Tú Táo Tợn: Nghệ thuật cắt dán với nhiều chất liệu và quy trình khép kín collage art

Tú Táo Tợn – Khi nghe tên của Tú, tôi đã có phần khá ngạc nhiên / ấn tượng về phần chơi chữ nguyên âm “T” nghe khá vần điệu, lại là một chữ có ý nghĩa: “táo tợn: dữ dằn/cọc cằn/thái độ”. Mà cái ngạc nhiên của tôi lúc này “đỡ hơn” nhiều, so với lần đầu chúng tôi gặp gỡ tại sự kiện tốt nghiệp khóa học Thiết kế đồ họa dài hạn (1,5 năm) tại một cơ sở giáo dục ở Sài Gòn.

Tôi luôn cảm nhận Tú riêng bằng một câu nói khá hài hước: “Đây là một trải nghiệm của chàng trai trẻ tuổi”. Chúng tôi trò chuyện khá nhiều, chắc là từ “trên trời xuống dưới đất”. Tôi cảm thấy khá thích thú Tú từ lúc đó, vì chúng tôi còn có khoảng “thái độ” khi bàn về cuộc sống sáng tạo cá nhân.

Trong lần này, tôi dẫn Tú đến với độc giả RGB để có thể bàn luận về công việc & những trải nghiệm của chàng trai. Bạn có thể tận hưởng ngay về bài viết này và tác phẩm của Tú ngay sau đây nhé, đây có lẽ là nhân vật trong danh sách nhiều chữ của tôi.

Tú Táo Tợn: “Mình tiếp xúc công cụ thiết kế nhờ thấy khóa học chỉ với ‘ba trăm chín mươi chín nghìn’ chinh phục công cụ Ps, Ai.”

Võ Nguyễn Anh Tú (Tú Táo Tợn), sinh viên ngành Thiết kế đồ họa tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tú là nhà thiết kế tự do (editorial design: thiết kế nội dung sách/tạp chí), và chàng trai nổi bật với phong cách thiết kế collage art (tạm dịch: nghệ thuật cắt dán). 

Tú từng thực hiện các dự án thiết kế bìa sách ở Nhã Nam, tham gia với vai trò khách mời trong workshop Collage Art ở Lộn Xộn Studio (Cần Thơ) hay viết nội dung về Thiết kế đồ họa tại One Percent Design, DAS. Ngoài việc đi học và tham gia các dự án thiết kế, Tú bày tỏ việc thích làm zine (tạp chí tự làm) & được tổ chức / tham gia những workshop, thảo luận / trò chuyện về thiết kế sáng tạo. Về cái tên Tú Táo Tợn được sinh ra từ Bình Bồng Bột – một biên kịch nổi tiếng ở Việt Nam. “Mình đã nghĩ ra cái tên chơi chữ nào oách oách ngang thần tượng của mình như vậy. Thế là sau vài ngày thì mình ra Tú – Táo – Tợn.”

Tú thổ lộ bản thân hồi nhỏ rất mê vẽ, cho đến khi biết bản thân mê chơi Liên Minh Huyền Thoại, anh đã dừng việc mê vẽ. Những năm cấp II, Tú hầu hết không vẽ, chỉ tập trung vào game và vọc máy tính bàn. Đến khoảng thời gian hết cấp 03, anh chàng có ý định thi vào ngành Công nghệ thông tin vì nghe người ta nói rằng, “Nghề đó vừa giàu vừa được chơi game cả ngày. Hồi đó mình xu thật, chã có nghề nào như vậy,” anh hài hước kể lại. Đến đoạn, dịch covid19 diễn ra hoành hành tại Việt Nam, Tú thấy những khóa học quảng cáo sử dụng công cụ Adobe Illustrator với Photoshop chỉ với 399,000VND sẽ thành thạo trong 01 tuần. Anh đã thử mua khóa học về học thử, vì dạo trước Tú chỉ biết sử dụng PicsArt (một ứng dụng biên tập hình ảnh trên điện thoại) để chế meme, “rồi cái tự nhiên mình dính ngành này tới bây giờ!”

Tú Táo Tợn: “Khi đang thiết kế mà nhắm mắt lại 10s, mở mắt ra mình sẽ ctrl Z, ctrl shift Z rồi lại ctrl Z.”

