Logo mới của Xiaomi không chỉ thay đổi về vẻ ngoài mà còn nâng cấp tinh thần nội tại của thương hiệu này. Đảm nhiệm bởi nhà thiết kế người Nhật nổi tiếng Kenya Hara, logo và nhận diện mới của Xiaomi trải qua quá trình nghiên cứu và thiết kế hết sức tỉ mỉ.
Có phải “chỉ là bo tròn một chút thôi mà mắc dữ vậy”?
Mới đây trong sự kiện Mega Launch, thương hiệu điện tử Xiaomi đã công bố logo mới với hình dáng và phông chữ được bo tròn lại. Theo thông cáo báo chí, hãng đã tốn khoảng 2 triệu NDT (gần 7 tỉ VNĐ) để mời được nhà thiết kế Kenya Hara đảm nhiệm việc thay đổi này.
Logo mới của Xiaomi ngay lập tức nhận được những màn tranh cãi kịch liệt. Người thì cho rằng logo Xiaomi mới 7 tỉ đồng này “trông có khác logo cũ gì cho mấy đâu nhỉ”, người thì khẳng định “làm thiết kế quá dễ”, cũng không ít người cười chủ tịch Xiaomi đã… “bị lừa với màn đổi logo đi vào lòng đất”. Bên cạnh đó thì giới chuyên môn, cộng đồng người làm ngành thiết kế và sáng tạo, hoặc những ai tìm hiểu sâu hơn về thông tin này thì cho rằng đó là một logo đáng giá. Bởi vì đây không chỉ đơn giản là thay đổi vẻ ngoài một logo, mà còn là cả một quá trình nghiên cứu để nâng cấp tinh thần nội tại của chính Xiaomi.
Kenya Hara là ai mà gây tranh cãi vì logo giá 7 tỷ đồng?
Được đảm nhiệm bởi nhà thiết kế người Nhật Kenya Hara, người tạo nên thành công về chuẩn mực thẩm mỹ mới của thương hiệu MUJI, người đứng sau nhiều dự án thiết kế lớn và nổi tiếng trên thế giới. Kenya Hara sinh năm 1958 và là nhà thiết kế đồ họa tài năng người Nhật Bản. Ông là giám đốc đại diện của Nippon Design Center và là giáo sư của Đại học Mỹ thuật Musashino.
Tài năng của Kenya Hara trong công việc thiết kế, sáng tạo, lên ý tưởng là không cần bàn cãi. Nhà thiết kế này từng đảm nhận vai trò thiết kế chương trình khai mạc và bế mạc của Thế vận hội mùa đông Nagano 1998. Keyna Hara nổi tiếng với triết lý hư không (Emptiness) và đó cũng là chìa khóa để làm nên thành công của thương hiệu MUJI (viết tắt của Mujirushi Ryohin, tiếng Nhật nghĩa là “Sản phảm chất lượng không thương hiệu”).
Vậy, ý nghĩa sâu xa trong logo mới của Xiaomi là gì và có xứng đáng với giá 7 tỉ đồng?
Chính đại diện của Xiaomi cũng cho biết “Logo mới không chỉ thay đổi về vẻ ngoài mà còn nâng cấp tinh thần nội tại của thương hiệu này”.
Để việc nhận diện thương hiệu Xiaomi dung hòa với tư duy triết học phương Đông, nhà thiết kế nổi tiếng Kenya Hara và Xiaomi đã cùng nhau đề xuất một ý tưởng thiết kế mới – “Alive”, bắt đầu từ “mối quan hệ giữa công nghệ và cuộc sống”.
Logo mới không chỉ thay đổi về vẻ ngoài mà còn nâng cấp tinh thần nội tại của thương hiệu Xiaomi.
Trong video nói về quá trình làm mới logo Xiaomi, nhà thiết kế Kenya Hara cho biết, “Chúng tôi tin rằng công nghệ đang ngày càng phát triển, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Mối quan hệ giữa con người và công nghệ vì vậy cũng ngày càng gắn kết và chính điều này đã khơi nguồn cảm hứng cho chúng tôi thiết kế nên khái niệm “Alive”. Một triết lý thiết kế hoàn toàn phù hợp với triết lý của Xiaomi. Vì vậy, logo mới không phải chỉ đơn giản là thiết kế lại hình dáng mà còn gói gọn tinh thần bên trong của chính Xiaomi.”
