Kỹ sư MIT đề xuất phương án sử dụng tấm chắn phản chiếu mặt trời nhằm chống lại biến đổi khí hậu

Một nhóm các nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) dẫn đầu bởi kiến trúc sư Carlo Ratti đang khám phá tính khả thi của việc chống lại biến đổi khí hậu bằng một tập hợp các “bong bóng không gian” lơ lửng bên trên Trái đất để phản chiếu lại ánh sáng mặt trời.

Dự án nghiên cứu có tên là Space Bubbles này đề xuất việc thả trôi một tập hợp những chiếc “bong bóng” tại L1 Lagrangian Point – điểm nằm giữa Trái đất và Mặt trời – nơi mà lực hấp dẫn giữa hai thiên thể này bị triệt tiêu, giúp cho “chiếc bè” không gian có thể ổn định vị trí.

Các bong bóng này sẽ được làm bằng vật liệu màng mỏng và khi được kết nối với nhau, chúng sẽ bao phủ một khu vực có kích thước gần bằng Brazil.

Space Bubbles là một biến thể của ý tưởng địa kỹ thuật về một lá chắn mặt trời, về mặt lý thuyết sẽ hoạt động bằng cách ngăn chặn một số bức xạ mặt trời hướng tới Trái đất để giảm tác động của sự nóng lên toàn cầu.

Tuy nhiên, một điểm khác biệt là với tấm chắn mặt trời đặt trong không gian, sẽ không tiềm ẩn nguy cơ can thiệp vào sinh quyển của Trái đất. Các dự án được triển khai trong tầng bình lưu của Trái đất thì sẽ có nguy cơ này.

Các nhà nghiên cứu của MIT nhấn mạnh rằng đề xuất Space Bubbles được thiết kế để bổ sung chứ không thay thế các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu hiện tại. Tuy nhiên, rất có thể một ngày nào đó trong tương lai phương án này sẽ trở nên cần thiết.

Ratti, người đứng đầu phòng thí nghiệm Senseable City Lab của MIT cho biết: “Địa kỹ thuật có thể là lựa chọn cuối cùng và duy nhất của chúng ta. Tuy nhiên, hầu hết các đề xuất về địa kỹ thuật đều liên quan đến trái đất, điều này gây ra những rủi ro to lớn cho hệ sinh thái.”

“Các giải pháp được thực hiện trên không gian sẽ an toàn hơn – ví dụ, nếu chúng ta làm lệch được 1,8% bức xạ mặt trời trước khi chúng chạm vào trái đất thì ta hoàn toàn có thể đảo ngược được sự nóng lên toàn cầu hiện nay.”

Một ưu điểm khác của tấm chắn mặt trời đặc biệt này là nó có thể đảo ngược, vì các bong bóng có thể được làm xẹp xuống và di chuyển khỏi vị trí của chúng.

Các quả cầu sẽ được làm từ vật liệu như silicon, được vận chuyển vào không gian ở dạng nóng chảy, hoặc chất lỏng ion được gia cố bằng graphene.

Nhóm nghiên cứu của MIT đã thực hiện một thí nghiệm sơ bộ thành công bằng cách làm phồng một lớp vỏ hình cầu ở ngoài không gian và tin rằng nó có thể là một trong những cấu trúc màng mỏng hiệu quả nhất để làm lệch bức xạ mặt trời.

Dự án nghiên cứu Space Bubbles được xây dựng dựa trên ý tưởng của nhà khoa học James Early, người đầu tiên đề xuất triển khai một vật thể làm lệch hướng tại điểm Lagrangian và nhà thiên văn học Roger Angel, người đã đề xuất “chiếc bè” bằng bong bóng.

Hiện tại, dự án đang chỉ là một giả thuyết, nhưng nhóm liên ngành của Ratti đang hy vọng được hỗ trợ để làm một nghiên cứu khả thi bao gồm các thử nghiệm và phân tích sâu hơn trong phòng thí nghiệm.

Ngoài vật liệu, nghiên cứu sẽ khám phá các lựa chọn để vận chuyển vật liệu từ Trái đất, bao gồm cả việc liệu nó có thể sử dụng railgun (súng gia tốc từ tính) hay không. Nghiên cứu này cũng sẽ xem xét vị trí và sự ổn định của chiếc bè bong bóng, khả năng che nắng, hiệu quả chi phí, bảo trì và chuyển đổi giai đoạn cuối, cũng như tác động của nó lên khí hậu và hệ sinh thái của trái đất.