âm nhạc, hình ảnh và các chi tiết kỹ thuật khác.”
Arthur Nalobin (Motion Graphic Designer/Animator)
7. ĐỪNG XEM THƯỜNG ÂM NHẠC
Đúng vậy, âm nhạc là thứ tiên quyết giúp kết nối cảm xúc của người xem với những gì mà bạn truyền tải trong showreel. Tuy nhiên, việc sử dụng âm nhạc trong showreel không chỉ đơn thuần là chọn lựa một bài nhạc mà bạn ưa thích. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn tìm kiếm cho tới khi có được một đoạn nhạc mà bạn nghĩ có thể khơi gợi ấn tượng với khách hàng. Đó có thể là một bài nhạc gốc được bạn tự tạo hoặc sở hữu bản quyền, hoặc cũng có thể là một đoạn nhạc miễn phí có sẵn trên mạng, miễn là nó phù hợp với sắc thái có trong showreel của bạn.
8. THÊM NHỮNG CHI TIẾT MANG TÍNH CÁ NHÂN
Việc xem những bài hướng dẫn trên mạng mang đến rất nhiều lợi ích, tuy nhiên nó sẽ khiến bạn dễ rơi vào khuôn khổ chung và thiếu đi tính sáng tạo. Để có thể tạo nên một showreel “chuẩn chỉnh”, yếu tố sáng tạo dựa vào việc thêm những chi tiết cá nhân hóa là rất cần thiết. Đó có thể là cả một quá trình dài, tuy nhiên, một khi bạn đã tìm ra cách giải quyết, chúng sẽ mang đến những kết quả cực kì ấn tượng.
Ví dụ, thay vì chỉ tạo ra một showreel thông thường, hãy chủ động thêm vào quá trình thực hiện hoặc chia showreel của bạn ra từng giai đoạn phát triển khác nhau. Điều này không chỉ giúp cho khách hàng dễ nắm bắt mà còn tạo nên một phong cách riêng về lâu dài cho bản thân, tùy thuộc vào kĩ năng chuyên môn của bạn. Nếu cảm thấy không có ý tưởng, hãy thử tìm kiếm nguồn cảm hứng từ bạn bè xung quanh và những người có chuyên môn sáng tạo cao.
“Ngành sáng tạo không tránh khỏi việc tồn tại những sản phẩm trùng lặp nhau. Vì vậy, sự sáng tạo chính là một kỹ năng tiên quyết giúp sản phẩm của bạn trở nên vượt trội hơn so với số đông. Việc chỉ chạy theo những tiêu chuẩn, khuôn khổ nhất định làm cho giới hạn sáng tạo bị thu hẹp. Hãy nhớ rằng những sản phẩm khác biệt và có tính sáng tạo cao thường tạo được sự ấn tượng và có tính nhận diện cao hơn những những sản phẩm tiêu chuẩn vốn có.”
Maksym Khirnyy (CEO/3D Artist tại Mondlicht Studio)
9. ĐỪNG ĐỂ BỊ LỖI THỜI
Ngành sáng tạo luôn thay đổi không ngừng và tạo ra những xu hướng khác nhau qua từng năm. Nếu showreel của bạn chỉ toàn chứa những sản phẩm của 5 năm trước, chắc chắn sẽ không gây được ấn tượng mạnh cho nhà tuyển dụng. Vì vậy, hãy cố gắng chắt lọc và cập nhật những sản phẩm của bạn trong vòng một năm qua. Điều đó có thể khó, nhất là khi bạn nhìn lại công sức phải bỏ ra cho tất cả các sản phẩm ấy. Tuy nhiên, nếu bạn lên kế hoạch cụ thể và xem toàn bộ những sản phẩm trong vòng một năm là dự án cá nhân cụ thể, bạn sẽ giảm tải được áp lực và thoải mái hơn trong quá trình hoàn thiện. Thông thường, những VFX Artist sẽ đặt sản phẩm mới nhất của họ ở đầu hoặc cuối showreel nhằm tăng khả năng chú ý của khách hàng.
10. CHĂM CHÚT CHO TỪNG CHUYỂN ĐỘNG
Như đã nói, showreel chính là công cụ thiết yếu để thể hiện kỹ năng và tạo nên hồ sơ sáng tạo cho riêng bạn. Nhiệm vụ của một showreel “chuẩn chỉnh” là cần phải kết hợp nhiều kỹ năng chuyên môn để liên kết những sản phẩm lại thành một thể thống nhất. Chính vì lẽ đó, yếu tố chuyển động luôn phải được bổ sung và chăm chút. Điều này vốn không dễ để nhận biết, thế nhưng, việc chăm chút cho từng chuyển động từ đầu cho đến cuối showreel luôn là yếu tố quan trọng tạo nên ấn tượng mạnh cho người xem.
11. SỬ DỤNG VIMEO THAY VÌ YOUTUBE
Cách tốt nhất để giúp showreel của bạn được biết đến rộng rãi chính là chia sẻ chúng lên mọi nền tảng hiện có. Tuy nhiên, để nói đâu là nền tảng tốt nhất để đăng tải thì đó chính là Vimeo. Mặc dù có độ nhận diện không cao bằng Youtube, thế nhưng Vimeo cho phép người dùng đăng tải sản phẩm với mức chất lượng cao nhất. Không những vậy, Vimeo còn cho phép khả năng hiệu chỉnh đa dạng khi chia sẻ sang các nguồn và nền tảng bên ngoài, giúp đáp ứng cho nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau. Và bạn nên nhớ rằng, so với Youtube, Vimeo lại là nền tảng yêu thích của giới sản xuất và nghệ sĩ VFX/3D hiện đang làm việc trong ngành điện ảnh lẫn sáng tạo.
12. HÃY XEM SHOWREEL CỦA BẠN NHƯ MỘT ĐOẠN QUẢNG CÁO THỰC THỤ
Thông thường, một người nghệ sĩ sẽ không xem tác phẩm của họ là một sản phẩm. Thế nhưng, cái gì ra cái đó. Bất kỳ nhà sáng tạo nào cũng muốn đặt những gì tốt nhất của họ vào showreel và giấu đi những thứ không tốt. Điều đó phần nào cũng chỉ để đáp ứng mục đích mà showreel tạo ra ngay từ ban đầu, đó là tạo ấn tượng và tìm kiếm cơ hội làm việc.
Nếu bạn có thời gian, hãy tìm kiếm và khám phá những sản phẩm showreel của các VFX Artist hàng đầu. Điều đó không chỉ giúp bạn tích lũy được nhiều quy tắc chung, có thể phù hợp với showreel của riêng bạn.
“Với tư cách là một người chuyển từ Marketing sang thiết kế CGI, tôi vẫn luôn giữ được tư duy về tiếp thị trong cả công việc mà mình đang làm, rằng tất cả những gì tôi tạo ra đều là sản phẩm. Có thể đối với nhiều người trong nghề, suy nghĩ ấy là hơi phản cảm, thế nhưng, nó còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận cũng như hiểu biết của mỗi người. Điều đó không có nghĩa là bạn phải đánh đổi tài năng và phong cách cá nhân, mà là bạn cần phải hiểu tâm lý khách hàng cũng như lắng nghe những điểm mạnh nhất hình thành nên tư duy sáng tạo của bạn.”
Zhanna Travkina (Giám đốc Marketing tại Mondlicht Studio)
Nguồn tham khảo: 3Dtotal.com
Lược dịch bởi MAAC Vietnam
Để lại đánh giá