Nhìn lại VFX trong 5 phim lọt vào đề cử Best Visual Effects của Oscars 2021

Nguồn ảnh: Vincent Frei

Với sự vắng mặt của các ứng cử viên đến từ vũ trụ điện ảnh Marvel và DC vốn dĩ luôn ngập tràn VFX, mùa giải Oscar năm nay chứng kiến một sự đa dạng về thể loại và nội dung phim, cũng như có nhiều cái tên mới mẻ được đề cử cho hạng mục Best Visual Effects (VFX Xuất Sắc Nhất). Các ứng cử viên đó chính là: phim khoa học viễn tưởng “The Midnight Sky”, ngược dòng thời gian siêu rối não cùng “Tenet”, phiên bản live-action của bộ phim hoạt hình “Mulan”, vườn thú biết nói trong “The One and Only Ivan” và thế giới đầy quái vật của “Love and Monsters”.

Vậy các bộ phim trên có những VFX gì đáng chú ý?

The Midnight Sky

Hãng phim: Netflix
Đạo diễn: George Clooney
Đội ngũ VFX được đề cử: Matt Kasmir, Chris Lawrence, Dave Watkins, Max Solomon
Nội dung chính: Câu chuyện hậu khải huyền này kể về Augustine, một nhà khoa học đang làm việc ở Bắc Cực, khi ông chạy đua với thời gian để ngăn Sully và các đồng nghiệp của cô trở về Trái Đất trong một thảm họa toàn cầu bí ẩn.

VFX nổi bật

Đối với đội ngũ VFX tại Framestore, studio chịu trách nhiệm tạo hình nên con tàu Aether và toàn bộ nội thất chi tiết bên trong cũng như thực hiện các cảnh VFX ngoài không gian cho phim, thử thách lớn nhất đối với họ chính là các cảnh đi bộ ngoài không gian, một phần vì nữ diễn viên Felicity Jones cũng đang thực sự mang thai trong quá trình quay phim.

Nguồn ảnh: Netflix

Các phân cảnh không gian là sự kết hợp giữa các diễn viên di chuyển xung quanh trường quay trên dây và một công nghệ mới do Framestore phát triển cho phép các nhà làm phim tạo ra các phiên bản CGI của các diễn viên với các chuyển động khuôn mặt thực tế của họ.

Ngoài ra, Industrial Light & Magic đã cung cấp một phiên bản pop-up của StageCraft, một bức tường LED khổng lồ đã từng được sử dụng trong series “The Mandalorian” nổi tiếng của Disney, để tạo ra ngoại thất của đài quan sát ở Bắc Cực.

Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất trong phim đó chính là cảnh phim chết chóc “Dance of Blood”, đòi hỏi sự kết hợp phức tạp giữa việc thay thế khuôn mặt và mô tả tính động lực học phức tạp của chất lỏng.

Nguồn ảnh: Netflix

Tenet

Hãng phim: Warner Bros.
Đạo diễn: Christopher Nolan
Đội ngũ VFX được đề cử: Andrew Jackson, Andrew Lockley, Scott R. Fisher, Mike Chambers
Nội dung chính: Phim theo chân hai nhân vật được một tổ chức bí ẩn chiêu mộ, sử dụng cái gọi là “Tenet” ("Học thuyết") - được cho là “có thể mở ra những cửa đúng” và “vài cửa sai”, nhằm ngăn chặn Thế chiến III từ trước khi nó xảy ra. Nhưng thay vì du hành thời gian, phương pháp nó hoạt động là “nghịch đảo” những gì đã có.

VFX nổi bật

Có một điều đáng ngạc nhiên đó chính là toàn bộ phim “Tenet” có vỏn vẹn không quá 300 cảnh quay VFX. Để dễ so sánh, “Avengers: Endgame” có đến hơn 2.000 cảnh quay VFX. Christopher Nolan cũng thừa nhận con số 300 là thấp đối với chính vị đạo diễn này. Sở dĩ “Tenet” có ít cảnh quay VFX như vậy đó là do Nolan có chủ đích muốn dùng những kỹ xảo điện ảnh thực tế và mô hình cho phim, chỉ sử dụng CGI khi thật sự cần thiết. Ông đã “chịu chơi” đến mức mua hẳn một chiếc máy bay Boeing 747 thật để rồi sau đó cho nó nổ tung trên phim trường của “Tenet”, nhằm mang đến độ chân thật nhất cho phim.