“Cha đẻ” logo và triết lý thiết kế mới cho Xiaomi chia sẻ về quá trình sáng tạo
Để tạo nên logomark mới cho Xiaomi, Kenya Hara và cộng sự đã bỏ nhiều thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng về các dạng hình học tròn và vuông. Và trong quá trình nghiên cứu đó, họ bắt gặp một phương trình toán học. Bằng cách đưa các biến “n” vào phương trình này, ông tìm ra được những dạng hình học ngoạn mục giữa hình tròn và hình vuông.
“Chúng tôi đã bị mê hoặc bởi sự kỳ diệu của toán học. Bằng cách áp dụng phương trình này cho thiết kế logomark mới của Xiaomi, cuối cùng chúng tôi quyết định sử dụng n = 3. Chúng tôi tin rằng điều này tạo nên sự cân bằng hoàn hảo giữa hình vuông và hình tròn, thể hiện tốt nhất khía cạnh cốt lõi của khái niệm Alive” – Nhà thiết kế Kenya Hara cho hay.
Bên cạnh những thay đổi mới về logomark của công ty, Kenya Hara cũng thiết kế lại logotype để phù hợp với giao diện mới. Logomark và logotype có mục đích sử dụng riêng biệt. “Khi quảng bá thương hiệu và dịch vụ, chúng tôi khuyên nên sử dụng logomark. Còn logotype trông sẽ đẹp nhất trên các thiết bị có độ phân giải cao của Xiaomi. Màu cam sẽ tiếp tục là màu đại diện công ty của Xiaomi, đồng thời chúng tôi cũng thêm màu đen và bạc làm màu bổ sung để truyền tải cảm giác tràn đầy năng lượng và bí ẩn cho các sản phẩm mang tính khám phá.” – nhà thiết kế cho biết thêm.
Chúng tôi cũng đã phát triển một logo động để nhấn mạnh hơn nữa sự thay đổi liên tục trong cuộc sống đồng thời vẫn duy trì trạng thái cân bằng và tích cách. Đây chính là ý nghĩa thực sự của cuộc sống, chúng tôi nghĩ đến việc tích hợp điều này vào chiến dịch thay đổi hình ảnh của Xiaomi. Logo phải thích ứng được với môi trường luôn thay đổi, ngay cả khi in, logo cũng không cố định ở các góc mà linh hoạt và được định vị ở nơi thích hợp nhất. Logo này rất linh động và ngay cả khi nó dừng lại, nó cũng không bao giờ hoàn toàn tĩnh mà tồn tại ở trạng thái lửng lơ.
Cuối cùng, nhà thiết kế dẫn dắt người xem về mô tả khái niệm “Alive”. Đó là một video có ba hình ảnh. Hình ảnh chính giữa ghi lại nụ cười của một cô bé, thể hiện cuộc sống của con người. Hình ảnh bên trái cho thấy nhịp điệu của vũ trụ. Mặt biển dậy sóng và trái đất nhô lên từ đường chân trời của mặt trăng chính là nhịp điệu của vũ trụ cách xa thế giới loài người. Bên cạnh đó, sự thay đổi của thực vật cách hoa nở và rụng cho thấy sự khởi đầu và suy thoái của các dạng sống khác biệt với con người. Ba hình ảnh về cuộc sống này được hợp nhất và cân bằng với nhau. Thể hiện khái niệm thiết kế “Alive” – cảm giác của sự sống.
“Trong ba năm qua, chúng tôi đã tiếp xúc với các nhà thiết kế của Xiaomi cũng như nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau. Chúng tôi đã thiết kế một hình ảnh hoàn toàn mới với tầm nhìn về sự phát triển trong tương lai của Xiaomi. Hy vọng rằng Xiaomi có thể phát triển thành một doanh nghiệp tiếp tục mang lại lợi ích cho nhân loại và xã hội.” – nhà thiết kế Kenya Hara cho biết.
Để lại đánh giá