Anh chàng thổ lộ về quá trình mình học thiết kế hoàn toàn trên mạng internet là chính. “Mình học cách sử dụng công cụ (phần mềm) khoảng 01 – 02 tuần, sau đó bám sát những video dạy học về thiết kế tốt trên kênh youtube. Khoảng thời gian đầu mình coi bộ 03 quyển sách sáng tạo của Austin Kleon & vlog dạy học trên youtube là những thứ “thánh kinh”. Đến lúc mình cảm thấy mình đủ nhiệt thành và muốn đầu tư vào mảng này thì mình “pitch” với mẹ để xin đi theo ngành và mua các khóa học trên các nền tảng trực tuyến Skillshare, Domestika.

Rồi mình học hầu hết những kỹ năng mà mình muốn học, chủ yếu là xoay quanh branding (thiết kế thương hiệu) & editorial (thiết kế báo chí). Học được một khoảng thời gian thì mình lại có thêm hứng thú với illustration (minh họa). Một lần nữa mình phải loay hoay vì không biết vẽ, mặc dù rất muốn vẽ. Trong khoảng thời gian nghiên cứu, may sao mình tìm được collage art – một nghệ thuật cắt dán. Đó là bài báo phân tích về loại hình collage art. Mình mê hết, và mình bắt đầu tìm hiểu thêm về nó. Rồi nhiều cánh cửa mở ra sau đó, và thay đổi cuộc đời mình.”

Sau khi nghe Tú kể, tôi khá hào hứng cho việc học thiết kế. Để thay đổi không khí, tôi hỏi thêm về “trạng thái” thiết kế của Tú. Khi hỏi về một thủ thuật collage art để mô tả về anh, anh cho hay: “Nếu có thì mình nghĩ là “táotợnism”, một người bạn đã bảo mình thế. Đùa chứ tranh mình được truyền cảm hứng khá nhiều bởi các hoạ sĩ Siêu Thực (Surrealism) nhưng nhiều nhất là Magritte và Chirico. Gần đây, mình lại có thêm nữa sự tò mò với rất nhiều hoạ sĩ Mao Pop như Zhang Hongtu, Yue Minjun và đặc biệt là Lou Brother.”

Còn khi đang thiết kế, giả sử bạn sẽ nhắm mắt lại 10s và khi mở mắt ra thì bạn sẽ làm gì? Tôi nhận được câu trả lời khiến tôi phải gật gù đồng ý, “chỉ là mình sẽ lắc đầu, rồi lại Ctrl Z, chỉnh chỉnh chỉnh, rồi lại Ctrl Shift Z”. Và cả câu hỏi, bắt đầu với việc làm thiết kế bạn sẽ nghĩ gì? “Mình nghĩ đó là sự tò mò. Mình luôn khởi đầu và duy trì mọi thứ bằng sự tò mò. Đó là thói quen từ nhỏ, mình luôn cảm thấy hứng thú và tò mò về quy trình tạo ra cái này cái kia. 

Và mình nghĩ phải có sự tò mò thì nó mới dẫn mình đến mình đến việc đi tìm câu trả lời. Và trên hành trình sáng tạo của mình, khi mình cảm thấy ngưng tò mò về một lĩnh vực nào đó thì nó cũng là một dấu hiệu để mình tạm ngưng và đi làm chuyện khác, để khi mình nuôi dưỡng đủ sự tò mò thì mình sẽ quay lại với nó.”

Tú Táo Tợn: Quy trình khép kín Collage Art & Giấc mơ “con cá kỳ lạ” tạo chất liệu thiết kế

Về collage art, một mảng miếng mà Tú quan tâm nhất trong giai đoạn hiện tại, chia sẻ về lý do Tú lại thích Collage Art đến vậy? Ngoài câu trả lời cũ là đọc sách báo phân tích về phong cách này thì, collage art với anh chàng, nó hay ở chỗ bản thân được sáng tạo trong khuôn khổ. “Mình chỉ có những materials (tạm dịch: nguồn vật liệu / chất liệu thiết kế) nhất định và phải sáng tạo dựa trên nó, phải cố gắng làm rõ vấn đề thông qua những yếu tố liên quan.”

Bản thân việc đi sưu tầm các material đã là một trải nghiệm vô cùng hứng thú. Thi thoảng, Tú đi vào tiệm sách cũ thì lại tìm được một quyển với đầy các hình minh họa đúng gu. Cảm giác còn sướng hơn là đào được vàng, anh chàng thổ lộ. “Theo góc nhìn của mình, sự xuất hiện của collage với nghệ thuật hiện đại đã là một cuộc cách mạng. Mỗi khi có dịp, mình luôn luyên thuyên kể cho mọi người về câu chuyện của hai gã đàn ông chán vẽ cho đến việc xé giấy dán tranh.