Nguồn ảnh: Warner Bros. Pictures

Tuy nhiên có lẽ điểm khiến khán giả ấn tượng nhất với “Tenet” đó chính là cách bộ phim tái hiện việc đảo ngược thời gian trong các cảnh đánh nhau và rượt đuổi trên xe một cách vô cùng ấn tượng. Studio DNEG đã sử dụng các bản dựng pre-viz để tìm ra cách đảo ngược lại thời gian cho các cảnh quay sau đó ở giai đoạn hậu kỳ. Ngoài ra, các buổi diễn tập với bộ phận đóng thế cũng giúp ích rất nhiều cho việc hình dung các cảnh quay trông sẽ như thế nào. Đối với các trường đoạn rượt đuổi nhau trên xe, đội ngũ đã làm cho bụi bị hút trở lại vào bánh xe thay vì phun ra. Và khi một chiếc xe phát nổ, vụ nổ cũng được hút trở lại chiếc xe.

Nguồn ảnh: Warner Bros. Pictures

Mulan

Hãng phim: Walt Disney Pictures
Đạo diễn: Niki Caro
Đội ngũ VFX được đề cử: Sean Faden, Anders Langlands, Seth Maury, Steve Ingram
Nội dung chính: Bộ phim dựa trên huyền sử về nữ anh hùng Hoa Mộc Lan của Trung Quốc và là phiên bản chuyển thể từ bộ phim hoạt hình cùng tên năm 1998 của Disney. Phim có sự tham gia diễn xuất của Lưu Diệc Phi trong vai nữ chính, bên cạnh Chân Tử Đan, Jason Scott Lee, Yoson An, Củng Lợi và Lý Liên Kiệt.

VFX nổi bật

Rất nhiều hiệu ứng đã được sử dụng nhằm đem đến hình ảnh Kinh thành một cách chân thật nhất và tạo ra các phân cảnh chiến đấu hoành tráng cho phiên bản live-action “Mulan” của Disney. Các studio VFX nổi tiếng trên khắp thế giới bao gồm Crafty Apes, Framestore, Image Engine, Sony Pictures Imageworks và Weta Digital đều hợp lực để góp phần làm cho bộ phim trở nên sống động.

Nguồn ảnh: Disney

Điểm mấu chốt cho hiệu ứng hình ảnh của bộ phim chính là khiến khán giả đắm chìm trong thế giới của “Mulan”, khiến họ cảm thấy mình là một phần của cảnh quan và hành động. Đạo diễn Niki Caro muốn quay càng nhiều càng tốt về các địa điểm và bối cảnh âm thanh, sau đó VFX sẽ mở rộng và tái tạo lại những chỗ cần thiết.

Chỉ riêng đội ngũ tại Weta Digital thôi đã thực hiện tận hơn 485 cảnh VFX cho phim. Nhiều nghiên cứu sâu rộng đã được tiến hành trước đó để tạo nên bố cục chân thật nhất của Kinh thành, với ước tính tương đương với kích thước khu phố Manhattan của New York.

The One and Only Ivan

Hãng phim: Disney Plus
Đạo diễn: Thea Sharrock
Đội ngũ VFX được đề cử: Nick Davis, Greg Fisher, Ben Jones, Santiago Colomo Martinez
Nội dung chính: Dựa trên cuốn truyện tranh cùng tên của nhà văn K. A. Applegate và họa sĩ Patricia Castelao, bộ phim kể về chú khỉ đột Ivan sống trong một đoàn xiếc thú tại siêu thị. Tại đây, chú quen mẹ con voi Stella và Ruby. Khi Stella mắc bệnh, cô gửi gắm Ivan chăm sóc Ruby. Chứng kiến ông chủ rạp xiếc hành hạ Ruby, chú khỉ nhớ đến lời hứa với Stella và tìm cách trả tự do cho voi con.

VFX nổi bật

VFX studio MPC chịu trách nhiệm cung cấp hiệu ứng hình ảnh chính cho bộ phim và tham gia từ khi bắt đầu quay cho đến giai đoạn pre-viz, xây dựng nhân vật và môi trường cũng như diễn hoạt. Tính tổng cộng, MPC đã cung cấp 1.055 cảnh VFX cho phim. Những phân cảnh khác nhỏ hơn, chẳng hạn như De-Aging (làm cho nhân vật trẻ hơn), thì được đóng góp bởi các công ty VFX khác.

Bộ phim dành cho trẻ em, với các loài động vật đều có thể nói chuyện, nhưng không phải theo cách mà con người trong phim có thể nghe hoặc hiểu. Điều này có nghĩa là MPC cần phải kết hợp và cân bằng giữa việc làm cho những con vật giống với ngoài tự nhiên nhất có thể, đồng thời chúng biết nói chuyện và thể hiện những cảm xúc phức tạp kiểu con người.

Một cân nhắc khác cho các animators ở MPC đó là tránh việc các con vật trở nên quá nhuần nhuyễn khi nói chuyện. Đạo diễn Thea Sharrock không muốn Ivan là một phiên bản của loạt phim “Planet of the Apes”. Chính vì vậy, thay vì sử dụng kỹ thuật motion-captured, các animators của MPC đã tự tay xây dựng nên tất cả mọi biểu cảm trên khuôn mặt của các loài động vật trong phim.

Love and Monsters

Hãng phim: Paramount Pictures
Đạo diễn: Michael Matthews
Đội ngũ VFX được đề cử: Matt Sloan, Genevieve Camilleri, Matt Everitt, Brian Cox
Nội dung chính: Love and Monsters lấy bối cảnh thế giới khi 95% nhân loại đã bị tiêu diệt bởi những loài côn trùng khổng lồ. Chúng là hậu quả từ chất sinh học rơi ra từ một tiểu hành tinh bị tên lửa phá hủy nhằm giảm thiểu tác động khi va chạm với Trái Đất. Nhân vật chính của bộ phim là Joel (Dylan O'Brien) - một chàng trai có tâm hồn lương thiện, chí khí quả cảm, nhưng lại mắc phải chứng bệnh tâm lý sợ hãi đến tê cứng cơ thể. Bởi điểm yếu ấy, Joel không được người dân ở hầm cư trú cho phép tham gia chiến đấu chống lại quái vật. Chàng trai luôn cảm thấy ngột ngạt, đồng thời mong muốn khẳng định bản thân và quyết định tiến lên mặt đất. Mục tiêu của Joel là tìm đến Aimee (Jessica Henwick) - người bạn gái đang ẩn náu tại một hầm cư trú khác cách xa hơn 100 km. Chuyến hành trình bị ví như hành động tự sát khi bọn quái vật xuất hiện đầy rẫy khắp nơi và Joel chẳng khác nào miếng mồi ngon lành dành cho chúng.

VFX nổi bật

Đội ngũ VFX cho bộ phim khá nhỏ, ban đầu chỉ có 4 người. Sau đó khi quá trình quay phim bắt đầu và khối lượng công việc ngày càng lớn hơn, số lượng đã tăng lên khoảng 12 người. Mặc dù vậy, với một bộ phim đầy rẫy các con quái vật, đây vẫn là một con số khá nhỏ. Nhìn chung, việc tạo ra các con quái vật trong phim diễn ra theo cách khá truyền thống: điêu khắc chúng bằng đất sét, sau đó làm khuôn bằng sợi thủy tinh, tái tạo bằng cao su xốp hoặc silicone với tay vịn bên dưới để có thể thêm các bộ phận cơ học vào.

Nguồn ảnh: Julien Romeo

Tuy nhiên, bản dựng thử thách nhất cho đội ngũ đó chính là là nhân vật người máy Mav1s. Chủ yếu là vì nhân vật này có đến hàng trăm chi tiết cần được ghép lại với nhau. Bản thiết kế của Mav1s được chia thành nhiều phần nhỏ rồi sau đó mỗi phần sẽ được in 3D. Sau đó mỗi phần này sẽ được làm sạch, chà nhám rồi làm khuôn lại.

Nguồn ảnh: Paramount Pictures
https://www.youtube.com/watch?v=xm7FgYxQyMQ

Hiện tại, “The Midnight Sky” và “Tenet” đang được xem là những ứng cử viên hàng đầu cho hạng mục Best Visual Effects của giải Oscar 2021. Tuy nhiên, “Love and Monsters” với những kỹ xảo khá cổ điển cũng được nhiều người dự đoán sẽ tạo nên bất ngờ năm nay. Người chiến thắng sẽ được thông báo trong buổi lễ trao giải diễn ra vào ngày 25/04 sắp tới. Theo bạn thì ai sẽ giành được tượng vàng danh giá?

Bài viết mang đến bởi Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC (Maya Academy of Advanced Cinematics) là thương hiệu đào tạo Truyền thông & Giải trí (Media & Entertainment) của tập đoàn Aptech. MAAC có mạng lưới 160 trung tâm trên toàn thế giới, cung cấp dịch vụ đào tạo nghề bài bản, chuyên sâu, chất lượng cao trong các lĩnh vực:
· Hoạt hình 3D (3D Animation) – 24 tháng
· Kỹ xảo Điện ảnh (VFX – Visual Effects) – 24 tháng
· Thiết kế Truyền hình (Broadcast Design) – 18 tháng

Địa chỉ: 24-26 Phan Liêm, phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM
Hotline: 1900 2096
Website | Tuyển sinh | Fanpage | Youtube | Instagram