Lúc đầu làm collage mình chỉ nghĩ đến chuyện nó phản ánh bản thân như thế nào, để rồi sau một khoảng nghỉ lớn, thì mình nhận ra tranh mình chẳng nói điều gì về xã hội cả. Thế là mình quyết định nỗ lực hơn để đưa hình ảnh đời sống, xã hội vào tranh nhiều hơn. Và đó là lúc mình đạt được cảm giác thỏa mãn mỗi khi bấm Ctrl S.”

Để sáng tạo ra collage, Tú chia sẻ, mình luôn có một quy trình khép kín cho tác phẩm của mình. Phác thảo lại những trải nghiệm của mình, đó có thể là những giấc mơ sau khi ngủ dậy, hoặc ghi lại những băn khoăn vào cuốn sổ. Đến lúc cần collage thì anh sẽ lấy ra, kết hợp với những hình ảnh mà anh có. “Những nguồn nguyên vật liệu (còn gọi là stock) mình có được nhờ sưu tầm trên mạng internet, mua trên Creativemarket (nền tảng bán stock), scan (quét) những hình ảnh trong tạp chí mà anh muốn vào máy, đưa lên phần mềm kỹ thuật số.”

Lúc thiết kế collage, Tú thường hay nghe một playlist để tạo cảm hứng, thường đó là thể loại Jazz hay một chút podcast cảm hứng. Cắt dán bằng photoshop xong thì anh sẽ thêm texture (hiệu ứng bề mặt) và chỉnh lại màu một chút, xuất hình ảnh và đăng tải lên mạng xã hội (Instagram). Tú bộc bạch, tác phẩm được in ấn khi có triển lãm hoặc workshop, sản phẩm phát hành là zine. Kỹ thuật in mà anh chọn là offset trên giấy Ecoheim. Gần đây, anh được trải nghiệm thêm in ấn với Riso cho collage, “mình cảm thấy nó mang lại 01 cảm giác rất đặc biệt cho tác phẩm.”

Một Design Decisions (lý do thiết kế) mà Tú chia sẻ cho 01 tác phẩm collage art, anh nói, anh thường lấy những vấn đề của xã hội và cố gắng đưa chúng vào tác phẩm của anh để nói lên những cảm xúc, tâm tư hay có lẽ là cách nhìn nhận / phản ánh về cuộc sống. “Bên cạnh chuyện xã hội và đời sống, mình cũng tích cực trong việc dùng tranh để tả mình. Rất nhiều tranh của mình chỉ đơn thuần là thuật lại một giấc mơ mà mình chẳng thể nào hiểu. Và mình nghĩ rằng cứ làm ra và ngồi ngắm thì kiểu gì mình cũng hiểu.” Anh chàng kể lại. 

“Có lần mình mơ hai con cá vàng bay ra khỏi hồ cá của mình, và lơ lửng trên không trung, mình với tay sờ nó, và một con khỉ chui ra từ kỳ trên của con cá. Với mình, trải nghiệm đó tuyệt vời hơn bất kì bộ phim điện ảnh nào mà mình đã xem, thế nên mình muốn thể hiện lại lần nữa cái vô thức, để xem chuyện này nó đại diện cho cái gì về mình. Chỉ có vậy.”

Câu hỏi cuối dành cho Tú để kết thúc buổi trò chuyện, như bao lần, tôi sẽ hỏi dự định tương lai của chàng trai. Tú cho hay, bản thân còn bận rộn vì mỗi sáng thức dậy phải suy nghĩ xem phải ăn sườn bì chả trứng hay sườn bì chả không trứng. Nên cũng không rõ câu trả lời, tuy nhiên, sau thời gian vài lần từng được làm workshop cho nhiều đối tượng khác nhau, anh thấy thú vị và cảm thấy vui vẻ để tiếp tục theo đuổi phong cách collage art này.

“Vì vậy, mình đang trong quá trình nghiên cứu nhiều sách hơn về các vấn đề xoay quanh collage, hay về những giới hạn của collage, và về những bức phát triển tiềm năng của nó. Nhằm mục đích tổ chức nhiều workshop chia sẻ những trải nghiệm đó. Nên là ai muốn tổ chức thì liên hệ em nhé,” Tú hài hước bày tỏ.

Viết bài: Lê Quan Thuận

Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật!